Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay khiến nhiều quốc gia châu Âu rơi
vào tình cảnh khốn đốn, song lại có tác dụng tích cực là thúc đẩy sản
xuất năng lượng tái tạo. Các mô hình năng lượng sạch này giúp giảm phát
thải CO2 ra môi trường.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Cổng thông tin Chính phủ)
Kết
quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu năng lượng Ember có trụ sở tại Anh
cho thấy, sản lượng điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch đã không tăng
thêm 4% nhờ các nguồn năng lượng tái tạo đáp ứng đủ nhu cầu điện gia
tăng của thế giới. Qua việc phân tích dữ liệu của 75 quốc gia chiếm 90%
tổng lượng tiêu thụ điện toàn cầu, Ember nêu rõ nhu cầu điện trên thế
giới tăng 389TWh trong khoảng thời gian nửa năm, trong khi điện gió,
điện mặt trời và thủy điện cũng tăng 416TWh.
Sản lượng điện gió
và mặt trời đáp ứng hơn 75%, trong khi thủy điện đáp ứng phần còn lại
của nhu cầu gia tăng năng lượng thế giới. Điều này giúp sản lượng điện
sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm không tăng thêm 4%, tiết
kiệm được 40 tỷ USD chi phí nhiên liệu và giảm hàng trăm tấn khí thải
CO2.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng, cuộc khủng hoảng
năng lượng hiện nay đang góp phần đẩy nhanh việc triển khai sử dụng
năng lượng tái tạo, mở ra hy vọng cho những nỗ lực nhằm đạt các mục tiêu
tham vọng về khí hậu toàn cầu. Báo cáo của IEA nhận định, tổng công
suất năng lượng tái tạo toàn thế giới sẽ tăng gần gấp đôi trong 5 năm
tới và vượt qua than đá để trở thành nguồn sản xuất điện lớn nhất vào
năm 2025.
Cuộc
khủng hoảng năng lượng hiện nay đang góp phần đẩy nhanh việc triển khai
sử dụng năng lượng tái tạo, mở ra hy vọng cho những nỗ lực nhằm đạt các
mục tiêu tham vọng về khí hậu toàn cầu.
Mức tăng trưởng
2.400gigawatt giai đoạn 2022-2027 là cao hơn 30% so dự báo IEA đưa ra
năm ngoái. IEA cho rằng, điều này sẽ giúp duy trì khả năng hiện thực hóa
mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C đề ra trong
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. IEA dự báo công suất năng lượng tái
tạo bổ sung tại châu Âu giai đoạn 2022-2027 sẽ cao gấp đôi công suất bổ
sung trong 5 năm trước.
Theo Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol
, năng lượng tái tạo vốn đang mở rộng nhanh chóng thì cuộc khủng hoảng
năng lượng toàn cầu xảy ra, góp phần đưa tiến trình này sang một giai
đoạn mới tăng trưởng nhanh hơn. Trong 5 năm tới, công suất năng lượng
tái tạo thế giới sẽ tăng tương đương mức tăng của cả 20 năm trước. Ông
cho rằng, đây là thí dụ rõ ràng cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng
hiện nay có thể trở thành một bước ngoặt để hướng tới tương lai năng
lượng sạch và bền vững.
Climate Group, tổ chức phi lợi nhuận quốc
tế về khí hậu, công bố báo cáo cho thấy, Tây Ban Nha, Đức, Trung Quốc
và Anh đang dẫn đầu các quốc gia giàu nhất thế giới trong nỗ lực thúc
đẩy chuyển sang năng lượng tái tạo. Climate Group lập bảng xếp hạng của
các nước Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới
(G20) dựa trên tham vọng và tiến bộ chống biến đổi khí hậu của từng quốc
gia. 20 quốc gia được xếp hạng từ A đến E, trong đó có Tây Ban Nha (một
khách mời thường xuyên của G20).
Với
điểm A, Tây Ban Nha được ca ngợi vì đã công bố một trong những chính
sách điện tái tạo tham vọng nhất EU, cụ thể là toàn bộ phần bổ sung công
suất điện mới trong thập kỷ qua là từ năng lượng xanh. Năng lượng tái
tạo chiếm 21% tổng tiêu thụ năng lượng của Xứ sở Bò tót trong năm 2020,
đặt mục tiêu tăng lên 43% năm 2030 và 97% năm 2050, thời điểm dự kiến
đạt mục tiêu trung hòa khí thải.
Tây
Ban Nha, Đức, Trung Quốc và Anh đang dẫn đầu các quốc gia giàu nhất thế
giới trong nỗ lực thúc đẩy chuyển sang năng lượng tái tạo.
Ủy
ban châu Âu (EC) vừa thông qua kế hoạch trị giá 28 tỷ euro (29,7 tỷ
USD) của Chính phủ Đức, nhằm hỗ trợ năng lượng tái tạo, qua đó tăng
cường mở rộng việc sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Kế
hoạch hỗ trợ sẽ kéo dài đến năm 2026 với mục tiêu sản xuất 80% điện năng
từ các nguồn tái tạo vào năm 2030. Ủy viên phụ trách cạnh tranh của EC
Margrethe Vestager (M.Ve-xta-giơ) khẳng định, Đạo luật Năng lượng tái
tạo năm 2023 của Đức sẽ góp phần khử nhiều carbon hơn trong sản xuất
điện, giảm lượng khí thải đang làm Trái đất ấm lên.
Chính phủ
Đức tuyên bố sẽ tăng gần gấp đôi tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng
tiêu thụ điện và tăng gấp ba lần tốc độ mở rộng điện tái tạo (trên mặt
nước, trên đất liền và trên mái nhà) trong đó tới năm 2032, các bang
phải dành ít nhất 2% diện tích đất xây dựng các nhà máy điện gió.
Theo
các chuyên gia môi trường, năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu trong
tương lai, giúp giảm phát thải CO2 ra môi trường, qua đó góp phần bảo
vệ Hành tinh xanh của nhân loại.
Song Minh
Nguồn: https://nhandan.vn/co-hoi-cho-nang-luong-tai-tao-post731282.html