Châu Âu sẽ giải quyết bài toán năng lượng bằng cách nào?

Trái ngược với quan điểm về một châu Âu nghèo tài nguyên, tại đây có không ít những nguồn năng lượng.


Nhà máy điện hạt nhân Cattenom ở miền Đông nước Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo Tầm Nhìn của Nga (Vzglyad.ru) số ra mới đây có bài viết cho biết, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck gần đây đã thông báo rằng nước này sẽ duy trì hoạt động của ba nhà máy điện hạt nhân đến mùa Xuân năm 2023, mặc dù các nhà máy này sẽ được đưa vào trạng thái “dự trữ” trong trường hợp thiếu điện.

Tỷ phú Elon Musk đã gọi việc đóng cửa ba nhà máy điện hạt nhân trong điều kiện khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng hiện nay là điên rồ. Nhưng đây là một biện pháp ngắn hạn bởi số lượng các nhà máy điện hạt nhân này quá ít để trả lời cho câu hỏi “lấy năng lượng từ đâu sau khi từ bỏ Nga”.
Vấn đề này càng trở nên khó khăn hơn sau sự cố xảy ra đối với đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc. Châu Âu, trên thực tế có ba cách để thoát khỏi tình hình khó khăn này.
Sử dụng trở lại nhiên liệu hóa thạch?
Trái ngược với quan điểm về một châu Âu nghèo tài nguyên, tại đây có không ít những nguồn năng lượng. Than nâu có sẵn ở châu Âu (và ít được đụng đến) và vẫn còn khá nhiều than nhưng việc sản xuất than đang ít dần, chủ yếu do người châu Âu phản đối vì lý do môi trường.
Bởi vì việc khai thác than hiện đại và để đạt được hiệu quả về chi phí đòi hỏi một quá trình phát triển dài hơi. Ngoài ra, với việc sử dụng hàng trăm nghìn tấn chất nổ để khai thác than sẽ dẫn tới những trận động đất nhỏ do con người tạo ra. Ví dụ, ở Kuzbass của Nga trải qua khoảng 500 trận động đất mỗi năm.  
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận rằng than đá cũng có những vấn đề khác. Bất cứ ai đã từng ở trong khu vực sản xuất than đều biết đến một loại mùi nào nồng nặc. Và việc đốt cháy nhiên liệu này sẽ làm tăng tần suất các cơn đau tim và đột quỵ (do các vi hạt đi vào máu).
Nhưng một lý do quan trọng mà than đá không làm hài lòng người châu Âu là do việc này đang khiến Trái Đất nóng lên. Đối với mỗi kilowatt giờ, than tạo ra một lượng carbon dioxide nhiều hơn hai lần so với khí tự nhiên.
Do đó, một bộ phận nhỏ các chính trị gia châu Âu, chẳng hạn như bà Liz Truss, ủng hộ việc đảm bảo sự tự chủ về năng lượng bằng phương pháp nứt vỡ thủy lực, cho phép khai thác cái gọi là khí đá phiến. Nguồn tài nguyên này hầu như có sẵn ở khắp mọi nơi có đá trầm tích - cả ở Anh và Liên minh châu Âu (EU). Quá trình này khiến các vi hạt và khí CO2 trong quá trình đốt cháy được thải ra ít hơn so với than đá.  
Tuy nhiên, kế hoạch khí đá phiến tồn tại một vấn đề, đó là không nước nào ở châu Âu ủng hộ kế hoạch này, ngoại trừ bà Liz Truss. Và sự ủng hộ của bà Truss đối với kế hoạch này là một trong những lý do (dù là thứ yếu) mà báo chí Anh đã gọi bà là một “xác sống chính trị” đang tồn tại nốt những ngày tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ.
Như vậy là mặc dù ở châu Âu có khí đốt nhưng sẽ không thể khai thác. Ý thức hệ “xanh” đã giành chiến thắng - và người châu Âu sẽ không quay trở lại dùng nhiên liệu hóa thạch.
Nhiên liệu sinh học: Tìm cây trong rừng thế nào?
Một nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng khác ở châu Âu là khí hậu. Do có mùa sinh trưởng dài và ấm áp, rừng ở châu Âu phát triển nhanh hơn phần rừng ở châu Âu của Nga và nhanh hơn nhiều so với ở Siberia. Rất nhiều phần lãnh thổ EU được bao phủ bởi rừng, và do đó việc trồng gỗ để làm nhiên liệu sinh học với quy mô rất lớn là khá thực tế.
Các vấn đề liên quan đến lộ trình nhiên liệu sinh học được chia thành những điều phương Tây muốn thấy và những điều phương Tây không muốn thấy. Và điều họ không muốn thấy là tỷ lệ tử vong cao trên mỗi đơn vị năng lượng thu được.
Củi trong quá trình đốt còn thải ra nhiều vi hạt hơn cả than đá. Nhiên liệu sinh học từ gỗ có thể giết chết 24.000 người trên 1.000 tỷ kilowatt giờ do các nhà máy nhiệt điện sản xuất, trong khi than đá chỉ giết chết 10.000 người.
Sự khác biệt là rất đáng kể, nhưng báo chí phương Tây sẽ không nói về điều này, vì vậy, yếu tố này khó có thể ảnh hưởng đến ngành năng lượng châu Âu.
Mặc dù vậy, cũng có những vấn đề sẽ được quan tâm tại EU. Nếu rừng không được xử lý để lấy gỗ, rừng sẽ dần dần chìm vào đất, mang theo hầu hết lượng CO2 trong khí quyển được hấp thụ và làm chậm quá trình ấm lên toàn cầu. Nhưng nếu gỗ được mang ra ngoài và đốt cháy, carbon của gỗ lại quay trở lại bầu khí quyển dưới dạng CO2.

Điều này làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu và trong mắt xã hội phương Tây, đây là một tội lỗi không thể tha thứ. Do đó, mặc dù nhiên liệu sinh học ở EU có thể thay thế khí đốt Nga nhưng cơ hội để được phát triển là rất thấp.
Nguyên tử: Con đường thực tế?
Càng ngày, Mỹ và châu Âu đều đang tìm cách thoát khỏi cái bẫy chuyển đổi xanh trên “lộ trình nguyên tử”. Năng lượng gió và Mặt Trời phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, đặc biệt là vào mùa Đông, gió và nắng ít hơn mùa Hè rất nhiều. Điều này không giống với lò phản ứng hạt nhân, khi năng lượng được tạo ra bất kể thời tiết.


Các tháp làm mát tại nhà máy điện hạt nhân Saint-Laurent-des-Eaux ở Saint-Laurent-Nouan, miền Trung Pháp. Ảnh: BLOOMBERG/TTXVN

Tuy nhiên, có hai vấn đề. Vấn đề đầu tiên sẽ được giải quyết nhưng sẽ không sớm hơn 10 năm – thế giới phương Tây nhập khẩu uranium đã làm giàu của Nga và không có cơ sở làm giàu nào của riêng họ. Thật không dễ dàng để làm giàu uranium trong máy ly tâm khí.

Máy ly tâm khí của Nga thế hệ mới nhất tạo ra 1.500 vòng quay/giây cho việc này. Những nỗ lực của Mỹ trong thập kỷ qua nhằm tạo ra một phương tiện làm giàu tương tự đã thất bại bởi công nghệ quá phức tạp. Trong tương lai, chắc chắn Mỹ sẽ có thể làm chủ công nghệ này nếu họ tiếp tục đầu tư, nhưng điều này sẽ không đạt được trước những năm 2030.
Vấn đề thứ hai còn quan trọng hơn, việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân hiện nay ở phương Tây đắt gấp đôi so với ở Nga.
Vì vậy, một lò phản ứng hạt nhân do Pháp xây dựng tại nhà máy điện hạt nhân Olkiluoto của Phần Lan có giá 11 tỷ euro - và chi phí này còn đắt hơn cả máy gia tốc hạt lớn. Rõ ràng là Tập đoàn Năng lượng Rosatom của Nga có thể xây dựng một nhà máy điện hạt nhân rẻ hơn từ hai đến ba lần – và cũng rõ ràng rằng ngoài Hungary, không quốc gia EU nào có đủ chủ quyền để đặt mua một lò phản ứng từ Rosatom.

Do đó, vấn đề sẽ phải được giải quyết theo một cách khác. Nhưng đó là cách nào?
Về mặt lý thuyết, châu Âu có thể làm như Anh. Chỉ trong tháng Chín này, Anh đã phân bổ một gói tài trợ tiếp theo để phát triển các lò phản ứng hạt nhân làm mát bằng khí đốt. Tại sao Anh lại làm mắt bằng khí trong khi Nga lại có kế hoạch bổ sung cho các lò phản ứng làm mát bằng nước bằng các nhà máy điện hạt nhân mới làm mát bằng kim loại lỏng? Đối với Nga, có vẻ như kim loại là chất làm mát hiệu quả hơn nhiều so với khí và thậm chí là nước. Do đó, phần lõi của máy BN-800 của Nga nhở hơn nhiều so với các lò phản ứng thông thường.
Khả năng cao, các nước phương Tây sẽ cố gắng chọn phương án kết hợp của 3 cách này. Châu Âu sẽ không muốn khai thác than hoặc khí đá phiến ở chỗ họ, nhưng họ sẽ nhập khẩu cả hai – rất có thể là từ Mỹ, và từ bỏ hợp tác với Nga trong lĩnh vực này.
Các trạm khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cần phải được xây dựng vào năm 2024, đồng thời giá năng lượng ở EU sẽ bắt đầu giảm dần, ngay cả khi chúng không trở lại mức thấp nhất của năm 2020. Nhiên liệu sinh học cũng sẽ bị đốt cháy, nhưng ở mức độ vừa phải – để đáp ứng mục tiêu trong cuộc chiến chống lại sự ấm lên toàn cầu.
Một số tiền đáng kể sẽ được đầu tư vào các lò phản ứng hạt nhân, nhưng rất có thể, sẽ không có lò phản ứng làm mát bằng khí nào ở châu Âu. Họ sẽ xây dựng các lò phản ứng bình thường, làm mát bằng nước, để có thể làm chủ quá trình làm giàu uranium.
Tuy nhiên, giá điện của các nhà máy điện hạt nhân như vậy sẽ vẫn ngang với một máy gia tốc hạt lớn. Vì vậy, sẽ không thể có điện giá rẻ ở châu Âu trong một thời gian dài, có thể là nhiều thập kỷ./.

https://bnews.vn/chau-au-se-giai-quyet-bai-toan-nang-luong-bang-cach-nao/261686.html