Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (Irena) khuyến nghị trong một báo cáo công bố hôm 30/10 rằng: "Năng lượng tái tạo cần được đẩy mạnh ở các nước đang phát triển để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp".
Năng lượng mặt trời ở châu Phi |
Vài tuần trước hội nghị thượng đỉnh quan trọng về khí hậu ở Dubai, IRENA viết: “Công suất điện tái tạo phải được thúc đẩy nhanh hơn ở các nước đang phát triển, do nhu cầu điện ngày càng tăng và đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tình trạng thiếu năng lượng ở những nước này”.
IRENA đưa ra một trong những khuyến nghị chính là tăng gấp 3 lần sản lượng năng lượng tái tạo trên thế giới vào năm 2030 nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu, phù hợp với mục tiêu tham vọng của chủ tịch COP28, ông Sultan Al Jaber. Hội nghị sẽ tổ chức từ 30/11 đến 12/12, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc tại Dubai.
Báo cáo còn kết luận cho biết thêm rằng: “Những biện pháp này cần được bổ sung bằng việc giảm dần sản xuất nhiên liệu hóa thạch, bằng cách cải thiện, hiện đại hóa và mở rộng cơ sở hạ tầng vật chất, cũng như tính linh hoạt cao hơn của mạng lưới điện”.
Theo IRENA, đến năm 2030, thế giới cần huy động tối đa nguồn lực để sản xuất điện tái tạo đạt mức đầu tư trung bình 1.300 tỷ USD/năm so với 486 tỷ USD năm 2022. Để đạt được mục tiêu này, điều quan trọng là phải giảm thiểu rủi ro trong đầu tư và cho phép tiếp cận nguồn vốn đầu tư chi phí thấp ở các nước đang phát triển.
Với suy nghĩ này, IRENA khuyến nghị cải cách hệ thống tài chính toàn cầu để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của các quốc gia ở Nam bán cầu.
Các tác giả của báo cáo cho biết: “Tăng cường tài trợ liên quan đến chống biến đổi khí hậu từ các ngân hàng phát triển đa phương và chuyển hướng đầu tư từ lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo”.
Họ lưu ý trong giai đoạn 2000-2020, châu Phi chỉ nhận được 2% (60 tỷ USD) trong tổng số 2.841 tỷ USD đầu tư vào năng lượng tái tạo trên toàn thế giới.
Để thay đổi quỹ đạo này, Irena đặc biệt ủng hộ việc sử dụng các mô hình tài chính đổi mới, chẳng hạn như “cơ chế tài chính hỗn hợp”, mở rộng quan hệ đối tác công tư để tối ưu hóa cơ sở hạ tầng điện, cùng nhiều mô hình khác.
Báo cáo cũng kêu gọi trên phạm vi toàn cầu khẩn trương phát triển và hiện đại hóa mạng lưới điện hiện có để thích ứng với năng lượng tái tạo - đặc biệt đề xuất tăng cường hợp tác xuyên biên giới và phát triển mạng lưới điện khu vực.
Nh.Thạch
Nguồn:Các nước đang phát triển cần tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo (petrotimes.vn)