Trong bối cảnh các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, lĩnh vực năng lượng tái tạo nổi lên như một tia hy vọng bởi các giải pháp khả thi, vô số tiến bộ công nghệ cũng như cơ hội đầu tư đang phát triển. Dựa trên những xu hướng mà thế giới đã chứng kiến trong năm 2023, bước sang năm 2024, lĩnh vực này chắc chắn sẽ còn tăng tốc và phát triển hơn nữa. Các chuyên gia đã liệt kê ra những xu hướng có tính chuyển đổi, sẵn sàng định hình bối cảnh năng lượng tái tạo vào năm tới.
Năm 2024 – Bước ngoặt của lĩnh vực năng lượng tái tạo. Nguồn: ITN
Vai trò của năng lượng tái tạo trong việc giảm lượng khí thải carbon toàn cầu sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn vào năm 2024. Khi các quốc gia đang nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu, do đó việc áp dụng các nguồn năng lượng tái tạo sẽ là một yếu tố quan trọng trong các quyết định chính sách và đầu tư. Hơn nữa, do sự biến động của thị trường năng lượng toàn cầu, cũng như những thách thức về kinh tế, vai trò của năng lượng tái tạo càng quan trọng hơn, không chỉ trong việc giảm phát thải khí nhà kính, mà còn trong việc cung cấp nguồn năng lượng ổn định và bền vững hơn, điều chỉnh các mục tiêu kinh tế và môi trường trước những thách thức toàn cầu.
Đột phá về công nghệ mở ra những chân trời mới
Vào năm 2024, hydro xanh sẽ càng được khẳng định là nhân tố rất quan trọng để giảm lượng khí thải carbon dioxide và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và trở thành nguồn năng lượng toàn cầu quan trọng trong tương lai gần. Các chuyên gia dự đoán những tiến bộ lớn trong công nghệ điện phân sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả và giảm chi phí sản xuất hydro xanh.
Những phát triển này có ý nghĩa then chốt vì chúng sẽ mở rộng khả năng tồn tại của hydro xanh trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả quy trình công nghiệp và giao thông vận tải. Sự phát triển này đánh dấu một bước quan trọng trong việc đa dạng hóa các ứng dụng năng lượng tái tạo và nêu bật tiềm năng của hydro xanh, trong quá trình chuyển đổi rộng hơn sang các hệ thống năng lượng bền vững.
Trong khi đó, năng lượng mặt trời và gió sẵn sàng cho những cải tiến mang tính biến đổi. Những tiến bộ trong các dự án quy mô lớn về các tấm pin mặt trời và các tuabin gió ngoài khơi, sẽ giúp việc khai thác các nguồn tài nguyên tái tạo được hiệu quả hơn, làm cho năng lượng mặt trời và năng lượng gió trở nên khả thi và cạnh tranh hơn so với các nguồn năng lượng truyền thống. Sự tăng trưởng của công suất điện mặt trời là một xu hướng đáng chú ý và được dự báo sẽ vượt qua mức sản xuất điện mặt trời toàn cầu là 1 terawatt, chiếm một phần đáng kể trong tăng trưởng năng lượng tái tạo. Ngoài ra, tỷ trọng năng lượng gió ngoài khơi dự kiến sẽ tăng lên với nhiều quốc gia hơn, bao gồm Canada, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và Anh; những quốc gia này đang mở rộng khả năng khai thác năng lượng gió ngoài khơi.
Sự tăng trưởng của năng lượng tái tạo trong năm tới sẽ gắn liền với những tiến bộ trong công nghệ lưu trữ năng lượng. Thế giới có thể thấy sự xuất hiện của các giải pháp lưu trữ tiên tiến như pin thể rắn, mang lại mật độ năng lượng cao hơn và tuổi thọ dài hơn so với pin lithium - ion truyền thống. Ngoài ra, sự phát triển của hệ thống lưu trữ dựa trên trọng lực dự kiến sẽ thu hút được sự chú ý. Các hệ thống này cung cấp các phương án lưu trữ lâu dài, bền vững, rất cần thiết để quản lý tính chất không liên tục của các nguồn năng lượng tái tạo. Những tiến bộ như vậy rất quan trọng trong việc bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng tái tạo ổn định và đáng tin cậy.
Động lực từ chính sách năng lượng bền vững
Các Chính phủ dự kiến sẽ đóng vai trò then chốt trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Theo đó, vào năm 2024, các dự án năng lượng tái tạo sẽ được gia tăng trợ cấp, ưu đãi thuế và khung pháp lý thuận lợi hơn. Những chính sách này sẽ rất cần thiết trong việc khuyến khích áp dụng các công nghệ tái tạo và thu hút đầu tư. Và Trung Quốc được dự báo vẫn tiếp tục dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, tham vọng vượt mục tiêu tạo ra 33% lượng điện tiêu thụ từ các nguồn tái tạo vào năm 2025, với sự phát triển đáng kể trong năng lượng gió.
Ngoài ra sáng kiến tích hợp lưới cụ thể là việc tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện hiện sẽ là lĩnh vực trọng tâm. Các nỗ lực sẽ tập trung vào việc nâng cấp kết cấu hạ tầng lưới điện để quản lý hiệu quả sự biến đổi của các nguồn tái tạo. Điều này sẽ bao gồm việc triển khai các công nghệ tiên tiến như lưới điện thông minh và hệ thống năng lượng phân tán, có thể nâng cao độ tin cậy và phân phối năng lượng. Những sáng kiến này sẽ bảo đảm một hệ thống năng lượng ổn định và hiệu quả, cùng với khả năng xử lý phần năng lượng tái tạo ngày càng tăng, từ đó tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi được suôn sẻ hơn và hướng tới một tương lai năng lượng bền vững hơn.
Xu hướng gia tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo
Sự gia tăng đầu tư của doanh nghiệp vào năng lượng tái tạo dự kiến sẽ tăng đáng kể vào năm 2024. Nhiều công ty hàng đầu trong các lĩnh vực kinh doanh quan trọng như thực phẩm và đồ uống, dệt may, dược phẩm, ô tô, hậu cần cam kết thực hiện các mục tiêu năng lượng tái tạo, cũng như đầu tư vào các dự án năng lượng xanh như một phần trong chiến lược bền vững của họ.
Lợi ích lâu dài của việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ mang đến lợi nhuận tài chính, cũng như các doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm hơn. Mặc dù các dự án tái tạo mới chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, tuy nhiên, sự gia tăng chi phí nhiên liệu hóa thạch và nhu cầu an ninh năng lượng sẽ càng khiến năng lượng tái tạo có tính cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài ra, thị trường trái phiếu xanh và các khoản đầu tư vào Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) được dự đoán sẽ tăng trưởng đáng kể. Xu hướng này cho thấy sự thay đổi rộng rãi hơn trong cộng đồng đầu tư theo hướng bền vững và trách nhiệm xã hội. Các nhà đầu tư đang ngày càng tìm kiếm những cơ hội không chỉ mang lại lợi nhuận tài chính mà còn đóng góp tích cực cho các mục tiêu môi trường và xã hội. Sự quan tâm ngày càng mạnh mẽ này có thể dẫn đến các sản phẩm tài chính sáng tạo hơn trong lĩnh vực trái phiếu xanh và ESG. Qua đó, mang lại cơ hội tham gia cho các nhà đầu tư và hỗ trợ các sáng kiến bền vững trên toàn thế giới.
Trong khi đó, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy bối cảnh năng lượng tái tạo. Đặc biệt, Tín dụng thuế đầu tư cho lưu trữ năng lượng xuất hiện từ đạo luật mang lại sự thúc đẩy tài chính cho các công nghệ lưu trữ năng lượng độc lập, bao gồm cả pin có công suất ít nhất 3kWh.
Những "ngôi sao mới" của thị trường năng lượng
Các nước đang phát triển dự kiến sẽ “nhảy vọt” trong cuộc đua phát triển năng lượng tái tạo, thậm chí sẽ bỏ xa các hạ tầng nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Nhờ vào chi phí thấp, khả năng tiếp cận công nghệ tái tạo ngày càng tăng cùng với sự hậu thuẫn lớn của quốc tế, các sáng kiến phát triển bền vững được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Việc áp dụng năng lượng tái tạo ở các quốc gia đang phát triển có thể làm thay đổi đáng kể bối cảnh năng lượng toàn cầu, mang đến những cơ hội mới cho tăng trưởng và đổi mới. Các quốc gia trên toàn cầu đang tìm cách đầu tư vào năng lượng tái tạo hiệu quả về mặt chi phí để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đặc biệt tập trung vào việc giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu ở các nước châu Âu và Mỹ.
Thêm vào đó, các hệ thống năng lượng tái tạo phi tập trung sẽ trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Các hệ thống này cung cấp giải pháp thay thế bền vững và đáng tin cậy cho năng lượng dựa trên lưới truyền thống, tăng cường khả năng phục hồi của địa phương và giảm sự phụ thuộc vào hạ tầng kỹ thuật lớn. Ngoài ra, nhu cầu về nhiên liệu sinh học dự kiến cũng sẽ tiếp tục tăng, chủ yếu do ngành giao thông vận tải thúc đẩy. Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi các chính sách hỗ trợ của các Chính phủ tại các nền kinh tế quan trọng trên toàn cầu như Mỹ, Brazil, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ và Indonesia.
Nhìn chung, năm 2024 được dự đoán sẽ là một năm mang tính bước ngoặt đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo. Thế giới đang chứng kiến những xu hướng mới nổi trong lĩnh vực năng lượng có vai trò then chốt trong việc định hình một tương lai bền vững hơn, tiết kiệm năng lượng hơn và có ý thức về môi trường hơn. Thời điểm này sẽ đánh dấu một sự thay đổi quan trọng hướng tới việc sử dụng năng lượng tái tạo như một thành phần cốt lõi của chiến lược năng lượng toàn cầu. Điều này phản ánh rõ hơn nhận thức chung của toàn cầu về nhu cầu cấp thiết nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và tính bền vững của tài nguyên; qua đó, khuyến khích các giải pháp đổi mới và thúc đẩy cam kết sâu sắc hơn trong việc bảo vệ màu xanh của trái đất cho các thế hệ tương lai.
Như Ý
Nguồn:https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/buoc-nhay-vot-ve-phat-trien-nang-luong-tai-tao-i358174/