Theo một nghiên cứu được công bố hôm 18/5, năng lượng gió và mặt trời đang dần chiếm ưu thế trong cơ cấu sản lượng điện của Brazil.
Vào tháng 2, nhiên liệu hóa thạch chỉ chiếm 4,9% cơ cấu sản lượng điện của Brazil. Theo Trung tâm nghiên cứu Ember và chuyên gia năng lượng tái tạo có trụ sở tại London, tính từ tháng 7/2012, đây là lần đầu tiên tỷ lệ này của Brazil giảm xuống dưới mức 5%. Nếu tính cả quý đầu tiên, tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch của Brazil là 5,4%. Còn trong 3 tháng đầu năm 2022, mức này là 10%.
Kết quả: Lượng khí thải CO2 từ ngành điện giảm 29% so với giai đoạn cùng kỳ, dù rằng sản xuất năng lượng tăng. Điều này trở nên khả thi nhờ có các trang trại gió và tấm pin mặt trời, chiếm từng tự 12% và 3% công suất điện ở Brazil. Tác giả của nghiên cứu, Matt Ewen giải thích: Ở đất nước có kích thước tầm cỡ lục địa và nhiều sông này, các nhà máy thủy điện vẫn là “xương sống” của hệ thống sản xuất năng lượng, tạo ra 63% điện năng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hiệu suất của các con đập đã giảm mạnh, còn nhu cầu thì tiếp tục tăng.
Vào năm 2021, các nhà máy thủy điện hoạt động với công suất tối đa là 38%, so với 59% vào năm 2011. Mặt khác, kể từ năm 2011, sản lượng điện gió bình quân hàng năm đã tăng 36%, còn điện mặt trời tăng 26%. Nhờ vậy, hai nguồn năng lượng này bổ sung được 73% nhu cầu trong năm nay. Ông Ewen khẳng định, việc phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng gió “là rất quan trọng nếu Brazil muốn ngừng sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch trong tương lai”. Ông nhấn mạnh: “Thị phần của Brazil phải tăng hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của đất nước".
Brazil sẽ là quốc gia chủ trì G20 vào năm 2024. Đây là quốc gia có tỷ trọng năng lượng tái tạo lớn nhất trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, với tỷ trọng chiếm đến 89% cơ cấu điện năng của đất nước vào năm 2022. 11% còn lại đến từ nhiên liệu hóa thạch, bao gồm khí tự nhiên.
Tổng thống cánh tả Luiz Inacio Lula da Silva - vừa nhậm chức vào tháng 1/2023, hứa sẽ đầu tư vào năng lượng tái tạo và đưa Brazil trở lại làm trung tâm của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong thời gian đương nhiệm của cựu Tổng thống Jair Bolsonaro (2019-2022), cộng đồng quốc tế đã chỉ trích mạnh mẽ chính sách của chính phủ Brazil vì để xảy ra nạn phá rừng và cháy rừng thường xuyên ở Amazon.
Ngọc Duyên
Nguồn:Bùng nổ năng lượng tái tạo ở Brazil (petrotimes.vn)