Theo Quyết định số 1701/QĐ-TTg ngày 27/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Thuận sẽ ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Theo
quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Bình Thuận không ngừng nâng cao đời
sống và phúc lợi xã hội cho người dân, hướng tới phát triển bền vững bao
trùm, đảm bảo mọi người dân dễ dàng tiếp cận các cơ hội phát triển và
thụ hưởng những thành quả của quá trình phát triển. Đẩy mạnh chuyển đổi
cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Huy động và sử dụng hợp lý,
hiệu quả các nguồn lực để phát triển toàn diện trên cơ sở tạo lập một
hệ sinh thái phát triển hiện đại và bền vững.
Bình Thuận phát triển và ứng dụng khoa học
và công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng xanh, hình thành
nền kinh tế ít chất thải, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột: công
nghiệp với nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo,
công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức
thành các cụm liên kết ngành; dịch vụ với các loại hình dịch vụ du lịch
nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, thể thao biển; dịch vụ
đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ; dịch vụ
logistics; nông nghiệp với trọng tâm là nông nghiệp sinh thái, ứng dụng
công nghệ cao với những chuỗi sản xuất nông - công nghiệp chế biến.
Đến năm 2030, Bình Thuận trở thành tỉnh
phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển, có mức thu
nhập bình quân đầu người (GRDP) cao hơn mức bình quân của vùng và cả
nước; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế; một
trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước, góp phần giảm phát
thải khí nhà kính, thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào
năm 2050; hướng tới hình thành một trong những trung tâm đào tạo và phát
triển công nghệ của vùng và quốc gia. Quốc phòng, an ninh và chủ quyền
biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị
vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.
Bình Thuận hướng tới là là trung tâm năng lượng sạch
Đến năm 2050, Bình Thuận trở thành cực
phát triển quan trọng của khu vực duyên hải Trung Bộ có kinh tế biển
phát triển mạnh, bền vững, cơ cấu kinh tế hiện đại; là trung tâm năng
lượng sạch, trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, y
tế, giáo dục chất lượng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới
sáng tạo của vùng và quốc gia gắn với các đô thị biển hiện đại; đời sống
vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao so với vùng và cả nước;
quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được đảm bảo vững chắc.
Theo phương hướng phát triển, ngành công
nghiệp chế biến, chế tạo phát triển mạnh. Trong đó, đẩy mạnh phát triển
công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản có lợi thế của
tỉnh để nâng cao giá trị gia tăng; tạo điều kiện, triển khai thực hiện
tốt các chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút các dự án sản xuất các sản
phẩm công nghiệp công nghệ cao, các thiết bị điện, linh kiện điện tử,
lắp ráp máy móc, ô tô, xe máy, công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng
tái tạo, năng lượng mới.
Phát triển công nghiệp sản xuất điện, sớm
trở thành trung tâm năng lượng của quốc gia, nhằm đảm bảo nguồn cung ổn
định, đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng, điện cho phát triển kinh tế - xã
hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Ưu tiên phát triển các dự án năng
lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi
và hydrogen, điện mặt trời, điện khí LNG; nghiên cứu khai thác tối đa
tiềm năng thủy điện trên các hồ thủy lợi, các hồ chứa nước, thủy điện
tích năng; rà soát, điều chỉnh diện tích, quy mô quy hoạch điện gió trên
bờ theo quy định hiện hành và phù hợp tình hình thực tiễn của từng khu
vực, đảm bảo không gian cho các ngành, lĩnh vực khác có lợi thế phát
huy, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa
phương.
Hải Long
Nguồn:https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Binh-Thuan-uu-tien-phat-trien-cac-du-an-nang-luong-tai-tao-nang-luong-sach-6-185-23434