Giai đoạn 2024-2025, BCG Energy sẽ xây dựng nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa đầu tiên tại TP.HCM. Dự án sẽ được xây dựng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc - huyện Củ Chi.
Ngày 31/01/2024, Công ty cổ phần BCG Energy (một thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital) đã ký kết hợp đồng nguyên tắc về việc mua bán cổ phần với Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (công ty hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác thải tại TP.HCM), qua đó đưa doanh nghiệp này trở thành một thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn Bamboo Capital. Sự kiện đánh dấu việc Tập đoàn Bamboo Capital chính thức bước chân vào mảng điện rác.
Sau khi sáp nhập, bằng kinh nghiệm và năng lực phát triển các dự án năng lượng tái tạo, BCG Energy sẽ xây dựng 2 nhà máy đốt rác phát điện của Tâm Sinh Nghĩa tại TP.HCM và Long An. Hiện nay, Tâm Sinh Nghĩa đang hoạt động dưới hình thức nhà máy xử lý, phân loại và đốt rác tại tại TP.HCM, Long An, Kiên Giang. Việc BCG Energy xây dựng và hoàn thiện các nhà máy đốt rác phát điện này theo công nghệ hiện đại sẽ góp phần giải bài toán xử lý rác thải đô thị, khắc phục những hạn chế của việc xử lý rác hiện nay để bảo vệ môi trường.
Giai đoạn 2024-2025, BCG Energy sẽ xây dựng nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa đầu tiên tại TP.HCM. Dự án sẽ được xây dựng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc - huyện Củ Chi. Nhà máy có tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, xây dựng trên tổng diện tích 20 ha, công suất xử lý đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày đêm. Ngoài hiệu quả xử lý rác thải, nhà máy sẽ tạo ra công suất phát điện dự kiến 40 MW. Sau khi hoàn thành xây dựng, giai đoạn tiếp theo, nhà máy đốt rác phát điện tại TP.HCM có thể nâng công suất xử lý lên đến 5.200 tấn rác/ngày và công suất phát điện lên tới 130 MW.
Song song với việc xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại TP.HCM, BCG Energy sẽ tiếp tục xây dựng nhà máy điện rác tại Long An. Tại tỉnh Long An, nhà máy sẽ được xây dựng tại xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa. Tổng vốn đầu tư nhà máy Long An dự kiến khoảng 1.586 tỷ đồng, công suất xử lý rác dự kiến là 500 tấn/ngày, công suất phát điện dự kiến là 10 MW.
Tại Kiên Giang, Tâm Sinh Nghĩa hiện đang vận hành Nhà máy xử lý rác Thành phố Rạch Giá tại xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất. Nhà máy có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, công suất xử lý rác đạt khoảng 200 tấn/ngày. BCG Energy sẽ nghiên cứu cơ hội đầu tư, mở rộng quy mô công suất nhà máy, phát triển theo hướng nhà máy đốt rác phát điện trong tương lai.
Ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định này đã đưa ra nhiệm vụ cụ thể nhằm tăng cường quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại. Trong đó có nhiệm vụ thiết lập mạng lưới các cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung theo hướng liên vùng, liên tỉnh với công nghệ phù hợp theo từng vùng, miền. Đẩy mạnh áp dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đồng xử lý, xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng; thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường cho hoạt động chôn lấp chất thải, từng bước hạn chế chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt.
Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia mà Thủ tướng phê duyệt đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu tỷ lệ chôn lấp rác ở đô thị giảm còn 30% năm 2025 và 10% năm 2030. Tại TP.HCM tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt rác phát điện) và tái chế định hướng đạt ít nhất 80% năm 2025, hướng tới 2030 đạt 100%. Tuy nhiên tính đến nay, mới chỉ có 3 nhà máy điện rác tại Cần Thơ, Hà Nội, Bắc Ninh đủ điều kiện phát điện. Còn lại các nhà máy khác đều đang đàm phán hợp đồng với địa phương, hoặc nhà máy đang xây dựng dở dang, hoặc đang trong quá trình làm thủ tục.
Thống kê cho thấy, TP.HCM hiện có 13 triệu người dân sinh sống và làm việc, lượng rác thải sinh hoạt ở mức 9.000 tấn/ngày. Áp lực xử lý rác thải của TP.HCM là rất lớn. Trước thực tế đó, UBND TP.HCM đã gấp rút đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải trên địa bàn thành phố. Việc Tập đoàn Bamboo Capital tham gia xây dựng nhà máy điện rác có công suất lên đến 2.000 tấn/ngày và có thể tiếp tục nâng công suất lên 5.200 tấn/ngày có ý nghĩa xã hội to lớn, giúp giảm thiểu áp lực xử lý rác thải đang ngày càng lớn tại TP.HCM, đồng thời góp phần cung cấp điện năng cho thành phố để phục vụ sinh hoạt và sản xuất, nhất là khi nhu cầu điện tăng cao lúc kinh tế hồi phục.