Ấn Độ: Nền kinh tế dựa trên khí đốt - có mãi là "giấc mơ"?

Ý tưởng đưa Ấn Độ trở thành “nền kinh tế dựa trên khí đốt” được khởi xướng vào năm 2016, khi giấc mơ về một thời kỳ hoàng kim của khí đốt còn tươi mới và đầy hứa hẹn.


Công nhân làm việc tại mỏ khí đốt Nahr Bin Omar ở Basra, Iraq. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trang Quỹ nhà quan sát (ORF) đăng bài nghiên cứu của nhóm tác giả Lydia Powel và Lakhiesh Sativinod Kumar Tomar với nhận định về nền kinh tế dựa vào khí đốt tự nhiên của Ấn Độ, với nội dung như sau:
Vào năm 2011, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã công bố một báo cáo đặc biệt với tiêu đề “Chúng ta đang bước vào thời kỳ hoàng kim của khí đốt tự nhiên?”.

Báo cáo nêu bật lên kỳ vọng của IEA về thời kỳ hoàng kim của khí đốt tự nhiên dựa trên các giả định về sự gia tăng sử dụng khí đốt ở Trung Quốc, xu hướng sử dụng nhiều hơn khí đốt tự nhiên trong giao thông vận tải, sự tăng trưởng chậm lại của công suất điện hạt nhân và quan trọng nhất là triển vọng lạc quan về nguồn cung khí đốt từ các nguồn khí đốt độc đáo với chi phí tương đối thấp. 
Năm đó, sản lượng khí đốt tự nhiên của Mỹ là 617,4 tỷ m3 (BCM) đã vượt quá sản lượng khí đốt tự nhiên từ Liên bang Nga là 616,8 BCM, quốc gia cho đến lúc đó vẫn là nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới.

Việc tăng tỷ trọng khí đốt tự nhiên trong rổ năng lượng toàn cầu được kỳ vọng sẽ làm giảm lượng khí thải carbon cũng như tình trạng ô nhiễm cục bộ, đồng thời đa dạng hóa nguồn cung năng lượng (từ các nguồn an toàn như Mỹ).

Do đó, tăng cường an ninh năng lượng, đóng vai trò dự phòng cho các phương án phát điện dựa trên năng lượng tái tạo không liên tục và tăng cường cung cấp năng lượng tổng thể để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc và Ấn Độ vốn đang đô thị hóa nhanh chóng.

* Xu hướng tiêu dùng toàn cầu

Mặc dù các nhà bảo vệ môi trường không quá hoan nghênh ý tưởng về thời kỳ hoàng kim của khí đốt tự nhiên song phải thừa nhận rằng thị trường khí đốt vẫn hoạt động tốt hơn so với hầu hết các loại nhiên liệu khác trong giai đoạn 2011-2019 (năm 2020 là một năm không bình thường về tiêu thụ năng lượng). 

Nếu năng lượng tái tạo được coi là ngoại lệ vì nhận được hỗ trợ tài chính và được hưởng lợi từ chính sách mà các nhiên liệu khác không có thì khí tự nhiên trở thành nhiên liệu hoạt động tốt nhất với mức tăng trưởng trên 20% trong giai đoạn 2011-2019. 

Trong giai đoạn này, tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu tăng khoảng 12%, tiêu thụ thủy điện tăng hơn 15%, tiêu thụ dầu tăng hơn 10% trong khi tiêu thụ than giảm 0,54%. Báo cáo của IEA dự đoán rằng tỷ trọng khí tự nhiên trong giỏ năng lượng sơ cấp toàn cầu tăng từ khoảng 22% lên hơn 25% vào năm 2035.

Năm 2021, tỷ trọng khí tự nhiên trong giỏ năng lượng sơ cấp toàn cầu là 24,7%. Hầu hết tăng trưởng tiêu thụ khí đốt tự nhiên trong giai đoạn 2011-2019 xảy ra ở các nước xuất khẩu ròng khí đốt như Mỹ (28,9%), Iran (46,1%) và Canada (16,48%), nhưng Trung Quốc, nước nhập khẩu ròng khí đốt tự nhiên là một ngoại lệ, với mức tiêu thụ khí đốt tăng hơn 138%. 
Ở Mỹ, tỷ trọng khí đốt tự nhiên trong rổ năng lượng sơ cấp của nước này đã tăng từ 25% lên hơn 32% trong giai đoạn 2011-2019 và ở Trung Quốc, tỷ lệ này tăng từ khoảng 4,8% lên 7,8%. Tăng trưởng của Trung Quốc được thúc đẩy bởi các yêu cầu nghiêm ngặt trong việc thay thế than bằng khí đốt tự nhiên và cũng nhờ lượng tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng như đường ống. 

* Đưa Ấn Độ trở thành “nền kinh tế dựa trên khí đốt”

Ý tưởng đưa Ấn Độ trở thành “nền kinh tế dựa trên khí đốt” được khởi xướng vào năm 2016, khi giấc mơ về một thời kỳ hoàng kim của khí đốt còn tươi mới và đầy hứa hẹn. Nhiệm vụ định lượng theo bản tường thuật này là tăng tỷ trọng khí đốt trong rổ năng lượng sơ cấp của Ấn Độ từ khoảng 6% năm 2016 lên 15% vào năm 2030. Báo cáo của IEA nêu rõ hy vọng về thời kỳ hoàng kim của khí đốt đối với tăng trưởng tiêu thụ ở Ấn Độ cùng với Trung Quốc. 

Tuy nhiên, Ấn Độ đã không đáp ứng được kỳ vọng. Tiêu thụ khí đốt tự nhiên giảm khoảng 1% trong giai đoạn 2011-2019 và thị phần khí đốt trong giỏ năng lượng sơ cấp của Ấn Độ giảm từ mức đỉnh 9,4% năm 2010 xuống 6,29% năm 2019 (thị phần không chứa sinh khối trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp). Trong giai đoạn 2013-2014 và 2019-2020, tiêu thụ khí tự nhiên trong sản xuất điện giảm nhẹ hơn 2% và tiêu thụ từ mảng phân bón chỉ tăng nhẹ hơn 1%. 

Hai phân khúc chiếm hơn 42% sản lượng tiêu thụ trong giai đoạn 2019-2020 của Ấn Độ đang cho thấy mức tăng trưởng âm hoặc không đổi, điều này giải thích cho sự tăng trưởng chậm lại của việc tiêu thụ khí.

Tuy nhiên, các phân khúc khác lại cho thấy sự tăng trưởng phi thường trong cùng thời kỳ. Tiêu thụ CNG (khí nén tự nhiên), bao gồm cả vận tải, tăng hơn 1.700%, các ngành công nghiệp tăng hơn 160%, lọc dầu hơn 96%, hóa dầu hơn 40% và sắt xốp hơn 310%. 

Không giống các quốc gia khác tiêu thụ khí đốt để sản xuất điện, Ấn Độ chủ yếu dựa vào tăng trưởng trong phân khúc hộ gia đình và giao thông vận tải do CNG phục vụ. Điều này làm chậm tốc độ tăng trưởng tiêu thụ khí nói chung tại quốc gia Nam Á.

* Những thách thức ở Ấn Độ

Tỷ trọng khí đốt tự nhiên trong giỏ năng lượng của Ấn Độ đã tăng nhẹ lên 6,7% vào năm 2020, mặc dù mức tiêu thụ năng lượng tổng thể biến động chủ yếu do giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu giảm. Xu hướng này khó có thể duy trì vào năm 2021 do giá khí đốt quốc tế tăng đột biến trong nửa cuối năm. 

Vào đầu những năm 2000, tiêu thụ khí đốt tự nhiên, dẫn đầu là phân khúc điện và khí đốt tự nhiên, tăng chủ yếu do sự sẵn có của khí đốt trong nước với giá cả phải chăng từ bờ biển phía Đông của Ấn Độ. Khi sản xuất khí đốt trong nước giảm từ khu vực này, tiêu thụ cũng giảm theo. Điều này chỉ ra hai thách thức chính kiềm hãm đà tăng trưởng tiêu thụ khí đốt ở Ấn Độ, đó là giá cao và chi phí giao dịch cao trong các phân khúc tăng trưởng như CNG. 

Việc thay thế khí đốt sinh khối được sử dụng làm nhiên liệu để đun nấu giúp giảm phát thải carbon đen (muội than) và carbon monoxide. Trong giao thông vận tải, việc thay thế khí đốt bằng nhiên liệu dầu mỏ lỏng cũng làm giảm lượng khí thải vốn là nguyên nhân chính gây ra sương mù ở miền Bắc Ấn Độ - và trong điện năng khi khí đốt được thay thế cho than đá, lượng khí thải carbon sẽ giảm một nửa. 

Như nhiều chuyên gia trong ngành đã chỉ ra, để cải thiện tốc độ phát triển của Ấn Độ đối với khí đốt, ít nhất một phần chính sách và hỗ trợ tài chính mà năng lượng tái tạo nhận được cần được mở rộng sang khí tự nhiên để giảm lượng khí thải carbon trong tất cả các phân khúc sử dụng cuối cùng. 

Ngoài ra, khí tự nhiên không gây ra vấn đề gián đoạn trong sản xuất điện từ năng lượng tái tạo đòi hỏi nguồn điện dự phòng đắt tiền./.

 

https://bnews.vn/an-do-nen-kinh-te-dua-tren-khi-dot-co-mai-la-giac-mo/225780.html