Ấn Độ muốn trở thành trung tâm hydro xanh của thế giới

Ấn Độ vừa công bố phần đầu tiên trong nỗ lực chuyển đổi từ một nước có lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 3 thế giới thành trung tâm hydro xanh.

Trong thông báo về việc triển khai giai đoạn đầu trong nỗ lực đầy tham vọng này, Ấn Độ khẳng định quyết tâm đạt được các mục tiêu khí hậu.


Ấn Độ đặt mục tiêu sản xuất 5 triệu tấn hydro xanh mỗi năm. Ảnh: 3 days ago Newspostalk

Để đạt được mục tiêu trên, nước này sẽ khuyến khích các ngành công nghiệp, trong đó có việc truyền tải miễn phí điện tái tạo giữa các bang để sản xuất hydro và cả amoniac, được sử dụng trong phân bón, trong vòng 25 năm.

 
Quốc gia Nam Á này cũng đặt mục tiêu sản xuất 5 triệu tấn hydro xanh mỗi năm, cho đến năm 2030. Đất trong các công viên năng lượng tái tạo cũng sẽ được dành để sản xuất hydro và amoniac xanh. Bên cạnh đó, nước này cũng sẽ xây dựng các kho dự trữ gần cảng và xuất khẩu amoniac xanh.
Bộ Điện lực Ấn Độ khẳng định việc thực hiện chính sách này sẽ mang lại nhiên liệu sạch cho người dân, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch cũng như giảm nhập khẩu dầu thô.
Hiện New Delhi đang xem xét đưa ra các khoản trợ cấp, yêu cầu các nhà máy lọc dầu và nhà máy sản xuất phân bón sử dụng nhiên liệu sạch trong giai đoạn 2 - vẫn đang được lên kế hoạch.
Với việc bùng nổ dân số, Ấn Độ được dự đoán sẽ trở thành nước đông dân nhất thế giới trong thập kỷ này và nhu cầu năng lượng cũng tăng lên nhanh chóng.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), diễn ra hồi tháng 11/2021 tại Glasgow (Anh), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cam kết tới năm 2070 đưa mức phát thải ròng bằng 0, nhưng muốn các quốc gia giàu có hỗ trợ cho việc này.
Hydro xanh được sản xuất bằng cách sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời, sau đó được sử dụng trong các ngành công nghiệp nặng carbon như sản xuất thép, bê tông và trong ngành vận tải.

Mặc dù công nghệ này được cho là có khả năng giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, song lại đang phải đối mặt với những thách thức to lớn, đặc biệt là việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết đòi hỏi chi phí cao.
Các tập đoàn lớn ở Ấn Độ, trong đó có Gautam Adani và Mukesh Ambani, cũng đã công bố các khoản đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo công nghệ, trong đó có hydro xanh./.

 

https://bnews.vn/an-do-muon-tro-thanh-trung-tam-hydro-xanh-cua-the-gioi/233819.html