Một cơ sở lọc dầu tại Ai Cập. Ảnh tư liệu, minh họa: Reuters
Tài chính là một trong những vấn đề gây nhiều bất đồng nhất tại các cuộc đàm phán về khí hậu, khi các nước nghèo hơn muốn các nước giàu (cũng là những nước thải ra nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính) gánh vác phần lớn chi phí để ứng phó với tình trạng Trái Đất ấm lên. Trong năm tới, Ai Cập sẽ tiếp tục giữ vai trò Chủ tịch COP cho đến khi COP28 diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và nước này sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm có được để nhân rộng mô hình tài chính này sang những nước khác.
Khoản tiền trên gồm hỗ trợ tiền mặt, các khoản vay và 100 triệu euro (103,82 triệu USD) từ hoán đổi nợ thành cổ phần với Đức, tập trung vào các dự án phát triển trong loạt lĩnh vực năng lượng, an ninh lương thực, nước, vận tải và môi trường. Trả lời phỏng vấn bên lề COP27, Bộ trưởng al-Mashat nhấn mạnh Ai Cập muốn thể hiện cách thức một quốc quốc gia có thể huy động và hiện thực hóa cam kết thành các dự án khả thi. Ai Cập có 9 dự án trong khuôn khổ Chương trình Nước, thực phẩm và năng lượng (NWFE), nền tảng E-PACT tập trung vào lĩnh vực vận tải và môi trường. Theo bà, nhiều quốc gia đã thảo luận với các ngân hàng phát triển đa phương về các hành động tương tự như NWFE. Chương trình này bao gồm các dự án cải thiện tưới tiêu, sản lượng cho nông dân, phát triển công nghệ khử muối để bổ sung cho nguồn nước vốn khan hiếm. Phần lớn khoản ngân sách trên sẽ được sử dụng cho năng lượng tái tạo, bao gồm việc chấm dứt hoạt động của nhà máy điện khí lỗi thời có tổng công suất 5GW và tăng công suất năng lượng tái tạo thêm 10GW, trong đó chủ yếu là năng lượng gió.
Tuần này, Mỹ, Đức và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) đã cam kết hỗ trợ hơn 500 triệu USD cho dự án năng lượng của Ai Cập. Số tiền này sẽ được dùng để đầu tư vào mạng lưới truyền tải điện và hỗ trợ các lao động bị ảnh hưởng của việc chấm dứt hoạt động các trạm điện, mở đường cho đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo. Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, khoản đầu tư này sẽ giúp Ai Cập giảm 10% lượng khí nhà kính và sớm đạt mục tiêu về nâng sản lượng điện được sản xuất từ các nguồn tái tạo trong 5 năm tới.
Ai Cập là nơi chỉ sản sinh ra 0,6% tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu, nhưng quốc gia đông dân nhất trong thế giới Arab này lại là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, đặc biệt khi nước biển dâng đang đe dọa vùng đồng bằng sông Nile của Ai Cập. Đầu tháng 10 vừa qua, Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) đã thông qua thỏa thuận hỗ trợ phát triển trị giá 400 triệu USD để giúp Ai Cập triển khai kế hoạch khử carbon trong lĩnh vực hạ từng giao thông vận tải bằng cách phát triển hành lang đường sắt Alexandria - Thành phố 6 tháng 10 - Vùng Cairo mở rộng.
Đặng Ánh (TTXVN)/ baotintuc.vn
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/ai-cap-huy-dong-duoc-10-ty-usd-de-phat-trien-nang-luong-tai-tao-20221119111927615.htm