Năng lượng sạch vì sự phát triển bền vững

Với Chủ đề “Năng lượng sạch vì sự phát triển bền vững” trong chương trình Phát triển kinh tế năng lượng, cùng với sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV POWER) chương trình đã mang lại nhiều thông tin hữu ích về phát triển năng lượng tái tạo góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Những tác động to lớn của biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ rệt như: đại dương bị axít hóa, nguồn nước đang thu hẹp lại, năng suất vụ mùa kém dần và những cánh rừng đang cháy rụi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn thời gian để phòng tránh những hậu quả tàn khốc nhất của biến đổi khí hậu, bằng cách chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp sử dụng năng lượng tái tạo thay cho nhiên liệu hóa thạch.

Năng lượng là lĩnh vực phát thải nhiều nhất ở Việt Nam, chiếm đến 60% tổng lượng phát thải. Dự báo, đến năm 2030, tỷ lệ phát thải của năng lượng còn tăng đến 73%.Bởi thế, để thực hiện được cam kết mới nhất, giảm phát thải 9% với nỗ lực tự thân và 27% nếu có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế vào năm 2030, Việt Nam xác định năng lượng là lĩnh vực cần được cắt giảm sâu nhất.

Nhìn vào những nỗ lực trong việc cắt giảm khí thải Carbon 5 năm qua, liệu việc đạt được những mục tiêu mà 27 quốc gia thành viên của EU đã thỏa thuận, là cắt giảm khí nhà kính lên tới 55% vào năm 2030 có khả quan?

Đưa khí thải Carbon về 0 theo Thỏa thuận Paris là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng châu Âu vẫn rất kỳ vọng có thể làm được điều này. Chuyển dịch năng lượng, tăng cường các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch là một trong những giải pháp được ưu tiên để hiện thực hóa mục tiêu ấy

Theo các nhà khoa học, nguồn năng lượng tái tạo sẽ giữ một vai trò chủ đạo nhằm thực hiện việc giảm thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Trong số này, năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ cung cấp 80% nhu cầu năng lượng của thế giới vào năm 2050 và đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu này, LHQ kêu gọi các chính phủ cần thúc đẩy các chính sách hòa năng lượng tái sinh vào mạng lưới năng lượng quốc gia và đề cao lợi ích của năng lượng tái sinh liên quan đến giảm ô nhiễm không khí và cải thiện sức khoẻ con người. Sử dụng năng lượng tái sinh trên thế giới đang tăng lên, giá loại năng lượng này cũng đang giảm và với chính sách đúng, năng lượng tái sinh sẽ là công cụ quan trọng vừa chống biến đổi khí hậu hiệu quả vừa giúp các nước đang phát triển phát triển kinh tế bền vững.

 

Thanh Dung