Việc phát triển năng lượng mới hydrogen, monia xanh phù hợp với định
hướng của Việt Nam để tạo ra các động lực tăng trưởng dài hạn cho kinh
tế Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh khi trả
lời câu hỏi của DĐDN về định hướng phát triển ngành sản xuất hydrogen,
amonia xanh của Việt Nam tại cuộc họp báo Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt
Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực
cho tăng trưởng và phát triển bền vững”, ngày 17/9.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển.
Theo
ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đối với hydro
trong đó có hydrogen xanh, trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị ngày
11/2/2020 cũng có đề ra các định hướng, trong đó có hai nội dung quan
trọng.
Thứ nhất, nghiên
cứu xây dựng luật năng lượng tái tạo. Hiện nay, trong chương trình xây
dựng luật của Quốc hội cũng đã có nhiệm vụ triển khai nghiên cứu nội
dung này.
Thứ hai, trong
Nghị quyết 55 có đề cập đến việc nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số
đề án thử nghiệm để triển khai sử dụng năng lượng hydro phù hợp với xu
thế thế giới.
“Trong tháng 9,
chúng tôi sẽ hoàn thành nghiên cứu báo cáo Bộ Chính trị về đánh giá 8
năm triển khai Nghị quyết 41 về ngành dầu khí. Ý tưởng xây dựng chiến
lược phát triển hydrogen của Việt Nam cũng đã được đưa vào trong dự
thảo”, ông Hiển nói.
Điều này có ý nghĩa rất quan trọng với
ngành dầu khí vì ngành này có nhiều lợi thế bởi hydrogen phải gắn liền
điện gió ngoài khơi. Do đó đề xuất xây dựng luật về năng lượng tái tạo
là phù hợp.
Hiện nay, theo Nghị
quyết 140 của Chính phủ để triển khai Nghị quyết 55 thì cũng đã giao cho
Bộ Công Thương để nghiên cứu xây dựng đề án chiến lược phát triển
hydrogen của Việt Nam, GIZ đang có một dự án tài trợ cho Việt Nam để xây
dựng luận cứ chiến lược này.
Việc
xây dựng luật năng lượng tái tạo đã có định hướng, chủ trương. Còn xây
dựng chiến lược phát triển hydrogen ở Việt Nam cũng rất phù hợp với định
hướng nêu trong Nghị quyết 55, đồng thời phù hợp với xu thế chuyển dịch
năng lượng để khai thác được hết tiềm năng thế mạnh của Việt Nam trong
phát triển năng lượng tái tạo.
Đặc
biệt, điện gió ngoài khơi gắn với hydrogen, còn amonia gắn với các hoạt
động phát triển về năng lượng tái tạo. “Tôi cho rằng, việc phát triển
năng lượng mới hydrogen, amonia xanh phù hợp với định hướng của Việt Nam
để tạo ra các động lực tăng trưởng dài hạn cho kinh tế Việt Nam”, ông
Hiển nhấn mạnh.
Về vấn đề này,
PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học
Xã hội Việt Nam đánh giá tăng trưởng xanh là “con đường” giúp Việt Nam
tránh được cách đi của tăng trưởng nâu, sau đó phải sử dụng các kết quả
của kinh tế nóng để đi bồi thường cho những hệ luỵ về môi trường và xã hội.
“Như
vậy, tăng trưởng xanh là cách đi ngắn nhất mà không phải dùng tiền của
kinh tế để đi bồi thường cho môi trường. Chúng ta sẽ thiết kế cách đi
thẳng đến các mục tiêu kinh tế bền vững, xã hội và môi trường”, ông Tuấn
bày tỏ.
Để triển khai, Chính phủ
cũng đã có các chiến lược phát triển theo hướng phát triển bền vững và
kinh tế xanh. Việt Nam có hai chiến lược cho hai giai đoạn. Chiến lược
tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn
đến năm 2050. Trên cơ sở đó chúng ta cũng đã có kế hoạch hành động và
1/10/2021 theo quyết định 1658. Còn kế hoạch hành động tăng trưởng xanh
giai đoạn 2021-2030 theo quyết định 882/2022.
Như
vậy, chúng ta đã có đầy đủ các giải pháp và hướng triển khai toàn diện.
Riêng phần năng lượng có nêu rất rõ là phải đạt mục tiêu chuyển dịch cơ
cấu năng lượng theo hướng sử dụng nhiều hơn năng lượng tái tạo, sử dụng
hiệu quả hơn tài nguyên để giảm phát thải, giảm ô nhiễm, thực hiện kinh
tế tuần hoàn để đạt được các mục tiêu bền vững.
PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Đối
với hydrogen, theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn đã có trong nội dung các cấu
phần chiến lược tăng trưởng xanh. Chúng ta đang chú trọng phát triển
năng lượng tái tạo, đây là xu hướng khách quan. Hiện nay tất cả các quốc
gia trên thế giới đều cam kết chuyển dịch nhanh sang năng lượng tái
tạo, đa số các nước cam kết carbon trung tính vào năm 2050, có thể được
hiểu phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Việt Nam cũng theo xu hướng đó và
đã có cam kết trong COP26.
Để ứng
phó với biến đổi khí hậu, chúng ta phải giảm phát thải khí nhà kính
trong sản xuất và tiêu dùng, đồng thời chuyển dịch cơ cấu năng lượng.
Hydrogen là một xu hướng mới, các nước trong khu vực từ phát triển đến
đang phát triển, từ mới nổi đến đi sau đều đặt vấn đề chuyển dịch nhanh
sang những lĩnh vực mới, trong đó hydrogen đang nổi lên như một ngành
công nghiệp rất có tiềm năng.
“Hiện
nay đang có một cuộc chạy đua trong lĩnh vực phát triển hydrogen, đầu
tư cho khoa học, đầu tư cho chuyển dịch năng lượng rất lớn”, ông Tuấn
nói.
Việt Nam đang định hướng
đúng khi đã có kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, có luật bảo vệ
môi trường và đề án 687 để triển khai phát triển kinh tế tuần hoàn. Đều
nằm trong hướng sử dụng năng lượng theo hướng bền vững.
Bình luận về đề xuất xây dựng luật năng
lượng tái tạo, PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho rằng là phù hợp, vì luật sẽ
triển khai cụ thể Nghị quyết 55 và các định hướng chiến lược tăng trưởng
xanh cũng như các đề án kinh tế tuần hoàn.
Theo
đánh giá của các chuyên gia năng lượng, lượng khí thải carbon trên thế
giới đang ở mức gần 40 tỷ tấn/năm. Mục tiêu zero-carbon (lượng khí thải
bằng 0) vào năm 2050 sẽ cần đến sự nỗ lực rất lớn của các quốc gia trong
chuyển đổi năng lượng và áp dụng công nghệ giảm phát thải.
Một
trong những giải pháp năng lượng mới đang được các quốc gia đầu tư phát
triển là sản xuất hydrogen/amonia xanh. Đây là phương pháp sản xuất
nhiên liệu thân thiện với môi trường bằng cách sử dụng điện từ các nguồn
năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, sinh khối… Hydro sạch
có thể góp phần giảm tới 80 tỷ tấn CO2 vào năm 2050, phần lớn nhờ các
ứng dụng trong công nghiệp và vận tải.
Với
chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và vị trí địa lý thuận lợi,
các chuyên gia nhận định Việt Nam có điều kiện tốt để phát triển nền
kinh tế hydro. Hiện nay Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về năng
lượng tái tạo, trong đó tiềm năng về năng lượng gió và mặt trời là rất
lớn nhờ vị trí địa lý. Trên thực tế, Việt Nam đã xây dựng nhiều nhà máy
điện mặt trời và các trạm turbin gió ngoài khơi, tập trung ở khu vực
Trung bộ và Nam bộ. Đây chính là các nguồn nhiên liệu đầu vào phục vụ
cho sản xuất hydro.
Nguyễn Việt
Nguồn:https://diendandoanhnghiep.vn/nang-luong-moi-tao-dong-luc-tang-truong-dai-han-cho-kinh-te-viet-nam-250815.html