Xử lý việc EVN đột ngột dừng mua 172 MW điện mặt trời của Trung Nam

Câu chuyện EVN dừng huy động 172 MW Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam đã nóng trở lại, khi được Ban Dân nguyện đề cập tới trong báo cáo công tác dân nguyện tháng 2, vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào chiều 15/3.

Báo cáo cho hay, đây là một trong những đề xuất giám sát đối với một số vụ việc phức tạp, kéo dài.

Theo đó, ngày 8/3, Ban Dân nguyện đã chủ trì, phối hợp với một số cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận tổ chức buổi làm việc với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN và các bộ, ngành có liên quan.

Cụ thể là EVN dừng huy động 172 MW của Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam ngày 1/9/2022 với lý do chưa có cơ chế giá điện, đồng nghĩa với việc Dự án chỉ vận hành thương mại được 60% so với thiết kế gây thiệt hại cho Công ty (mỗi ngày thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng).

 
Trang trại điện gió và điện mặt trời của Trung Nam tại Ninh Thuận

 

Ban Dân nguyện nhận thấy việc EVN dừng huy động 172 MW là không đúng quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, chưa đúng với hợp đồng mua bán điện đã được ký kết giữa các bên và gây thiệt hại lớn về kinh tế cho công ty, lãng phí nguồn lực đầu tư của xã hội...

Bên cạnh đó, Ban Dân nguyện dẫn một số văn bản như Thông tư số 15 ngày 3/10/2022 quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp; Quyết định số 21 ngày 7/1/2023 về khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp của Bộ Công Thương và cho rằng việc Tập đoàn EVN nói lý do dừng huy động 172 MW do chưa có cơ chế giá điện là thiếu cơ sở pháp lý. 

Đề nghị tiếp nhận Trạm biến áp 500 kV

Một nội dung khác được đề cập là việc tiếp nhận, quản lý, vận hành Trạm biến áp 500 kV và đường dây 500 kV, 220kV đấu nối.

Mặc dù công trình đã hoàn thành, nghiệm thu và vận hành nhưng đến nay EVN chưa thực hiện tiếp nhận, quản lý, vận hành Trạm biến áp 500 kV và đường dây 500 kV, 220kV đấu nối.

Trên thực tế thực hiện hoạt động vận hành, điều độ điện tại Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam hiện nay là do Công ty Trung Nam Thuận Nam thuê đơn vị truyền tải thuộc EVN vận hành, điều độ để đảm bảo an toàn hệ thống điện Quốc gia và là công trình đặc biệt quan trọng.

Tuy nhiên do pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc chuyển giao tài sản trong trường hợp này nên EVN chưa thực hiện tiếp nhận quản lý, vận hành Trạm biến áp 500 kV và hệ thống đường dây 500 kV, 220kV do Công ty Trung Nam Thuận Nam đầu tư, xây dựng và chuyển giao.

Từ đó Ban Dân nguyên kiến nghị sớm ban hành quy định, hướng dẫn làm cơ sở pháp lý về việc tiếp nhận trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và hạ tầng truyền tải 500kV, 220 kV Thuận Nam do Công ty Trung Nam Thuận Nam đầu tư, xây dựng sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp nhận, quản lý và vận hành.

Chính phủ cần đôn đốc, chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo EVN giải quyết dứt điểm kiến nghị có cơ sở của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam về việc sớm khai thác phần công suất 172 MW của Nhà máy Điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, bảo đảm đúng quy định, thực hiện đúng cam kết hợp đồng mua bán điện giữa các bên; hướng dẫn, chỉ đạo EVN khẩn trương hoàn thành việc xác định giá mua điện đối với nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Võ Quang Lâm cho biết, Sau khi có Thông tư 15 và Quyết định 21 của Bộ Công thương, Tập đoàn đã đề nghị Trung Nam khẩn trương rà soát phạm vi của dự án, chuẩn bị các hồ sơ pháp lý và tham khảo phương pháp đàm phán giá điện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương. Khi Trung Nam hoàn thiện các hồ sơ pháp lý, hai bên sẽ cùng với nhau đàm phán, báo cáo với Bộ Công Thương kết quả.

Vì khối lượng hồ sơ rất dài cho nên Trung Nam đang hoàn thiện hồ sơ để chuyển lại cho Công ty mua bán điện thực hiện việc đàm phán ký hợp đồng.

Về việc bàn giao tiếp nhận đường dây 500KV cũng như trạm 500KV của Trung Nam ở Ninh Thuận, ông Lâm cho hay, đây là nội dung liên quan đến các tài sản ngoài ngân sách nhà nước cho EVN. Trong khi quy định về nội dung này đang được lấy ý kiến hoàn thiện. “Chúng tôi cũng sẵn sàng, lúc có nghị định thì triển khai được ngay, có thể xem xét việc tiếp nhận các tài sản là các hệ thống lưới điện ngoài ngân sách nhà nước được đầu tư và chuyển giao cho tập đoàn”, ông Lâm nói.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý Bộ Công thương và EVN làm sao để hoàn thành các thủ tục tiếp nhận đúng luật nhưng cũng cố gắng sớm để tháo gỡ khó khăn cho các tập đoàn, các công ty. “Lúc mình cần thì trải thảm cho họ vào, tới chừng họ vào làm xong rồi mình lại rải đinh thì khổ họ ra. Cho nên chỗ này cố gắng tháo gỡ cho sớm”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thu Hằng

Nguồn:https://vietnamnet.vn/som-giai-quyet-dut-diem-viec-bo-phi-172-mw-dien-mat-troi-cua-trung-nam-2120900.html