Nhiều ý kiến cho rằng, những bất cập trong Quy hoạch điện VII có nguyên nhân chính từ công tác quản lý nhà nước về quy hoạch còn nhiều vấn đề.
Quản lý nhà nước về quy hoạch điện 'còn nhiều vấn đề'
Vần xử lý nghiêm tình trạng lợi ích nhóm trong việc xây dựng chính sách về quy hoạch điện
Nhiều bất cập, hạn chế
Quy hoạch điện đang trở thành vấn đề rất được dư luận quan tâm. Ngày 21/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp cho ý kiến về dự thảo kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của đoàn giám sát của ủy ban này về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH15, thành lập đoàn giám sát do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn về việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021.
Phạm vi giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng theo quy định của pháp luật liên quan trên phạm vi cả nước (trọng tâm là các Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Dầu khí, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch) từ ngày 01/01/2016 đến hết ngày 31/12/2021. Đối tượng giám sát là Chính phủ; các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan; UBND cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trước đó, theo Quyết định số 55/QĐ-TTCP ngày 22/02/2022 của Tổng Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII)
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021, cụ thể là những bất cập trong Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh có nguyên nhân chính từ công tác quản lý nhà nước về quy hoạch còn nhiều vấn đề.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, trong giai đoạn 2016-2020, việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bổ sung vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh 175 dự án điện mặt trời với tổng công suất 15.400MW, so với mức 850MW đặt ra trong quy hoạch (trong số này, có 131 dự án hoàn thành đưa vào vận hành, với tổng công suất là 8.642MW) đã làm thay đổi các chỉ tiêu của Quy hoạch điện VII điều chỉnh về tổng công suất, cơ cấu nguồn điện…, gây mất cân bằng cung - cầu theo miền, tạo sức ép lên lưới truyền tải liên miền (từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc).
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, việc phát triển nóng các loại hình điện gió, điện mặt trời, không đồng bộ với phát triển lưới truyền tải điện, không kịp thời giải tỏa công suất, gây khó trong vận hành, điều độ kinh tế hệ thống điện, ảnh hưởng tới vận hành các nguồn nhiệt điện than, khí… có nguyên nhân chính là công tác quản lý nhà nước về quy hoạch chưa hiệu quả, thiếu quyết liệt…
Thanh tra Chính phủ cho rằng, để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, rủi ro về pháp lý có thể xảy ra, Bộ Công thương cần rà soát, xem xét kỹ các dự án/phần dự án điện mặt trời đã được bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến nay đã hoàn thành xây dựng, nhưng chưa vận hành thương mại; dự án của nhà đầu tư đã được cấp đất và ký hợp đồng mua sắm thiết bị; dự án đã được chấp thuận đầu tư và đã được cấp đất…
Tại hội nghị tổng kết ngành công thương sáng 09/01/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng chỉ ra việc xây dựng các quy hoạch điện, quy hoạch năng lượng, cơ chế điều hành giá điện, đặc biệt là giá FIT với năng lượng tái tạo còn bất cập, chưa hợp lý.
Đơn cử như việc đầu tư truyền tải rất lớn lên tới 33 tỉ USD, nhưng vẫn cần rà soát để tránh gây tổn thất, lãng phí. Phó Thủ tướng dẫn chứng hiện tỉ lệ năng lượng điện mặt trời nhiều quá, lên tới 17.000MW/77.000MW tổng công suất nguồn điện, trong khi vận hành chung chỉ 40.000 - 43.000MW.
Việc đưa nguồn điện mặt trời vào số lượng lớn, trong khi nguồn khác giảm sẽ gây ra nguy cơ sụt giảm công suất. Đáng chú ý, tổng công suất các nguồn điện khí, điện gió, điện mặt trời đang được các doanh nghiệp, địa phương kiến nghị bổ sung lên tới 283.000MW. Trong khi dự kiến quy hoạch chung là 140.000MW, dù đã giảm so với 180.000MW dự kiến trước đây.
Trong khi đó, mặc dù Quy hoạch điện VIII được Bộ Công thương thực hiện từ tháng 8/2019, trình Chính phủ từ tháng 3/2021, tuy nhiên đến nay quy hoạch này chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cần hài hoà lợi ích người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia
Trước những vướng mắc của việc phát triển năng lượng, các doanh nghiệp, hiệp hội nhà đầu tư kỳ vọng Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII để "dọn đường" cho việc chuyển hướng sang năng lượng xanh, sạch.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ông John Rockhold, Chủ tịch Toàn quốc Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần phải phê duyệt Quy hoạch điện VIII mới, minh bạch, hữu dụng, để “dọn đường” cho việc chuyển sang năng lượng sạch, có một lộ trình cụ thể cho việc chuyển đổi năng lượng.
Quy hoạch điện VIII cần được phê duyệt càng sớm càng tốt, trong đó tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo ở mức tối đa. Chính phủ cần có chính sách để người sử dụng tiếp cận năng lượng sạch thông qua hợp đồng mua bán điện trực tiếp và giảm bớt các rào cản hành chính đối với nhà máy năng lượng sạch, trong đó đặc biệt cần cởi trói về thủ tục cho các nhà cung cấp dịch vụ điện mặt trời mái nhà và bán điện trực tiếp cho khách hàng.
Với điện gió ngoài khơi, đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác có thể mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể đồng thời giúp cung cấp lượng điện năng nội địa đáng tin cậy để đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của Việt Nam.
Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ là một trong những giải pháp giúp đa dạng hóa hệ thống năng lượng một cách hiệu quả về chi phí.
Về việc quy định Quy hoạch điện VIII, tại hội nghị Chính phủ với các doanh nghiệp sáng 11/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các nhà hoạch định chính sách phải nghiên cứu kỹ, vì lợi ích quốc gia dân tộc, của người dân, không thể chạy theo lợi ích nhóm, lợi ích của một số người bởi tất cả sẽ tính vào giá điện.
"Chúng ta làm tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì lợi ích của nhân dân, hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, đạt được mục tiêu đó thì làm được. Nếu không đạt mục tiêu đấy thì nóng ruột mấy cũng phải kiên trì, tất nhiên không kiên trì đến mức trì trệ", Thủ tướng nhấn mạnh.
Lợi ích của quốc gia, dân tộc, cụ thể là doanh nghiệp và người dân được sử dụng điện với chi phí hợp lý là mong muốn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, cần xử lý nghiêm tình trạng lợi ích nhóm trong việc xây dựng chính sách.
https://theleader.vn/quan-ly-nha-nuoc-ve-quy-hoach-dien-con-nhieu-van-de-1663578364482.htm