Dù được coi là xu hướng mới trong ngành năng lượng tái tạo, năng lượng
mặt trời giúp giảm thải carbon, tuy nhiên những tấm pin mặt trời chỉ có
tuổi thọ trung bình là 25 năm, điều này đặt ra vấn đề lớn về rác thải và
tái chế.
Đứng trước bối cảnh các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn
kiệt thì năng lượng mặt trời đang trở thành một xu hướng tất yếu trong
ngành năng lượng tái tạo và đang được sử dụng rộng rãi cũng như phát
triển rất nhanh chóng trên toàn thế giới.
Theo số liệu từ Bộ Công thương, hằng năm, pin năng lượng mặt trời
cung cấp gần một nghìn tỷ kWh. Có thể thấy, đầu tư điện mặt trời đã bùng
nổ trong vài năm trở lại đây. Đến cuối 2022, số dự án điện gió, mặt
trời đã vận hành chiếm gần 27% tổng công suất toàn hệ thống, trong đó có
16.545 MW điện mặt trời mặt đất, mái nhà và 4.126 MW điện gió. Thế giới
đã lắp đặt hơn 1 terawatt điện mặt trời. Pin mặt trời thường có công
suất khoảng 400 W, nên nếu tính cả mái nhà lẫn các trang trại điện mặt
trời, có thể có tới 2,5 tỷ tấm pin.
Tuy nhiên, đằng sau sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp năng
lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời là vấn đề về lớn môi
trường.
Tuổi thọ trung bình của những tấm pin mặt trời từ 20 - 25 năm, vậy là
rất nhiều tấm pin năng lượng mặt trời sắp hết hạn sử dụng. Chưa kể hàng
chục dự án điện mặt trời lớn nhỏ đang ồ ạt lắp đặt hiện tại thì không
lâu sau lượng rác thải này vô cùng lớn. Nhiều chuyên gia đặt ra câu hỏi
những tấm pin mặt trời đã hết hạn sẽ đi về đâu, giải quyết như thế nào?
Theo Ute Collier, phó giám đốc Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế
(IRENA) cho biết, đến năm 2030, sẽ có khoảng 4 triệu tấn phế thải, mức
này vẫn xử lý được. Nhưng đến năm 2050, chúng ta có thể có tới hơn 200
triệu tấn trên toàn cầu.
Có thể thấy rằng, thành phần cấu tạo chính của pin năng lượng mặt
trời không chứa các chất nguy hại. Ở Mỹ và một số nước châu Âu, các tấm
pin mặt trời không sử dụng nữa do hết hạn hoặc hỏng hóc không được xem
là chất thải nguy hại.
Pin mặt trời hết hạn sử dụng là nguồn tài nguyên để tái sử dụng cho
mục đích sản xuất pin mặt trời mới có chất lượng cao hơn và giá thành rẻ
hơn và dùng cho nhiều mục đích khác. Nhưng nếu không xử lý kịp thời và
có quy đinh rõ ràng sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm khi đem đi chôn lấp,
gây ảnh hưởng sức khỏe con người.
Được biết 80% các vật liệu trong một tấm pin mặt trời có thế tái chế
thu hồi vá tái sản xuất được, ngoài tái chế mặt kính và khung nhôm, có
thể thu hồi gần như mọi vật liệu quý trong pin mặt trời, ví dụ như bạc
và đồng, thường nằm trong số những vật liệu khó tách chiết nhất. Song
trên thực tế chi phí tái chế vẫn đang cao hơn so lợi ích thu được từ tái
chế pin mặt trời đã hết hạn sử dụng. Vì vậy, hầu hết các tấm pin đã
dùng hết tuổi thọ sẽ phải bỏ đi vì tái tạo còn tốn nhiều chi phí hơn là
thay mới.
Phế thải từ các tấm pin mặt trời sẽ là một vấn đề môi trường rất lớn
trong những thập niên tới trên thế giới. Nếu không kịp thời nghiên cứu,
phát triển các công nghệ thu gom, xử lý và tái chế cũng như ban hành các
cơ chế chính sách phù hợp thì các quốc gia đang phát triển sẽ phải gánh
chịu nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Nguồn:https://moitruong.net.vn/pin-mat-troi-co-the-la-moi-de-doa-doi-voi-moi-truong-62510.html