Một trung tâm thương mại lớn ở quận 7 dùng điện từ hệ thống điện mặt trời mái nhà - Ảnh: NGỌC HIỂN
Đề nghị xử lý vi phạm với điện mặt trời mái nhà lắp đặt sau năm 2020
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố và EVN về việc kiểm tra, rà soát, xử lý và cung cấp thông tin việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) sau năm 2020.
Trong văn bản, Bộ Công Thương cho hay quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch điện VIII) đã nêu rõ: "Ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dụng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu".
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng, tự sản tự tiêu, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Để đảm bảo việc nghiên cứu, xây dựng chính sách về phát triển điện mặt trời mái nhà trong thời gian tới, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và EVN khẩn trương kiểm tra, rà soát và xử lý vi phạm đối với việc đầu tư, lắp đặt điện mặt trời mái nhà có sự liên kết với lưới điện quốc gia từ sau năm 2020 đến nay.
Đồng thời, các đơn vị này phải tổng hợp, báo cáo tình hình đầu tư, lắp đặt điện mặt trời mái nhà có liên kết với lưới điện quốc gia từ sau năm 2020 đến nay, báo cáo gửi về Bộ Công Thương trước ngày 18-9-2023.
Doanh nghiệp muốn lắp điện mặt trời nhưng "vắng" cơ chế
Từ khi điện mặt trời phát triển "nóng" trong giai đoạn 2019-2020 cho đến nay, Bộ Công Thương đã nhiều lần yêu cầu xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình lắp đặt, nhất là tình trạng lắp điện mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp, nhiều sai phạm trong quá trình lắp đặt cũng đã được các đoàn thanh tra vén màn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, các doanh nghiệp ngành năng lượng cho biết sau khi cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời hết hiệu lực từ cuối 2020, các doanh nghiệp, người dân vẫn có nhu cầu lắp điện mặt trời tự dùng. Do đó, nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được lắp đặt, song dùng thiết bị ngăn phát điện lên lưới (Zero Export).
Theo các doanh nghiệp sản xuất, việc lắp điện mặt trời mái nhà tại nhà xưởng là nhu cầu bức thiết để đạt các chứng chỉ xanh trong xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp đều kiến nghị sớm ban hành cơ chế mới để thúc đẩy sử dụng năng lượng xanh sau gần ba năm "trống" cơ chế phát triển điện mặt trời.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Samresh Kumar - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP SkyX Solar - cho biết tiềm năng điện mặt trời trên mái nhà xưởng tại Việt Nam rất lớn, hiện chỉ mới khai thác khoảng 20% tiềm năng, còn hơn 16.000MW vẫn chưa được tận dụng.
Trong khi đó, hệ thống điện mặt trời tự sản tự tiêu không phát ngược lên lưới, nên rất cần cơ chế để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà, giúp các doanh nghiệp có chứng chỉ xanh, cạnh tranh đơn hàng xuất khẩu.
Nhiều bộ ngành đề xuất mở rộng loại hình điện mặt trời áp mái
Tại báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương cho rằng theo chỉ đạo của Phó thủ tướng, đối tượng áp dụng của cơ chế lần này là điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở. Do đó, việc mở rộng đối tượng như đề nghị của các bộ để áp dụng cơ chế sẽ được tiếp tục nghiên cứu trong các quy định sau này.
Trước đó, Bộ Công an đã đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng được lắp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu thêm khối các trụ sở có hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại. Bộ Giao thông vận tải cũng muốn bổ sung cơ chế để lắp điện mặt trời mái nhà tại cảng hàng không, ga đường sắt, bến xe, cảng biển... Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng các khu công nghiệp có diện tích lớn nên cần được khuyến khích phát triển điện mặt trời, trong khi Bộ Quốc phòng đề xuất lắp thêm tại trường học, bệnh viện, công trình tăng gia sản xuất.
Ngọc Hiển
Nguồn:Ngay sau lễ, đồng loạt kiểm tra điện mặt trời mái nhà lắp sau năm 2020 - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)