Thái Lan ra mắt thiết bị tokamak đầu tiên - cỗ máy được ví như “Mặt trời nhân tạo”, có khả năng mô phỏng quá trình tổng hợp hạt nhân hay phản ứng nhiệt hạch diễn ra bên trong Mặt trời.
"Mặt trời nhân tạo" Tokamak-1 của Thái Lan bắt đầu hoạt động trong tuần này là nỗ lực chung giữa Viện Công nghệ hạt nhân Thái Lan và Viện Vật lý Plasma của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.
Thiết bị này là thành quả tốt đẹp từ hợp tác giữa Trung Quốc và Thái Lan trong những năm gần đây và Viện Vật lý Plasma sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác Thái Lan, China News Service thông tin.
Năng lượng nhiệt hạch được coi là “năng lượng tối thượng” cho tương lai không phát thải carbon bởi quá trình tạo ra năng lượng này không tạo ra khí thải nhà kính hay chất thải phóng xạ hạt nhân. Sản phẩm phụ chính của quá trình tạo ra năng lượng nhiệt hạch là helium, một loại khí trơ, không độc hại.
SCMP chỉ ra, Tokamak-1 của Thái Lan là thiết bị đầu tiên dạng này đặt tại một quốc gia Đông Nam Á.
Thái Lan dự kiến thiết kế và tự chế tạo tokamak để sử dụng trong nước trong thập kỷ tới, với mục tiêu trở thành trung tâm phát triển công nghệ nhiệt hạch của Đông Nam Á, theo Thai Public Broadcasting Service.
Trung Quốc có kinh nghiệm trong nghiên cứu lò phản ứng nhiệt hạch. “Mặt trời nhân tạo” của Trung Quốc - Tokamak siêu dẫn tiên tiến thử nghiệm (EAST) ở Hợp Phì - đã lập kỷ lục thế giới vào tháng 4 năm nay khi duy trì plasma chế độ cao trong 403 giây, phá kỷ lục 101 giây được thiết lập vào tháng 5.2021.
Tokamak-1 của Thái Lan được nâng cấp từ HT-6M - thiết bị tokamak do Viện Vật lý Plasma phát triển năm 1984. Thiết bị này chính thức ngừng hoạt động năm 2002 sau 18 năm hoạt động.
Năm 2017, Viện Vật lý Plasma đã ký thỏa thuận hợp tác với Viện Công nghệ hạt nhân Thái Lan và tuyên bố sẽ tặng thiết bị tokamak kể trên cho Thái Lan.
Thiết bị tokamak của Viện Vật lý Plasma đã vượt qua cuộc kiểm tra hoàn thiện và được chuyển giao cho Viện Công nghệ hạt nhân Thái Lan vào tháng 12.2022.
Toàn bộ thiết bị gồm 462 bộ phận chính, nặng hơn 84 tấn, được vận chuyển đến Thái Lan trong 6 container. Khoảng 60 kỹ thuật viên Trung Quốc đã được cử đến Thái Lan để giúp lắp ráp, điều chỉnh và kiểm tra trước khi thiết bị chính thức vào hoạt động.
Thanh Hà
Nguồn:"Mặt trời nhân tạo" đầu tiên có mặt tại Đông Nam Á (laodong.vn)