C
Dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 chưa thể đưa danh mục các dự án điện mặt trời vào
Cơ quan quản lý lúng túng ?
Sau khi trình dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) không đưa danh mục các dự án điện mặt trời (ĐMT) tập trung đã có chủ đầu tư vào, mới đây Bộ Công thương có lời giải thích với Thủ tướng là do các tỉnh không có cam kết chắc chắn về tình trạng sai phạm, hiệu quả đầu tư... với các dự án ĐMT.
Dẫn Thông báo số 64 của Văn phòng Chính phủ vào tháng 5.2023, Bộ Công thương cho rằng Thường trực Chính phủ chỉ đạo các dự án đã có quy hoạch, được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ được xem xét tiến độ khi lập kế hoạch thực hiện QHĐ8, nhưng "không hợp thức hóa sai phạm" và giá mua điện phải "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro".
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ hồi tháng 4.2023 cũng đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện. Hơn nữa, hiện Thủ tướng chưa có ý kiến chỉ đạo liên quan tới kết luận này.
" Chúng tôi đề xuất hộ gia đình có làm ĐMT áp mái, cho đấu nối 2 chiều, phát lên lưới, không trả được bằng giá ưu đãi thì cũng bằng 40 - 50% giá mua để hộ gia đình có thể hoàn vốn sớm hơn. Không thể bỏ hoang phí, và không trả đồng nào cho người dân là không sòng phẳng."
TS Nguyễn Huy Hoạch (Hiệp hội Năng lượng VN)
Trong phần kiến nghị, Bộ Công thương cũng đưa ra phương án Thủ tướng cứ duyệt kế hoạch thực hiện QHĐ8 trước, sau đó giao UBND các tỉnh có dự án ĐMT tập trung cùng các cơ quan có thẩm quyền rà soát và có báo cáo lại cho Bộ Công thương trong vòng 3 tháng, tính từ thời điểm kế hoạch được phê duyệt.
Trước đó, trong dự thảo về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT áp mái (hay còn gọi ĐMT mái nhà), Bộ Công thương cũng đề xuất cho người dân liên kết với điện lưới quốc gia để tự sử dụng, không bán cho cá nhân, tổ chức nào và cũng không bán vào lưới điện quốc gia. Nghĩa là không có đầu tư kinh doanh điện, không cho phép hoạt động kinh doanh mua bán ĐMT.
Đáng nói, đề xuất của Bộ "ưu ái" cho nhà người dân có làm ĐMT mái nhà, nếu thừa sản lượng, phát vào hệ thống điện thì nhà nước ghi nhận sản lượng điện dư đó với giá… 0 đồng; không phát vào lưới điện quốc gia thì phải tự đầu tư lắp đặt thiết bị hạn chế tối đa phát điện dư vào hệ thống điện.
Như vậy, số phận các dự án ĐMT tập trung hầu như chưa được định đoạt trong dự thảo kế hoạch thực hiện QHĐ8.
Trước đó, Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm tới theo Quyết định 3110 của Bộ Công thương ban hành cuối tháng 11 lại nhấn mạnh các nguồn điện than, thủy điện và nguồn điện tua bin khí đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia năm 2024. Các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục được huy động theo nhu cầu phụ tải điện và khả năng hấp thụ của lưới điện.
Một chuyên gia năng lượng phía nam nhận xét: Các chính sách liên quan ĐMT chứng tỏ sự lúng túng của cơ quan quản lý. Trong khi hàng hóa trên thế giới đang cạnh tranh khốc liệt về chứng chỉ xanh thì các nhà đầu tư và doanh nghiệp sản xuất vẫn không hiểu sẽ áp dụng cơ chế mới như thế nào.
Đẩy mạnh cơ chế mua bán điện trực tiếp
Về những vấn đề đang gây băn khoăn trong Dự thảo nói trên, TS Nguyễn Huy Hoạch (Hiệp hội Năng lượng VN) giải thích: QHĐ8 cho thấy đến năm 2030 không phát triển các dự án ĐMT lớn nên dự thảo kế hoạch thực hiện quy hoạch chưa đưa vào là điều dễ hiểu. Hiện cơ cấu nguồn điện gió và ĐMT chiếm đến 27%, một tỷ lệ khá lớn và nhanh so với các nước phát triển năng lượng tái tạo. Trong khi đó, nguồn điện linh hoạt bù cho những thời điểm ĐMT và điện gió không có lại không đủ, vẫn thiếu, nên làm khó cho vận hành hệ thống.
Theo kinh nghiệm quốc tế, khi tỷ lệ sản lượng điện tái tạo chiếm khoảng 15% trên toàn hệ thống, cần phải có nguồn dự phòng đủ, nếu không phải có pin lưu trữ. Hiện tại nguồn dự phòng như thủy điện vẫn "căng mình" để chạy nền hết công suất, pin lưu trữ hay điện tích năng chưa có, nên việc không thể đẩy mạnh phát triển ĐMT từ nay đến 2030 là vậy. Tuy nhiên, TS Nguyễn Huy Hoạch cho rằng nguồn ĐMT mái nhà cần được ghi nhận và có trả tiền mới bảo đảm công bằng cho người dân.
"Chính sách là khuyến khích tự sản tự tiêu, nhưng cần thúc đẩy sớm cơ chế mua bán điện trực tiếp qua đường dây tư nhân riêng để kết nối trực tiếp với nhau, nhằm ưu tiên triển khai dự án điện tự sản, tự tiêu. Từ đó, các dự án ĐMT có sẵn tiếp tục rà soát và phải làm sớm. Bên cạnh đó, với quy mô ĐMT mái nhà đấu nối trực tiếp vào hệ thống hạ áp, công suất 3 - 5 kV hầu như không ảnh hưởng đến lưới điện. Chúng tôi đề xuất hộ gia đình có làm ĐMT áp mái, cho đấu nối 2 chiều, phát lên lưới, không trả được bằng giá ưu đãi thì cũng bằng 40 - 50% giá mua để hộ gia đình có thể hoàn vốn sớm hơn. Không thể bỏ hoang phí, và không trả đồng nào cho người dân là không sòng phẳng", TS Hoạch nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Công ty CP Vinasol, chuyên cung cấp, thi công, phát triển dự án năng lượng mặt trời, khá bất ngờ khi số phận các dự án ĐMT tập trung và chuyển tiếp đến nay vẫn bị coi như "con ghẻ" và sau nhiều năm vẫn chưa có hướng dẫn nào từ cơ quan quản lý.
"Doanh nghiệp và người dân mòn mỏi chờ hướng dẫn liên quan các dự án ĐMT chuyển tiếp từ năm 2021, nay đã có QHĐ8, những tưởng mọi nút thắt sẽ được cởi mở hơn để nhà đầu tư có hướng phát triển đúng đắn, đúng chủ trương giảm phát thải ròng của Chính phủ; nhưng thực tế thì không. Rất mâu thuẫn khi QHĐ8 đưa ra mục tiêu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng ĐMT mái nhà tự sản, tự tiêu; nhưng dự thảo kế hoạch thực hiện QHĐ8 của Bộ Công thương thì lại đề xuất không cho bán điện cho tổ chức, cá nhân khác (gọi nôm na là bán điện cho nhà hàng xóm). Quy định này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vì không thể huy động được nguồn tài chính", ông Việt nhận xét.
Nguyên Nga
Nguồn:Hoang mang với điện mặt trời (thanhnien.vn)