Hiệp hội chuyên về năng lượng mặt trời -
SolarPower Europe, dự tính châu Âu sẽ có thêm 54 GW công suất lắp đặt
mới. Tuy chi phí sẽ tăng cao, sản lượng năng lượng mặt trời trong cơ cấu
năng lượng của châu Âu có thể vẫn sẽ tăng gấp đôi.
Sự mở đầu cho thời đại mặt trời tại châu Âu
Ông
Michael Schmela - Giám đốc tình báo thị trường tại SolarPower Europe,
tuyên bố: “Năm 2022 đã đánh dấu sự mở đầu cho thời đại mặt trời tại châu
Âu”.
Theo ông Michael Schmela,
cuộc chiến Nga - Ukraine và những nỗ lực cắt giảm sự lệ thuộc vào khí
đốt từ Nga chính là hai nguyên nhân quan trọng. Cũng theo ông, năng
lượng mặt trời đáp ứng đủ ba chỉ tiêu lý tưởng về năng lượng: tính bền
vững, khả năng chi trả và an ninh nguồn cung.
Ông
Bruno Brunetti - Giám đốc Toàn cầu về Phân tích Năng lượng Carbon Thấp
tại S&P cho biết: “Vì tình trạng lạm phát, thị trường đã thiếu chắc
chắn trong ngắn hạn, tình trạng tái cơ cấu xảy ra, doanh thu cũng kém.
Dù vậy, việc đẩy nhanh sự phát triển của năng lượng mặt trời và nối lại
những dự án cũ đang giúp ngành công nghiệp này phát triển tại châu Âu.
Như vậy, khu vực Tây Âu tiếp tục là khu vực bùng nổ nhất về năng lượng
mặt trời. Thị phần của năng lượng mặt trời dự kiến sẽ tăng gấp đôi, từ
mức 8% hiện nay lên 20% trong năm 2030. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đặt
ra những mục tiêu rất cụ thể khi đi tìm nguồn cung ứng năng lượng tái
tạo. Điều này giúp giúp ngành năng lượng mặt trời có thêm sự phát triển.
Số lượng hợp đồng mua bán điện PPA và sản lượng điện đạt chứng nhận
năng lượng xanh GO đều tăng”.
Theo ông Brunetti, trong năm 2023, sản lượng GO trên thị trường châu Âu phải đạt mức trung bình 6 euro/MWh.
Mặt
khác, các nhà phân tích của S&P cũng nâng dự báo sản lượng năng
lượng mặt trời bổ sung, từ 5 GW/năm lên 6 GW/năm, đối với giai đoạn
2022-2027. Phần sản lượng bổ sung này sẽ giúp ngành năng lượng mặt trời
châu Âu tăng trưởng.
Theo ứng
dụng định giá PPA Pexapark, tính đến hôm 20/12/2022, chỉ số PPA cho năng
lượng mặt trời châu Âu trong 10 năm qua là 83,52 euro/MWh, tăng 29% so
với những mức trước đó.
Tuy
nhiên, mỗi khu vực có thể có sự chênh lệch đáng kể về giá, gây ảnh hưởng
đến sự phát triển của ngành năng lượng mặt trời tại châu Âu. Trên thực
tế, chỉ số Pexapark của Tây Ban Nha đang nằm ở mức 52,54 euro/MWh, còn
chỉ số của Đức thì là 92,86 euro/MWh.
Ảnh hưởng của lạm phát lên chi phí dự án năng lượng mặt trời
Theo
S&P, giá module năng lượng mặt trời sẽ giảm đi, nếu ngành công
nghiệp gỡ được các nút thắt trong vấn đề chuỗi cung ứng và giá nguyên
liệu thô giảm đi.
Trong quý IV/2022, giá silicon đa tinh thể chỉ còn 35,48 USD/kg, giảm đi 8% so với quý III.
Vấn
đề giá module cao là một yếu tố gây ảnh hưởng đến sự phát triển của
ngành năng lượng mặt trời ở châu Âu. Cụ thể, chi phí vốn bình quân cho
một dự án năng lượng mặt trời đang gia tăng, nhất là tại Đức. Trong hai
năm qua, chi phí vốn bình quân đã đạt 640.000 USD/MW, tức tăng 30%. Nếu
vậy, đối với nước Đức, giá module quang điện chiếm đến 45% tổng chi phí
vốn. Tuy nhiên, theo S&P, Đức có thể bỏ việc đấu giá năng lượng mặt
trời bởi nhiều lý do.
Ngoài ra,
S&P cho biết, trong năm 2023, chỉ số LCOE của năng lượng mặt trời sẽ
suy yếu trở lại và giảm trong dài hạn. (LCOE Levelized Cost of Energy
là chi phí sản xuất điện quy dẫn. LCOE là giá trị hiện tại ròng cho mỗi
đơn vị điện tạo ra trong suốt vòng đời của hệ thống điện mặt trời.) Theo
đó, chỉ số LCOE của Đức dự kiến sẽ giảm từ 50 USD/MWh (năm 2022)
xuống còn 35 USD/MWh. Còn chỉ số LCOE của Tây Ban Nha dự kiến sẽ giảm
từ 40 USD/MWh (năm 2022) xuống còn 20 USD/MWh.
Năng lượng mặt trời trở lại làm ưu tiên hàng đầu
Ở
châu Âu, tình trạng lệ thuộc gia tăng vào Trung Quốc đang trở thành một
vấn đề đối với sự phát triển của ngành năng lượng mặt trời. Bà Ursula
Von Der Leyen - Chủ tịch EC, đã đề xuất thành lập hội bảo vệ nguyên liệu
thô như một biện pháp xoa dịu. EC cũng tạo nhiều khoản viện trợ bổ sung
để đối phó với ảnh hưởng từ Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ (IRA), vì IRA
có nhiều mục tiêu tương đồng như chương trình RePowerEU.
Theo
S&P, ngoài việc có khung pháp lý ổn định, việc tăng cường cơ sở hạ
tầng lưới điện và năng lực của lực lượng lao động cũng là những yếu tố
rất quan trọng. Hiện nay, tại EU, trong tổng số 209 GW công suất năng
lượng mặt trời lắp đặt, 2/3 nằm trên mái nhà dân. Theo ông Michael
Schmela, phân khúc điện nhỏ lẻ đang tăng trưởng nhanh hơn so với những
dự án quy mô lớn. Như vậy, tầm quan trọng của phân khúc này sẽ ngày càng
tăng.
Ông cũng tin rằng, trong
bối cảnh hóa đơn tiền điện tăng cao, ngành công nghiệp sản xuất pin
quang điện sẽ đóng vai trò quan trọng hơn. Theo số liệu của S&P, thị
trường pin đã đạt công suất 9,3 GWh vào cuối năm 2022, cao gấp ba lần
so với năm 2020. Như vậy, đã có 1 triệu hộ gia đình châu Âu được trang
bị pin quang điện.
EU đang đưa ra
những tiêu chuẩn bắt buộc đối với sản phẩm pin năng lượng mặt trời.
Điều này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang điện mặt trời. Tuy
nhiên, ông Brunetti đã chỉ ra một yếu tố rất lớn và không chắc chắn của
năm 2023: Kế hoạch cải cách thị trường điện và khí đốt của EU.
Thật
vậy, EU đang muốn chấm dứt mối liên hệ giữa giá điện và giá khí đốt.
Hiện nay, EC đang tranh luận về một lượng lớn các mô hình, nhằm xác định
được phương thức thúc đẩy tăng trưởng năng lượng mặt trời ở châu Âu.
Tuy nhiên, EU vẫn chưa có định hướng rõ ràng về cách thức tránh xa mô
hình chi phí cận biên, hay cơ hội để thực hiện nó.
Ngọc Duyên
Nguồn:https://petrotimes.vn/du-bao-tang-truong-nam-2023-cua-nganh-nang-luong-mat-troi-tai-chau-au-677177.html