Với việc các quốc gia toàn cầu đang chạy đua để giảm lượng khí thải
bằng cách tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, cạnh tranh địa chính
trị về năng lượng đang chuyển hướng sang các quốc gia và khu vực có lợi
thế về công nghệ sạch.
Sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc
trong công nghệ sạch đã thúc đẩy nước Mỹ thông qua luật khuyến khích sản
xuất trong nước, quan trọng nhất là Đạo luật giảm lạm phát, trong đó
đầu tư 400 tỷ USD phát triển năng lượng sạch và ưu tiên sử dụng linh
kiện trong nước.
Các chính sách hỗ trợ nền kinh tế nội địa này đã
gây lo ngại ở nhiều quốc gia. EU hiện cũng đang phát triển các chương
trình tương tự.
Xu hướng này có ý nghĩa gì đối với Đông Nam Á, một
khu vực có các nền kinh tế mới nổi đang phát triển nhanh chóng với cam
kết nỗ lực trong việc giải quyết biến đổi khí hậu?
Những tín hiệu tích cực về phát triển năng lượng sạch
Sau
thành công của Indonesia trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 vào năm ngoái,
Jakarta đã đưa ra chủ đề "Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng"
với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á năm 2023, tập
trung vào việc củng cố Đông Nam Á như một khu vực kinh tế, đặc biệt là
về cấu trúc y tế, an ninh lương thực, năng lượng, và ổn định tài chính,
phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Về
năng lượng sạch, ASEAN cũng đã đạt được những tiến bộ đáng chú ý về mặt
cam kết và công suất lắp đặt. Hiện năng lượng mặt trời đã đi vào chính
sách chủ đạo ở hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN. Theo Nikkei Asia
đánh giá, với tư cách là người dẫn đầu, Việt Nam đã bổ sung thêm gần 20
gigawatt (GW) công suất năng lượng mặt trời chỉ trong 4 năm. Việt Nam
cũng đã đạt được tiến bộ đáng chú ý với năng lượng gió. Thái Lan đứng
thứ hai với 3 GW năng lượng mặt trời, trong khi Indonesia mới đạt chưa
tới 1 GW.
Theo tổ chức tham vấn McKinsey & Co., Đông Nam Á
hiện có đủ công suất hàng năm để sản xuất các mô-đun và bộ phận tạo ra
69GW điện mặt trời. Thái Lan, Việt Nam và Malaysia cùng nhau chiếm
khoảng 10% sản lượng mô-đun và pin mặt trời toàn cầu.
Tuy nhiên,
Đông Nam Á vẫn thiếu khả năng sản xuất polysilicon (silicon có độ tinh
khiết cao – 1 nguyên liệu chính trong sản xuất pin mặt trời) và các tấm
bao ngoài mỏng của thiết bị. Và khoảng cách về năng lực sản xuất này
đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư toàn cầu.
Công ty SEG
Solar có trụ sở tại California gần đây đã ký một thỏa thuận với nhà sản
xuất tấm wafer silicon hàng đầu Jiangsu Meike Solar Technology của Trung
Quốc để thành lập một cơ sở sản xuất thiết bị này ở Đông Nam Á. Bộ Đầu
tư Indonesia cho biết vào tháng 6 rằng SEG Solar sẽ hợp tác với công ty
địa phương ATW Solar Indonesia để xây dựng một nhà máy sản xuất mô-đun
và pin mặt trời trị giá 500 triệu USD ở Trung Java - nhà máy đầu tiên
thuộc loại này ở Indonesia.
Thúc đẩy nhu cầu hợp tác tại Đông Nam Á
Sự
hợp tác phát triển năng lượng sạch trong nội bộ khu vực cũng đang dần
được tăng cường. Vào tháng 3, Singapore và Indonesia đã ký một hiệp ước
tập trung vào hợp tác công nghiệp năng lượng xanh. Các chương trình hợp
tác bao gồm kế hoạch xây dựng một trang trại năng lượng mặt trời nổi với
công suất nhiều gigawatt ở Quần đảo Riau của Indonesia, cùng với các
nhà máy sản xuất mô-đun và pin mặt trời. Singapore cũng đã đạt được thỏa
thuận thương mại năng lượng sạch với Campuchia.
Có thể thấy các dự án hợp tác như vậy nên
được phát triển thêm nữa để nâng cao vai trò sản xuất năng lượng mặt
trời của ASEAN, trong đó cũng bao gồm hợp tác trao đổi công nghệ, tạo
thuận lợi cho đầu tư và mở rộng xuất khẩu sang các quốc gia và khu vực
khác, Nikkei Asia nhận định.
Tất cả các quốc gia thành viên ASEAN
đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hoặc 2060. Sản
xuất điện mặt trời đang bắt đầu cất cánh và nhiều nhà đầu tư toàn cầu
đang tìm cách đổ tiền vào các dự án trong khu vực.
Nhu cầu trong
khu vực đối với các mô-đun quang điện mặt trời (PV) sẽ tăng nhanh. Cơ
quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế ước tính rằng Đông Nam Á sẽ cần lắp đặt
240 GW năng lượng mặt trời vào năm 2030, trong khi mức hiện tại chỉ là
24 GW.
Để đảm bảo an toàn cho nguồn cung cấp pin mặt trời và
mô-đun PV, các quốc gia Đông Nam Á nên hợp tác với nhau để đưa khu vực
này trở thành một trung tâm sản xuất. Sự hợp tác trong ngành năng lượng
mặt trời có thể là một giải pháp phù hợp và kịp thời cho quá trình
chuyển đổi năng lượng của khu vực, Nikkei Asia đánh giá.
An Bình
Nguồn:https://toquoc.vn/dong-nam-a-huong-toi-nang-luong-mat-troi-viet-nam-o-vi-the-tien-phong-20230822090959176.htm