Nhà máy điện Mặt Trời nổi tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tạp chí East Asia Forum, với những quan ngại gia tăng trên toàn cầu về tình trạng biến đổi khí hậu và hạn chế carbon, khu vực Đông Nam Á có một cơ hội duy nhất để thúc đẩy nền kinh tế và dẫn đầu toàn cầu bằng cách xây dựng một lưới điện tiêu thụ carbon thấp trong khu vực.
Các nước ASEAN có thể kết hợp các nguồn năng lượng Mặt Trời to lớn với khả năng sản xuất tiên tiến để sản xuất xe điện và lưu trữ năng lượng pin, khiến khu vực này trở thành những ứng cử viên hàng đầu để dẫn đầu quá trình chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng sạch.
Sau Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhiều nước ASEAN đã điều chỉnh kế hoạch phát triển điện năng của mình để đưa vào các cam kết đầy tham vọng về khử carbon trong lĩnh vực sản xuất điện. Các nước ASEAN đã đồng lòng nhất trí tạo ra ít nhất 23% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2025.
Tiến độ đang diễn ra nhanh chóng - Việt Nam đã phê duyệt các dự án phong điện mới với tổng công suất hơn 11 gigawatt (GW) và Thái Lan cũng đang phát triển năng lượng Mặt Trời ngoài khơi công suất 2,7 GW.
Mặc dù đây là những bước đầu tiên quan trọng, nhưng chúng vẫn chưa đủ để tối đa hóa lợi ích tiềm năng của quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo. Để đạt được mục tiêu khử carbon trong toàn bộ hệ thống năng lượng, các nước ASEAN sẽ cần phối hợp với nhau, xây dựng lòng tin cũng như đối thoại.
Chiến lược Trung tâm năng lượng 4.0 mới của Thái Lan có tiềm năng mở rộng kết nối truyền tải điện khắp Đông Nam Á và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc buôn bán điện carbon thấp và hiệu quả hơn giữa các nước trong khu vực. Nhưng để triển khai một lưới điện ASEAN tích hợp hơn, thì việc dự báo và tín dụng tốt hơn cũng như phát triển các công nghệ mới là điều cần thiết.
Một nghiên cứu về khả năng sẵn sàng cho năng lượng tái tạo trên toàn khu vực nêu rõ những thách thức và cơ hội trong việc đạt được mạng lưới tích hợp năng lượng tái tạo giữa các quốc gia ASEAN. Dự báo năng lượng tái tạo tập trung và phân tích dữ liệu là rất quan trọng để tích hợp điện Mặt Trời và phong điện ở quy mô lớn nhưng nhiều quốc gia thiếu các dự báo cần thiết để đảm bảo vận hành lưới điện thông suốt.
Cải thiện các thị trường và các hệ thống là cần thiết do khả năng điều chuyển đa dạng từ Lào đến Singapore. Các quốc gia đang nhanh chóng mở rộng công suất - Việt Nam gần đây đã vượt qua Thái Lan, Philippines và Malaysia về tổng công suất lắp đặt năng lượng Mặt Trời.
Các khoản đầu tư phù hợp với các mục tiêu khử carbon này nhưng để đưa các công nghệ này vào hoạt động, cần phải có sự đầu tư phối hợp để tạo điều kiện cho các công nghệ như hệ thống lưu trữ, truyền tải, dự báo và tín dụng năng lượng.
Một rào cản là khu vực thiếu các trung tâm nghiên cứu siêu máy tính có thể dự báo và tối ưu hóa các hệ thống điện mới. Đầu tư, đào tạo và chia sẻ kiến thức toàn cầu có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi này.
Phát triển một hệ thống tín chỉ để xác minh và xác nhận điện carbon thấp có thể giúp phân biệt giữa các nhà máy nhiệt điện than đe dọa môi trường, phát triển đập thủy điện trên dòng chính và các nguồn điện carbon thấp lành tính hơn. Nó cũng có thể giúp thiết lập các mã và tiêu chuẩn lưới điện cho các quốc gia giúp tăng khả năng sử dụng điện tái tạo và giảm chi phí tích hợp.
Các quốc gia có lưới điện đang phát triển nhưng thiếu công suất truyền tải quy mô lớn có thể trao đổi điện carbon thấp với các quốc gia có nhu cầu lớn hơn. Một ví dụ là hiệp định thương mại về phong điện với tổng công suất 600 MW giữa Lào và Việt Nam.
Một hệ thống tín dụng phù hợp cũng có thể ngăn cản các dự án quy mô lớn như đập Pak Beng với công suất 912 MW, một dự án đe dọa sức khỏe dòng sông và ngăn cản việc sản xuất điện với chi phí thấp nhất từ năng lượng Mặt Trời và gió tham gia vào các hiệp định thương mại điện được đàm phán trước.
Hệ thống này có thể thưởng cho các dự án giảm lượng khí thải carbon. Ví dụ, thỏa thuận thương mại điện với công suất 100 MW của Lào-Thái Lan-Malaysia-Singapore - được thiết lập để bắt đầu vào năm 2022 - thể hiện một mô hình cho việc phát triển mở rộng mạng lưới điện toàn ASEAN hơn nữa, nhưng chỉ khi mức giảm carbon của nó được tính toán và xác nhận.
Nếu hydro xanh trở thành một phần của chiến lược loại bỏ nhiên liệu hóa thạch ở Đông Nam Á, việc xác minh cũng sẽ rất quan trọng đối với việc giám sát phát thải khí nhà kính liên quan đến sản xuất hydro xanh. Điều này có thể xảy ra dưới dạng các đánh giá vòng đời được tiêu chuẩn hóa và các quy trình chứng nhận tương tự như các quy trình được sử dụng để chứng nhận nhiên liệu sinh học về mức độ tương đương phát thải khí nhà kính của chúng.
Hydro xanh có thể giúp đẩy nhanh quá trình loại bỏ khí tự nhiên, được nhiều nước ASEAN nhập khẩu. Các quốc gia trong khu vực có thể sử dụng điện để xây dựng các công nghệ điện phân mới phục vụ nhu cầu năng lượng công nghiệp trong khi ngành điện của họ giảm lượng phát thải carbon. Điều này có thể cho phép sản xuất năng lượng nội địa hóa nhiều hơn trong khi xây dựng thêm cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo.
Trong khi việc tài trợ cho các nhà máy điện than mới ở Đông Nam Á vẫn chưa có khả năng xảy ra, tình hình kinh tế hiện nay đang thúc đẩy các nhà máy nhiệt điện than thay thế các nhà máy điện tái tạo trên lưới điện.
Để hấp thụ năng lượng tái tạo nhiều hơn, cần có nhiều quy hoạch hệ thống điện dựa trên nhu cầu thị trường hơn. Hạn chế sản lượng phát điện từ than hoặc đẩy nhanh việc ngừng sử dụng than sớm có thể thúc đẩy các mục tiêu về điện carbon thấp trên toàn khu vực nhưng điều này vẫn chưa được xem xét một cách nghiêm túc.
Từ quan điểm hoạch định kế hoạch quốc tế, hợp tác là chìa khóa để đạt được những mục tiêu này. Cần có sự phối hợp giữa các ngành để tránh các thảm họa sinh thái do phụ thuộc vào thủy điện và hậu quả là mất nguồn nước. Nâng cao năng lực lưu trữ năng lượng pin và sử dụng xe điện cũng có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Nhưng sự phối hợp về lưu trữ năng lượng và truyền tải hệ thống điện sẽ là điều cần thiết để phát triển mạng lưới điện carbon thấp trên khắp Đông Nam Á./.
https://bnews.vn/chia-khoa-phat-trien-nang-luong-xanh-o-khu-vuc-asean/248952.html