Chi phí thực sự của năng lượng gió và mặt trời

Hãy tưởng tượng nếu ngày mai có một chiếc ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời được tung ra thị trường, với chi phí vận hành rẻ hơn xe chạy bằng xăng. Nó sẽ vô cùng hấp dẫn cho đến khi bạn nhận ra rằng - do những giới hạn trong việc lưu trữ pin - ô tô sẽ không thể chạy vào ban đêm hoặc khi trời u ám. Nếu bạn mua loại ô tô này, bạn vẫn cần một chiếc xe xăng để dự phòng. Bạn sẽ phải trả tiền cho hai chiếc xe.

Hình minh họa


Đó chính xác là tình huống chúng ta phải đối mặt khi ứng dụng năng lượng tái tạo. Năng lượng gió và mặt trời chỉ tạo ra điện khi mặt trời chiếu sáng hoặc có gió thổi. Thời gian còn lại, điện năng của chúng vô cùng ít và cần có hệ thống dự phòng. Đây là lý do tại sao 2/3 nhu cầu điện toàn cầu được đáp ứng bằng nhiên liệu hóa thạch. Và đó là lý do tại sao chúng ta còn 100 năm nữa mới loại bỏ được nhiên liệu hóa thạch khỏi quá trình sản xuất điện.

Chúng ta đang ở giai đoạn khi các chính trị gia và ngành năng lượng xanh liên tục lặp lại điệp khúc rằng năng lượng gió và mặt trời là những nguồn điện rẻ nhất. Tuy nhiên, các chính phủ đang chi 1,8 nghìn tỷ USD mỗi năm cho quá trình chuyển đổi xanh - và chi phí thực sự của việc buộc người dân sử dụng năng lượng tái tạo thay vì nhiên liệu hóa thạch thậm chí còn cao hơn.

Thế giới cần nguồn năng lượng có tính liên tục. Năng lượng gió và mặt trời không thể đáp ứng điều đó, chúng gián đoạn và tiềm ẩn nhiều rủi ro về chi phí. Đây là một vấn đề tương đối đơn giản đối với các quốc gia giàu có, đã có sẵn các nhà máy điện hóa thạch làm dự phòng – mặc dù nó khiến giá điện trở nên đắt đỏ hơn, vì năng lượng tái tạo không liên tục khiến mọi thứ khác cũng trở nên gián đoạn.

Nhưng ở những quốc gia kém phát triển, tình trạng thiếu điện vẫn chưa được giải quyết, hạ tầng năng lượng nhiên liệu hóa thạch gần như không có. Các quốc gia giàu có đang tìm cách từ chối tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch, nguồn năng lượng vô cùng cần thiết ở các nước đang phát triển. Thay vào đó, họ nhấn mạnh rằng người dân phải đối phó với nguồn năng lượng xanh không đáng tin cậy, không thể cung cấp năng lượng cho máy bơm hoặc máy móc nông nghiệp có thể giúp thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Đối với các quốc gia công nghiệp mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Indonesia - sự phụ thuộc vào than đá là một thực tế không thể tránh khỏi. Năm ngoái, Trung Quốc nhận thêm nhiều điện từ than hơn là năng lượng gió và mặt trời. Ấn Độ có lượng điện nhiều gấp ba lần, trong khi Bangladesh có lượng điện than nhiều gấp 13 lần so với các nguồn năng lượng xanh và Indonesia có con số đáng kinh ngạc là gấp 90 lần. Mức độ tin cậy là yếu tố rất quan trọng - đặc biệt khi họ tập trung vào việc phát triển nền kinh tế và giúp hàng triệu người thoát nghèo.

Sai lệch về chi phí điện gió và mặt trời là có thể xảy ra vì thông thường, giá được niêm yết là giá khi có gió thổi hoặc mặt trời chiếu sáng. Trên cơ sở đó, chúng tương đối rẻ. Nhưng nếu bao gồm cả chi phí về độ tin cậy, thì mức giá sẽ bùng nổ - một nghiên cứu được bình duyệt cho thấy mức tăng đâu đó trong khoảng 11 đến 42 lần, khiến năng lượng mặt trời trở thành nguồn điện đắt đỏ nhất, tiếp đến là điện gió.

Công nghệ lưu trữ vẫn còn nhiều khuyết thiếu. Gần đây, các nhà khoa học đã khảo sát tại Mỹ và phát hiện rằng để đạt được 100% điện năng từ năng lượng mặt trời hoặc gió, chúng ta cần có khả năng lưu trữ lượng điện hàng năm tương đương gần ba tháng. Mỹ chỉ có bảy phút lưu trữ pin. Việc thu hẹp khoảng cách lưu trữ sẽ tiêu tốn gấp 5 lần toàn bộ GDP của Mỹ và bộ lưu trữ sẽ cần được thay thế sau mỗi 15 năm.

Cần lưu ý rằng số lượng công nghệ điện gió và mặt trời cần được thay thế đang ở mức đáng báo động. Hiện tại, một thị trấn nhỏ ở Texas đang tràn ngập hàng nghìn cánh tuabin gió khổng lồ không thể tái chế. Ở các nước nghèo trên khắp châu Phi, nhiều tấm pin mặt trời và pin của chúng đang bị vứt bỏ. Một nghiên cứu cho thấy, nếu tính đến chi phí tái chế và xử lý an toàn, riêng điều này đã làm tăng gấp đôi chi phí thực sự của năng lượng mặt trời.

Nếu năng lượng gió và mặt trời thực sự rẻ hơn nhiên liệu hóa thạch thì người nộp thuế sẽ không cần phải chi hàng tỷ đô la.

Nhưng sự thật là nếu thế giới muốn khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu, chúng ta sẽ cần đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển năng lượng có hàm lượng carbon dioxide thấp. Chỉ có sự thúc đẩy đáng kể trong nghiên cứu và phát triển mới có thể mang lại những đột phá công nghệ cần thiết trong việc giảm rác thải, cải thiện hiệu suất, lưu trữ pin cũng như các công nghệ khác như hạt nhân mô-đun - sẽ làm cho các nguồn năng lượng có hàm lượng carbon dioxide thấp rẻ hơn so với nhiên liệu hóa thạch.

Anh Thư

Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/chi-phi-thuc-su-cua-nang-luong-gio-va-mat-troi-713416.html