Châu Âu giải “bài toán” năng lượng

Cuộc xung đột quân sự tại Ukraine kéo theo các lệnh trừng phạt giữa Nga và phương Tây đã dẫn tới giá “vàng đen” tăng vọt và nguy cơ đứt gãy nguồn cung nhiên liệu. Nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, nhiều nước châu Âu đẩy nhanh việc đa dạng hóa nguồn cung và chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Đức tăng cường đầu tư cho ngành công nghiệp điện gió.

Tự chủ nguồn cung

Nhằm phản đối các hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine, Mỹ áp lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, trong khi Nhật Bản áp lệnh cấm nhập khẩu than đá. Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách giảm 2/3 sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga trong năm nay và chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Moskva vào năm 2027. Hiện các nước thành viên EU vẫn đang bất đồng về vấn đề cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga.

Theo báo New York Times, EU dự kiến áp đặt lệnh cấm nhập khẩu theo giai đoạn các sản phẩm dầu mỏ của Nga, tiến tới chấm dứt nhập khẩu năng lượng của Nga trước cuối thập kỷ này. Điều này sẽ cho phép các nước thành viên EU, đặc biệt là Đức, có thể tìm kiếm những nhà cung cấp khác. Báo New York Times nhận định các cuộc đàm phán giữa các nước thành viên EU về lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ sẽ được hoãn cho đến khi vòng cuối cùng cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra, nhằm bảo đảm rằng kết quả sự kiện này sẽ không bị tác động bởi các cuộc đàm phán.

Trong bối cảnh giao tranh vẫn tiếp diễn tại Ukraine, Đức đang chịu sức ép phải sớm ngừng nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga. Trước đó, Đức tuyên bố đã sẵn sàng giảm 50% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Nga từ mùa hè này và ngừng nhập khẩu than đá của Nga vào mùa thu. Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck cho rằng nước này nên bắt đầu tiết kiệm năng lượng ngay từ bây giờ và việc cắt giảm 10% lượng năng lượng tiêu thụ là có thể thực hiện được, nếu người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn và các doanh nghiệp tăng số lượng nhân viên làm việc tại nhà.

Để giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga, Mỹ và EU đã công bố thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Theo sáng kiến do Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố, hai bên sẽ thành lập một lực lượng đặc trách về an ninh năng lượng hỗ trợ EU đạt mục tiêu chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Cụ thể, trong năm nay, Mỹ sẽ cung cấp thêm cho EU 15 tỷ m3 LNG và đặt mục tiêu từ nay cho đến năm 2030, Washington cung cấp thêm cho liên minh này 50 tỷ m3 LNG/năm. Chủ tịch EC hy vọng việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng sẽ giúp khối vượt qua được cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Sản xuất nội địa chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu khí đốt của EU, trong khi khí đốt từ Nga chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ ở châu Âu. Đức, Italia và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này.

Italia cũng nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung khí đốt từ Bắc Phi. Công ty năng lượng quốc gia Eni của Italia đã ký thỏa thuận khung với Công ty cổ phần khí đốt tự nhiên Ai Cập cho phép Cairo xuất khẩu sang Italia và các nơi khác ở châu Âu khoảng 3 tỷ m3 LNG trong năm nay. Thủ tướng Italia Mario Draghi cũng vừa đến thăm Algeria để ký một thỏa thuận có thể khiến Rome tăng lượng mua khí đốt của nước này lên gần 50% trong vòng hai năm. Tại Hy Lạp, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cho biết nước này sẽ đẩy nhanh việc thực hiện các dự án khai thác khí tự nhiên nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga, đưa Athens trở thành một trung tâm năng lượng của châu Âu. 

Trong khi đó, để đối phó việc phương Tây giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu khí của Nga, Moskva tuyên bố sẽ chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang châu Á. Nga, nước chiếm khoảng 10% sản lượng dầu toàn cầu, đã và đang thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với nhiều nước châu Á nhằm đa dạng hóa điểm đến của năng lượng xuất khẩu, vượt ra khỏi các thị trường truyền thống ở châu Âu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh Nga cần bắt tay vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp cho xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt sang hướng Đông. Ông chỉ trích động thái của các nước châu Âu ngừng nhập khẩu năng lượng từ Nga có thể gây bất ổn thị trường và đẩy giá năng lượng tăng cao, tác động đến nền kinh tế toàn cầu.

Chuyển hướng sang năng lượng sạch


Sức ép từ việc phải bảo đảm an ninh năng lượng và tự chủ nguồn cung khiến các nước thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược chuyển đổi sang nguồn năng lượng tái tạo. Hãng dịch vụ dầu khí Rystad Energy đánh giá: “Việc tìm kiếm nguồn nhiên liệu hóa thạch từ các nhà cung cấp thay thế Nga chỉ là giải pháp tạm thời vì EU có mục tiêu rõ ràng là giảm sự phụ thuộc của khối vào nhiên liệu hóa thạch nói chung. Năng lượng xanh - thông qua năng lượng mặt trời và năng lượng gió, cùng với sáng kiến hydro và sáng kiến CCS (thu hồi và lưu trữ carbon) - sẽ là chìa khóa không chỉ để cải thiện an ninh năng lượng, mà còn thực hiện các mục tiêu chuyển đổi năng lượng của các nước thành viên EU”. Theo nhà phân tích Graham Price của Ngân hàng đầu tư Raymond James, các chính sách khí hậu tích cực sẽ khiến các công nghệ hydro xanh và nhiên liệu sinh học trở nên hấp dẫn hơn.

Rystad Energy nhận định các thị trường năng lượng đang lo ngại cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ làm “trật bánh” quá trình chuyển đổi năng lượng, song các dữ liệu mới nhất cho thấy chi tiêu cho năng lượng xanh sẽ tăng nhanh hơn so với nhiên liệu hóa thạch. Theo Rystad Energy, chi tiêu cho năng lượng mặt trời của thế giới trong năm nay sẽ tăng 64% lên 191,47 tỷ USD, trong khi chi tiêu cho năng lượng gió (các dự án được thực hiện trên đất liền) dự kiến tăng 24%, đạt 209 tỷ USD.

Đặc phái viên của Nhà trắng về khí hậu John Kerry cũng nhận định, cuộc xung đột ở Ukraine cho thấy đã đến lúc thế giới không thể chậm trễ trong việc chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch và độc lập. Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng, bà Kadri Simson cho biết Ủy ban châu Âu (EC) sẽ làm mọi điều cần thiết để xây dựng lại ngành công nghiệp sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời của châu Âu. Đây là một phần trong kế hoạch của EU nhằm nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

EC hy vọng 480 gigawatt (GW) điện gió và 420 GW điện mặt trời có thể thay thế cho 170 tỷ m3 khí đốt của Nga vào năm 2030. Theo Hiệp hội SolarPower Europe, với chính sách hỗ trợ đúng đắn, EU có thể đạt sản lượng 1.000 GW năng lượng tái tạo vào năm 2030, so với mức 165 GW hiện nay, nhưng trước hết phải vượt qua những rào cản ngắn hạn. Chủ tịch hiệp hội, ông Aristotelis Chantavas hối thúc EU cam kết sản xuất 45% sản lượng điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, tăng so với mục tiêu 40% ban đầu.

Chính phủ Đức đã thông qua kế hoạch sửa đổi luật lớn nhất trong nhiều thập kỷ nhằm đẩy nhanh việc mở rộng năng lượng tái tạo. Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck cho biết mục tiêu là trong vòng một thập kỷ tới, nước Đức sẽ tăng gần gấp đôi tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Tốc độ mở rộng năng lượng tái tạo trên biển và trong đất liền sẽ tăng gấp 3 lần. Với kế hoạch sửa đổi luật rất lớn này, chính phủ sẽ bảo đảm an ninh năng lượng và chủ quyền năng lượng cho nước Đức, đồng thời đặt nền móng để nước Đức sớm trở thành quốc gia trung hòa khí thải.

Không chỉ các nước EU mà cựu thành viên của “ngôi nhà chung châu Âu” là Anh cũng đẩy nhanh việc giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu tổng hợp 95% điện năng sạch vào năm 2030, Bộ trưởng Kinh doanh Anh Kwasi Kwarteng cho biết chính phủ nước này sẽ nới lỏng các quy định về điện gió nhằm giảm nguy cơ chịu tổn thương từ các thị trường hàng hóa biến động mạnh trong khi vẫn tuân thủ các mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050 của nước này. Chiến lược cũng bao gồm việc phát triển năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời và năng lượng gió ngoài khơi và dầu khí ở Biển Bắc.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc các nước châu Âu chuyển hướng sang năng lượng sạch là xu thế tất yếu để bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Đây cũng sẽ là xu thế của thế giới, như đánh giá của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres rằng thế giới sẽ không thể tồn tại nếu các chính phủ trên thế giới không đánh giá lại các chính sách năng lượng, giảm mạnh việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tăng cường sử dụng các nhiên liệu thay thế và tiết kiệm năng lượng.

ĐÔNG DƯƠNG

https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/chau-au-giai-bai-toan-nang-luong-693892/