Bản tin Năng lượng xanh: Châu Phi tìm đến năng lượng tái tạo để hạn chế sự nóng lên của Trái đất

Báo cáo tháng 4/2022 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) đã đưa tiềm năng năng lượng sạch rộng lớn của lục địa châu Phi trở thành tâm điểm, với thông tin từ các trang trại gió trên khắp đường bờ biển châu Phi đến các dự án địa nhiệt ở thung lũng Đông Phi. Báo cáo cho biết, nếu được thực hiện, các dự án năng lượng tái tạo này có thể làm giảm bớt những tác động khắc nghiệt nhất của hiện tượng nóng lên toàn cầu, cung cấp năng lượng cho sự phát triển kinh tế của lục địa và đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo.

Công nhân lắp đặt các tấm pin tại dự án quang điện mặt trời ở ngoại ô thành phố biển ở Vịnh Lamberts, Nam Phi. Ảnh: AP/Schalk van Zuydam.

Báo cáo khí hậu mới của Liên hợp quốc được đưa ra vào thời điểm hoạt động kinh doanh năng lượng tái tạo của châu Phi đang bùng nổ. Nhiều quốc gia châu Phi đang tăng cường nỗ lực áp dụng các con đường năng lượng tái tạo thay thế và thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, trong đó các quốc gia như Kenya, Tanzania, Morocco, Ai Cập, Ethiopia và Nam Phi đi đầu trong việc áp dụng năng lượng sạch trên quy mô lớn.

Yêu cầu chuyển đổi năng lượng lớn hơn nữa

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, việc giới hạn sự nóng lên ở mức 1,5 độ C hoặc 2 độ C, phù hợp với thỏa thuận khí hậu Paris năm 2016, sẽ liên quan đến sự chuyển đổi hệ thống năng lượng lớn hơn nữa. Tiềm năng năng lượng tái tạo trên khắp lục địa châu Phi vẫn chưa được khai thác. Châu Phi mới chỉ thu hút được 2%, 60 tỷ USD trong tổng số 2,8 nghìn tỷ USD đầu tư vào năng lượng tái tạo trên toàn thế giới trong hai thập kỷ qua và mới chiếm 3% công suất năng lượng tái tạo hiện tại của thế giới.

Điều đó có nghĩa là cần phải có nhiều sáng kiến năng lượng tái tạo hơn, tương tự như dự án Điện gió ở Hồ Turkana của Kenya, được khởi công năm 2019 và cung cấp 18% sản lượng năng lượng của Kenya. Giám đốc điều hành dự án Điện gió Hồ Turkana Phylip Leferink cho biết, mặc dù còn nhiều thách thức về mặt hậu cần, các dự án lớn như thế này có thể được nhân rộng ở châu Phi. “Đặc biệt là đường bờ biển châu Phi, từ Djibouti đến tận phía nam quanh Nam Phi và ngược lên phía bắc đến Cameroon, có tiềm năng gió tốt và chắc chắn đảm bảo cho các sáng kiến trong vấn đề này.”

Tác giả báo cáo, kiêm chuyên gia năng lượng Yamina Saheb nhấn mạnh những sáng kiến năng lượng tái tạo này là một bước đi đúng hướng. Các nguồn năng lượng tái tạo sẽ là một chiến lược giảm thiểu biến đổi khí hậu quan trọng đối với châu Phi, mang lại cho người dân các tiêu chuẩn sống tốt bằng cách phát triển cơ sở hạ tầng và các tòa nhà không yêu cầu các giải pháp sử dụng nhiều carbon. Toàn bộ lục địa có thể sử dụng năng lượng mặt trời bao gồm PV (quang điện) và nhiệt mặt trời và một số quốc gia cũng có thể sử dụng gió.


Dự án điện mặt trời tại Ouarzazate, Morocco. Ảnh: AP/Abdeljalil Bounhar.

Các sáng kiến năng lượng mặt trời, như khu phức hợp Noor Ouarzazate ở Maroc, công viên năng lượng mặt trời Benban ở Ai Cập và công viên năng lượng mặt trời Redstone của Nam Phi đã mọc lên khắp lục địa. 4 quốc gia đã thu hút 75% tổng số dòng vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo trong khu vực.

Báo cáo cho biết châu Phi có khả năng dẫn đầu thế giới về các sáng kiến năng lượng mặt trời nhiều hơn nữa, với tiềm năng quang điện mặt trời lên tới 7900 gigawatt. Các kế hoạch cũng đang được tiến hành để khám phá tiềm năng về năng lượng địa nhiệt trong hệ thống thung lũng phía đông châu Phi và các quốc gia rải rác quanh lục địa, như Angola, Sudan và Zambia, đang đầu tư vào gió và thủy điện.

Việc chuyển đổi sang năng lượng sạch hấp dẫn về mặt kinh tế

Báo cáo của IPCC cho biết việc chuyển đổi sang năng lượng sạch cũng “hấp dẫn về mặt kinh tế”. Liên hợp quốc ước tính rằng việc tiếp tục sử dụng năng lượng tái tạo của châu Phi sẽ tạo ra hơn 12 triệu việc làm mới. Trung Quốc là nước cho vay lớn nhất trong các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo của Châu Phi, tiếp theo là Ngân hàng Phát triển Châu Phi, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Khí hậu Xanh.

53 quốc gia châu Phi đã nộp các khoản đóng góp tự nguyện do quốc gia xác định theo thỏa thuận khí hậu Paris, trong đó nêu chi tiết các kế hoạch năng lượng và vạch ra các mục tiêu để hạn chế phát thải. 40 quốc gia châu Phi đã đề ra các mục tiêu về năng lượng tái tạo.

Báo cáo IPCC nhấn mạnh hành động vì khí hậu là một thành phần quan trọng trong việc đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững./.

Thanh Bình

https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ban-tin-nang-luong-xanh-chau-phi-tim-den-nang-luong-tai-tao-de-han-che-su-nong-len-cua-trai-dat-647727.html