Tính đến đầu năm 2023, trên thế giới đã có hơn 40 quốc gia ban hành Chiến lược quốc gia về hydrogen cùng các chính sách hỗ trợ về tài chính lớn nhằm hình thành và phát triển ngành công nghiệp hydrogen.
Trước
xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu, cũng như những cam kết của
Việt Nam tại Hội nghị COP26 về lộ trình giảm phát thải chống biến đổi
khí hậu đến năm 2050, việc chuyển dịch năng lượng từ nhiên liệu có mức
độ phát thải carbon lớn (nhiên liệu hóa thạch,…) sang các nguồn nhiên
liệu sạch là vấn đề tất yếu đối với Việt Nam trong giai đoạn tới. Trong
bối cảnh đó, phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng
quốc gia, hydrogen đang được xem là nguồn năng lượng ưu tiên phát triển
nhằm thay thế cho các nguồn nhiên liệu hóa thạch và dự báo sẽ chiếm tỷ
lệ đáng kể trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam trong tương lai.
Trên
thế giới, hydrogen đã được xem là nguồn năng lượng sạch, không thể
thiếu trong cơ cấu năng lượng của nhiều quốc gia để thực hiện mục tiêu
trung hòa các-bon vào năm 2050. Tính đến đầu năm 2023, đã có hơn 40 quốc
gia ban hành Chiến lược quốc gia về hydrogen cùng các chính sách hỗ trợ
về tài chính lớn nhằm hình thành và phát triển ngành công nghiệp
hydrogen. Các quốc gia điển hình và đi đầu như EU, Đức, Đan Mạch, Hà
Lan, Úc, Canada, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản. EU tập trung phát triển
hydrogen xanh và đặt mục tiêu đạt 13-14% là hydrogen trong cơ cấu năng
lượng vào năm 2050. Nhật Bản và Hàn Quốc phát triển hydrogen sạch, bao
gồm cả hydrogen xanh và hydrogen lam, với mục tiêu đạt lần lượt là 10%
và 33% cơ cấu năng lượng quốc gia vào năm 2050. Mới đây, Hoa Kỳ đã công
bố chiến lược phát triển hydrogen với mục tiêu đạt 10 triệu tấn hydrogen
sạch/năm vào năm 2030 để loại bỏ các-bon trong các lĩnh vực sản xuất
amoniac và lọc dầu, và tăng lên 50 triệu tấn/năm để mở rộng phạm vi ứng
dụng hydrogen vào năm 2050.
(Ảnh minh họa)
Đối
với Việt Nam, việc phát triển năng lượng hydrogen đã có trong Nghị
quyết 55-NQ/TW/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc
gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể là thực
hiện nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và
khuyến khích sử dụng năng lượng hydrogen phù hợp với xu thế chung của
thế giới. Tại Hội nghị thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu toàn cầu
COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết Việt Nam cùng với các quốc gia
khác trên thế giới, sẽ hướng tới nền kinh tế không phát thải carbon vào
năm 2050. Theo đó, tại Quyết định 896/QĐ-TTg (tháng 7/2022) của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai
đoạn đến năm 2050, sản xuất và sử dụng hydrogen được xem là giải pháp để
giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực năng lượng với định hướng từng
bước sử dụng hydrogen thay thế than trong công nghiệp luyện kim, trong
các ngành dịch vụ, thương mại.
Sử
dụng hydrogen thay thế coke trong luyện thép “xanh” từ năm 2035. Tăng
dần tỷ lệ phương tiện giao thông điện, hydrogen. Phát triển ngành công
nghiệp sử dụng năng lượng sạch, sản xuất và lưu hành phương tiện giao
thông sử dụng điện, hydrogen. 14 Định hướng phát triển lĩnh vực hydrogen
gần đây đã được nhấn mạnh trong Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc
gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định
893/QĐ-TTg/2023) và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 -
2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, lĩnh vực điện gió ngoài khơi sẽ
được đẩy mạnh phát triển, kết hợp với các loại hình năng lượng tạo khác
(điện mặt trời, điện gió trên bờ) để sản xuất năng lượng mới (hydrogen,
ammoniac xanh) để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Các
nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu
trong nước và xuất khẩu cho phép phát triển không giới hạn trên cơ sở
bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh
tế cao, trở thành một ngành kinh tế mới của đất nước. Ngoài ra, Quy
hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia cũng đưa ra định hướng phát triển
lĩnh vực nhiên liệu sinh học, hydrogen và các nhiên liệu tổng hợp có
nguồn gốc từ hydrogen sử dụng trong sản xuất điện, giao thông vận tải
(đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không), công nghiệp (thép
xanh, hóa chất, lọc hóa dầu), tòa nhà dân dụng và thương mại (nhiệt)
nhằm góp phần đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng và từng bước phi carbon
hóa nền kinh tế. Nhu cầu sử dụng hydrogen và các sản phẩm gốc hydrogen
cũng được xem xét, tính toán trong kịch bản phát triển tổng thể năng
lượng Việt Nam. Do đó, việc nghiên cứu xây dựng Chiến lược sản xuất năng
lượng hydrogen là vấn đề cần thiết triển khai nhằm đưa ra định hướng,
lộ trình phát triển năng lượng hydrogen trong tương lai, đảm bảo phù hợp
với lộ trình phát triển năng lượng quốc gia và điều kiện kinh tế - xã
hội tại Việt Nam.
Được
biết, Bộ Công Thương đã soạn thảo và đang tổ chức lấy ý kiến từ các cơ
quan, đơn vị, các tổ chức về dự thảo Chiến lược về sản xuất năng lượng
hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hải Yến
Nguồn:https://thiennhienmoitruong.vn/nang-luong-hydrogen-quan-trong-the-nao.html