Xung đột phát triển giữa du lịch và điện gió tại Bình Thuận

Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đang có ý kiến không thống nhất quan điểm về quy hoạch phát triển điện gió và du lịch.

Việc này, khởi phát từ văn bản của một nhà đầu tư bất động sản du lịch gửi tỉnh Bình Thuận, kiến nghị xem xét tháo gỡ chồng lấn quy hoạch điện gió với quy hoạch phát triển du lịch (tại khu vực xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình).

Doanh nghiệp này cho biết đã đầu tư hàng tỷ USD vào nhiều dự án bất động sản du lịch tại Bình Thuận.

Qua khảo sát thực tế, doanh nghiệp nhận thấy tại khu vực xã Hòa Thắng (huyện Bắc Bình) rất tiềm năng để phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, vị trí này sẽ tập trung rất nhiều dự án điện gió, các dự án này đều nằm sát gần biển, là khu vực đã được Chính phủ quy hoạch vào khu du lịch quốc gia Mũi Né.

Có dự án chỉ cách biển chừng 3km, thậm chí các dự án điện gió chỉ cách đường ĐT.716B vài trăm mét, xung quanh là các khu dân cư, khu du lịch Bàu Trắng và một số dự án du lịch nghỉ dưỡng đã, đang và sắp triển khai...

Tuabin gió của các dự án này thường đặt ở nơi có không gian rộng rãi, thoáng đãng và có độ cao có thể trên 100m, vì vậy khi được lắp đặt sẽ phá vỡ cảnh quan tự nhiên gây tiếng rít, sóng điện từ. 

Doanh nghiệp này cho biết đang gặp khó khăn và có nguy cơ dự án sẽ không triển khai được do quy hoạch cũ không còn phù hợp, do chồng lấn giữa các quy hoạch ngành, trong đó có quy hoạch năng lượng điện gió sẽ phá vỡ môi trường du lịch.

Do vậy, doanh nghiệp kiến nghị xem xét có giải pháp tháo gỡ chồng lấn, xung đột giữa quy hoạch điện gió với quy hoạch du lịch, xác định thứ tự ưu tiên theo hướng điều chỉnh quy hoạch đưa các dự án điện gió ra nơi khu vực đất hoang hóa; cách xa các khu dân cư, đường giao thông và các dự án du lịch nghỉ dưỡng, đồng thời không bổ sung quy hoạch điện gió ở trong và lân cận khu vực quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mũi Né.

Đồng thời, nhà đầu tư này cũng mong muốn các bộ, ban ngành và tỉnh Bình Thuận xem xét cho tạm dừng các dự án điện gió cho đến khi quy hoạch mới được phê duyệt.


Các dự án bất động sản du lịch tỷ USD ở Bình Thuận sẽ đóng góp rất lớn vào kinh tế du lịch dịch vụ của Bình Thuận và các tỉnh thành lân cận. Ảnh Nguyễn Minh Tú

Trước kiến nghị trên, Sở Văn hóa thể thao và du lịch Bình Thuận vừa có ý kiến cụ thể về dự thảo công văn liên quan của Sở Công thương (trước khi báo cáo UBND tỉnh).

Theo sở này đánh giá, Sở Công thương chưa nên đề cập cụ thể đến vấn đề chồng lấn giữa quy hoạch phát du lịch và quy hoạch điện gió. Lý do bởi Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (hồi tháng 12/2018); Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cũng đã công nhận khu du lịch quốc gia Mũi Né vào tháng 8/2020.

Để cụ thể hóa các quyết định trên, Sở Văn hoá thể thao và du lịch đã tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. 

Các công việc tiếp theo, sở đang tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện, do vậy việc xác định ranh giới sẽ được xác định cụ thể sau khi quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Mũi Né mới được phê duyệt.

Từ kiến nghị của nhà đầu tư (nội dung chủ yếu là việc đi vào khai thác các dự án điện gió tại khu vực Hòa Thắng – Hòa Phú có khả năng phá vỡ cảnh quan, môi trường du lịch tại khu du lịch quốc gia Mũi Né), trên cơ sở rà soát các dự án điện gió tại khu vực trên; sở này nhận thấy 2 khu vực có khả năng ảnh hưởng gồm: khu vực bao quanh thắng cảnh quốc gia Đồi cát Trinh Nữ - hồ Bàu Trắng và khu vực dự án điện gió Thuận Nhiên Phong (dưới chân núi Hòn Hồng) trên đường vào dự án du lịch sinh thái Deverton. Do vậy, sở đề nghị Sở Công thương rà soát lại để bổ sung vào dự thảo nội dung báo cáo UBND tỉnh.

Tuy nhiên, Sở Công thương Bình Thuận lại cho rằng, việc đánh giá phát triển dự án điện gió tại các khu vực quy hoạch điện gió (đã được Thủ tướng, Bộ Công thương phê duyệt) có ảnh hưởng, tác động hay không đến việc phát triển các dự án du lịch tại khu du lịch quốc gia Mũi Né cần phải dựa trên các cơ sở về pháp lý, quy hoạch, về định hướng, chủ trương phát triển điện gió trước đây và hiện nay của tỉnh, cũng như cần làm rõ việc có hay không chồng lấn ranh giới giữa quy hoạch điện gió và quy hoạch khu du lịch quốc gia Mũi Né.

Cần xác định cơ sở khoa học cụ thể về tác động của hoạt động điện gió ảnh hưởng đến du lịch là ảnh hưởng về mặt nào (quy mô diện tích, tính an toàn của hoạt động điện gió, với an toàn hoạt động của du lịch xung quanh, hay tâm lý của du khách có quan ngại đến các khu vực điện gió,…) và kinh nghiệm của các nước, khu vực trong nước đối với mối quan hệ tương tác của hai hoạt động này là cản trở hay tương hỗ, cùng nhau phát triển. 

Trên cơ sở đó mới có thể đề xuất giải pháp đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hài hòa với sự phát triển điện gió, du lịch, các ngành kinh tế khác,...

Sở Công thương khẳng định: các dự án điện gió tại khu vực Hòa Thắng – Hòa Phú không chồng lấn các dự án du lịch tại khu du lịch quốc gia Mũi Né. Đồng thời, theo sở này, ý kiến cho rằng việc khai thác các dự án điện gió có khả năng phá vỡ cảnh quan, môi trường du lịch tại khu du lịch quốc gia Mũi Né là ý kiến chủ quan, thiếu cơ sở pháp lý, khoa học.

Hiện nay, tại khu vực Hòa Thắng – Hòa Phú lân cận với khu du lịch quốc gia Mũi Né đã có 2 dự án điện gió hoàn thành là Thiện Nghiệp (40MW - Công ty CP Đầu tư phát triển Đại Phong), Hồng Phong 1 (40MW - Công ty CP Điện gió Hồng Phong 1).

4 dự án đang thi công và đã gửi hồ sơ đăng ký vận hành thử nghiệm COD cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dự kiến hoàn thành từ cuối tháng 10/2021 đến đầu năm 2022, gồm: điện gió Thái Hòa (90MW - Công ty CP Năng lượng Pacific - Bình Thuận), Hòa Thắng 1.2 (100MW - Công ty CP Năng lượng Hòa Thắng), Thuận Nhiên Phong (30,4MW - Công ty TNHH Điện gió Thuận Nhiên Phong 1), Hòa Thắng 2.2 (20MW - Công ty CP Win Energy).

Sở Công thương nhấn mạnh: các dự án trên được phê duyệt quy hoạch và triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư hợp pháp, đúng quy định trước khi có Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mũi Né. Trong quá trình tham mưu UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư, Sở Kế hoạch và đầu tư đều lấy ý kiến các sở, ngành và địa phương liên quan. Do vậy, hiện nay không thể điều chỉnh quy hoạch, dừng triển khai đầu tư, đưa dự án điện gió ra khu vực khác như ý kiến đề nghị của nhà đầu tư.

Ngoài ra, ngoài các khu vực đã nằm trong quy hoạch điện gió đã được phê duyệt (tháng 8/2012), đến nay tỉnh Bình Thuận không quy hoạch bổ sung dự án nào. Do đó, về kiến nghị của nhà đầu tư, Sở Công thương nêu rõ quan điểm (tới UBND tỉnh) như sau: Trước mắt, tập trung đầu tư phát triển các dự án điện gió trên đất liền được Thủ tướng và Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch. Trong thời gian tới, sau khi Chính phủ và các bộ, ngành trung ương ban hành các cơ chế, quy định về điện gió ngoài khơi và phê duyệt quy hoạch, tỉnh sẽ đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi.

Các dự án điện gió hiện đang triển khai đúng quy định pháp luật, đã được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch từ năm 2012, đến nay hoàn toàn nằm ngoài khu vực quy hoạch khu du lịch quốc gia Mũi Né vừa được Chính phủ phê duyệt (ngoại trừ dự án Thuận Nhiên Phong đã được tỉnh cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2009). Các khu vực quy hoạch các dự án điện gió không chồng lấn với quy hoạch du lịch cũng như sẽ không ảnh hưởng, xung đột mâu thuẫn lẫn nhau.

Mặt khác, ưu điểm của điện gió là chiếm rất ít đất với công nghệ tuabin gió công suất ngày càng cao hơn, tiếng ồn ngày càng giảm hơn do công nghệ vật liệu cách âm nên sự ảnh hưởng của điện gió với cảnh quan, môi trường xung quanh hầu như không đáng kể và ngày càng được cải thiện. Ngoài ra, một số địa phương trong nước hiện nay (như Bạc Liêu), dự án điện gió cũng là một điểm đến du lịch đang được khai thác tốt.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển được duyệt, khu du lịch quốc gia Mũi Né có vị trí nằm trên dải đất ven biển từ xã Hòa Phú (huyện Tuy Phong) đến hết ranh giới phường Phú Hài (thành phố Phan Thiết), tỉnh Bình Thuận.

Diện tích khu du lịch khoảng 14.760ha (trong đó diện tích vùng lõi tập trung phát triển, hình thành các khu chức năng du lịch là khoảng 1.000ha) và ranh giới được xác định như sau: Phía Bắc giới hạn bởi tuyến đường Võ Nguyên Giáp và các tuyến đường tỉnh 715, 716 và 716B; phía Đông giáp sông Lũy và biển Đông; phía Tây dọc theo ranh giới hành chính phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết; phía Nam giáp biển Đông.

 

https://theleader.vn/xung-dot-phat-trien-giua-du-lich-va-dien-gio-tai-binh-thuan-1631203602599.htm