Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn ở châu Á
Phát biểu chỉ đạo diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà bày
tỏ, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp,
việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Nga có ý nghĩa rất quan trọng.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, ông và Phó Thủ tướng Nga Dmitry
Chernysheno đã có buổi làm việc vào sáng nay. “Chúng tôi đánh giá, trong
bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, biến động, nhưng dòng chảy hợp tác
Việt - Nga vẫn luôn mạnh mẽ, bất chấp dịch bệnh và khó khăn của từng
quốc gia”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, những kết quả, thành tựu về
kinh tế giữa hai nước đã đạt được vẫn còn nhỏ bé, khiêm tốn so với tình
hữu nghị và tiềm năng của hai quốc gia.
Do vậy, trên tinh thần xây dựng, trí tuệ, tâm huyết, lãnh đạo Chính
phủ hai nước Việt - Nga đã đề xuất nhiều nội dung quan trọng, nhiều ý
tưởng mới, dự án mới; không chỉ hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, thương
mại, khoa học kỹ thuật mà còn mở rộng hợp tác trên lĩnh vực văn hoá,
giáo dục, ngôn ngữ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, vũ trụ, hạt nhân,
năng lượng mới và chuyển đổi số.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Việt Nam đang trong quá trình phục
hồi và phát triển kinh tế, nhưng năm 2022, Việt Nam vẫn lọt top đầu về
tăng trưởng kinh tế, là một trong 20 quốc gia xuất nhập khẩu lớn nhất
toàn cầu; đồng thời cũng là quốc gia huy động đầu tư của quốc tế vào
Việt Nam rất lớn.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có môi trường pháp lý ổn định,
tuân thủ các chế định quốc tế, có chủ trương nhất quán, trân trọng, thuỷ
chung với anh em và bạn bè quốc tế.
“Trong thời gian tới, để thúc đẩy hợp tác hơn nữa, không chỉ dừng lại
trong lĩnh vực thương mại, kinh tế mà cần phải xây dựng hệ sinh thái
kết nối với nhau, tạo ra tương lai lâu dài”, Phó Thủ tướng cho hay.
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernysheno bày tỏ sự nể phục với thành tựu
về kinh tế của Việt Nam khi Việt Nam là thành viên tích cực của nhiều tổ
chức kinh tế, thương mại thế giới; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt
gần 800 tỷ USD vào năm 2022, là điểm đến đầu tư hấp dẫn ở châu Á.
Đặc biệt, hai quốc gia có quan hệ hữu hảo rất nhiều năm, là bạn đồng
hành cùng nhau trên nhiều lĩnh vực trên tinh thần hỗ trợ lẫn nhau, hợp
tác và bình đẳng.
“Với nước Nga, Việt Nam là đối tác rất quan trọng, là đối tác đầu
tiên và duy nhất trong khu vực khi ký kết Hiệp định Thương mại tự do
Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á - Âu. Trong thời gian tới, nước Nga chúng
tôi sẽ tiếp tục hơp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực khoa học kỹ
thuật, giáo dục, thể thao,
kỹ thuật số, logistics, năng lượng… Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ các giải
pháp của mình với doanh nghiệp Việt trên các lĩnh vực này”, Phó Thủ
tướng Nga Dmitry Chernysheno khẳng định.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga: Cơ hội hợp tác mới và các lĩnh vực tiềm năng
Việt Nam muốn Nga hợp tác phát triển NLTT và truyền tải
Liên quan đến vấn đề phát triển năng lượng, tại phiên chuyên đề, ông
Lê Việt Cường, Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương) cho hay,
Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm
2050 và các cam kết nỗ lực đảm bảo giữ nhiệt độ trái đất… Các cam kết
này đã được thống nhất trong các chủ trương, luật và các chiến lược phát
triển của Việt Nam. Do đó, ngành năng lượng có vai trò đặc biệt quan
trọng trong việc thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu.
Theo ông Cường, những giải pháp được Việt Nam tập trung là: Phát
triển năng lượng tái tạo (NLTT), năng lượng mới; sử dụng năng lượng tiết
kiệm và hiệu quả; giảm phát thải trong quá trình sử dụng năng lượng hoá
thạch; phát triển nguồn điện có phát thải carbon thấp.
Với các giải pháp trên, ông Cường mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp Nga trong 2 lĩnh vực.
Một là trong phát triển NLTT, ông Cường gợi ý, tham gia hợp tác làm
sao để giúp nâng cao giá trị chuỗi cung ứng của Việt Nam. Đặc biệt là
lĩnh vực điện gió và điện gió ngoài khơi.
Lĩnh lực tiếp theo là truyền tải điện. Lãnh đạo Viện năng lượng mong
muốn hợp tác với Nga để phát triển truyền tải điện một chiều.
Tính đến nay, Việt Nam đứng đầu ASEAN về quy mô công suất nguồn điện,
trong đó các nguồn năng lượng tái tạo có tổng công suất lắp đặt là
20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống (76.620 MW);
tổng sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo đạt 31.508 tỷ kWh, chiếm
12,27% tổng sản lượng toàn hệ thống.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa có chuỗi cung ứng cho lĩnh vực NLTT. Điều
này khiến cho các nhà đầu tư gặp không ít khó khăn từ khâu đầu tư đến
vận hành do phụ thuộc phần lớn vào nước ngoài. 85 nhà đầu tư điện gió,
mặt trời "mắc cạn" do không kịp giá ưu đãi FIT một phần cũng xuất phát
từ nguyên nhân này.