Tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam rất lớn, nên cần quan tâm xây
dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư thúc đẩy sản xuất trong nước
chuỗi sản xuất – cung ứng thiết bị nhằm phục vụ các dự án điện gió ngoài
khơi và xuất khẩu trong khu vực…
Sáng ngày 12/5/2023, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ
và Môi trường Quốc hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng Khoa học Tạp chí
Năng lượng Việt Nam tổ chức Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ
Ba), với chủ đề “Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió tại Việt Nam”.
TS
Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Quốc hội: Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn
nhất Đông Nam Á nên cần tận dụng tối đa và hiệu quả tiềm năng đó
Phát
biểu khai mạc Diễn đàn, TS Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học,
Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho hay: Là một trong 6 nước trên thế
giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang
tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc
tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó
khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của
nhân loại. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung
của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết sẽ
xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ
bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng
đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Trên
cơ sở các cam kết tại COP26, Chính phủ Việt Nam và Nhóm các Đối tác
quốc tế đã chính thức thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối
tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế (JETP). Để
đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo,
nâng cao hiệu suất năng lượng và chú trọng chuyển đổi năng lượng với một
lộ trình phù hợp, vừa bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó với
biến đổi khí hậu, nhưng giảm tối đa gánh nặng chi phí, nâng cao năng
suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề
xã hội.
Chính phủ đang chỉ đạo
hoàn thiện dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ
2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Theo đó, đề xuất
phát triển mạnh điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi; phát triển
nhiệt điện khí dùng khí trong nước (chuỗi khí - điện Lô B, Cá Voi Xanh),
thay thế dần nhiệt điện than, giảm phát thải khí nhà kính.
Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) thực hiện công tác lắp đặt cáp ngầm cho dự án điện gió Tân Thuận
Việt
Nam được đánh giá là có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam
Á nên cần tận dụng tối đa và hiệu quả tiềm năng đó. Một dự án điện gió
ngoài khơi cần 6 - 7 năm (từ khi khảo sát đến lúc xây dựng xong). Dự án
cần có cơ sở hạ tầng gần nhất để phục vụ cho việc khảo sát, xây dựng
lưới truyền tải, và vận hành, bảo dưỡng. Mặc dù các thiết bị chính phải
nhập khẩu, những thiết bị phụ trợ Việt Nam có thể sản xuất được. Việt
Nam cần sẵn sàng tham gia sâu được vào chuỗi cung ứng cho điện gió đầy
tiềm năng.
Để tăng thêm nguồn
điện nền, cân bằng và khai thác hiệu quả nguồn điện rất lớn từ năng
lượng tái tạo, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần phát triển
từ 14.900 - 22.400 MW điện khí LNG nhập khẩu vào năm 2030 và có thể
tăng lên đến 32.400 MW vào năm 2035. Chúng ta cần có cơ sở hạ tầng để
nhập khẩu và lưu trữ một lượng khí LNG đủ cho các nhà máy điện vận hành
ổn định và có thể ký hợp đồng mua khí LNG dài hạn. Hạ tầng điện khí gồm
các khâu thượng, trung và hạ nguồn, nhất là điện LNG là “chuỗi nhiên
liệu” phức tạp, bao gồm cảng - kho - hệ thống tái hóa khí - đường ống -
nhà máy điện. Cuối cùng là cơ chế giá và sự huy động phát điện để đảm
bảo hiệu quả chuỗi dự án.
Ông
Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương):
Cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khung chính sách cũng như cơ chế
quản lý nhà nước đối với ngành năng lượng cho phù hợp với tình hình mới
Từ
thực tế phát triển điện gió, điện khí thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục
Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Phạm Quang Huy cho rằng, hiện việc
đàm phán hợp đồng mua bán điện còn khó khăn do các nhà máy đều mong muốn
tỷ lệ cam kết sản lượng hợp đồng cao, để quản lý rủi rõ ít được huy
động trên thị trường điện khi giá khí liên tục tăng cao.
Việc
đàm phán sản lượng điện hợp đồng không đủ cao dẫn tới khó có khả năng
vay vốn để thực hiện dự án và thu hồi chi phí cho chủ đầu tư. Ngoài ra,
việc giảm thiểu rủi ro về giá của nhiên liệu khí có thể thực hiện bằng
cách mua khí theo hợp đồng dài hạn. Tuy nhiên, luôn đi kèm với ràng buộc
về sản lượng, trở thành một trong những vướng mắc ảnh hưởng tới việc
đầu tư các nhà máy điện khí trong giai đoạn vừa qua.
“Để
hướng tới mục tiêu thu hút thêm sự tham gia ngày càng nhiều của khu vực
tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ năng lượng,
cũng như tận dụng được nguồn tài nguyên quốc gia và đảm bảo cân bằng an
toàn vận hành hệ thống, điều cần thiết là tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện
khung chính sách cũng như cơ chế quản lý nhà nước đối với ngành năng
lượng cho phù hợp với tình hình mới” - ông Phạm Quang Huy chỉ ra.
Tại
diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi, làm rõ thêm
các cơ hội phát triển, các vấn đề nổi cộm, các thiết bị, công nghệ tiên
tiến phù hợp, nêu bật giải pháp trong các lĩnh vực này, tập trung vào
các vấn đề giải quyết các vướng mắc, bất cập để tiếp tục phát triển điện
khí và điện gió theo quy hoạch, là căn cứ khoa học để đề nghị các cấp
thẩm quyền sớm ban hành các chính sách, pháp luật phù hợp, thực thi hiệu
quả nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện các cam kết
quốc tế về ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Toàn cảnh Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ Ba)
Các
ý kiến thảo luận đều thống nhất cho rằng điện khí được coi là không thể
thiếu trong quá trình chuyển dịch năng lượng sang ít phát thải carbon
và đã được khẳng định tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược
phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm
2045: “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho nhập khẩu và tiêu thụ LNG”
và “Tập trung phát triển nhiệt điện LNG, từng bước đưa các dự án điện
LNG trở thành nguồn cung cấp điện quan trọng, hỗ trợ điều độ hệ thống
điện”. Sự linh hoạt về công suất của điện khí hết sức cần thiết trong
bối cảnh tỷ lệ công suất điện NLTT gia tăng. Tuy nhiên, giá điện khí LNG
khá cao và phụ thuộc vào sự biến động của thị trường thế giới (như đã
thấy trong năm 2022).
Việt Nam
cần có cơ sở hạ tầng để nhập khẩu và lưu trữ một lượng khí LNG đủ cho
các nhà máy điện vận hành ổn định và có thể ký hợp đồng mua khí LNG dài
hạn. Chỉ có hợp đồng mua dài hạn mới có thể tránh được các rủi ro về giá
cả do các xung đột địa chính trị trên thế giới gây ra. Hạ tầng điện khí
gồm các khâu thượng, trung và hạ nguồn, nhất là điện LNG là “chuỗi
nhiên liệu” phức tạp, bao gồm cảng - kho - hệ thống tái hóa khí - đường
ống - nhà máy điện. Cuối cùng là cơ chế giá và sự huy động phát điện để
đảm bảo hiệu quả chuỗi dự án…
Đối
với điện gió, các giải pháp tháo gỡ cần phải từ cả hai phía: Cả Nhà
nước cũng như các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu kỹ
khi chuẩn bị đầu tư về các quy định về dự án trong quy hoạch; địa điểm
phù hợp; mức độ thuận lợi khi cần thiết có hạ tầng lưới điện truyền tải;
khả năng tài chính, nguồn vốn vay; khả năng huy động nguồn lực về công
nghệ, thiết bị... để tránh các rủi ro phát sinh. Tiềm năng điện gió
ngoài khơi rất lớn, nên cần quan tâm xây dựng cơ chế chính sách thu hút
đầu tư thúc đẩy sản xuất trong nước chuỗi sản xuất – cung ứng thiết bị
nhằm phục vụ các dự án điện gió ngoài khơi và xuất khẩu trong khu vực…
Phát
biểu kết luận Diễn đàn, TS Tạ Đình Thi đánh giá cao các nội dung được
các đại biểu trao đổi, thảo luận tại diễn đàn, là những ý kiến tâm
huyết, được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, khoa học đối với vấn đề hết sức
quan trọng trong phát triển năng lượng là hạ tầng điện khí và điện gió
tại Việt Nam. Các tham luận đã nêu vướng mắc về quy định pháp luật, cũng
như các rào cản, thách thức trong triển khai phát triển hạ tầng nguồn
điện khí LNG và điện gió, cho thấy còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ trong
thời gian tới. Bên cạnh việc chậm trễ có Quy hoạch Điện VIII, làm đình
trệ nhiều dự án điện, một số khó khăn đã được nêu ra.
“Với
trách nhiệm là cơ quan tham mưu Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc
hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai
đoạn 2016 - 2021”, chúng tôi sẽ tổng hợp, xử lý và xây dựng báo cáo
tổng thuật hội thảo với những đánh giá, nhận xét, đề xuất, kiến nghị cụ
thể với các cơ quan liên quan, nhất là trong việc hoàn thiện chính sách,
pháp luật phát triển năng lượng nói chung và phát triển hạ tầng điện
các nguồn khí LNG và điện gió nói riêng”, TS Tạ Đình Thi nhấn mạnh.
Hải Anh
Nguồn:https://petrotimes.vn/viet-nam-can-tan-dung-toi-da-va-hieu-qua-tiem-nang-dien-gio-ngoai-khoi-684802.html