Giữa cơn bão mạnh và sóng dữ, tuabin gió 12 MW vẫn hoạt động vững vàng, khai thác sức mạnh của thiên nhiên để tạo ra năng lượng sạch.
Một trang trại điện gió ngoài khơi ở Trung Quốc. Ảnh Reuters
Cảnh tượng ấn tượng này diễn ra trên màn hình trong phòng thí nghiệm của Mingyang Smart Energy Group Co., một công ty năng lượng mới có trụ sở tại thành phố Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, khi các nhà nghiên cứu mô phỏng hoạt động của tuabin gió trong điều kiện bão.
Bão thường xuyên xuất hiện dọc theo bờ biển phía đông nam Trung Quốc, đặt ra thách thức lớn cho các cơ sở năng lượng gió trong việc tránh hư hại, đồng thời tạo ra nhiều điện hơn trong những cơn bão này.
Zhang Chuanwei, Chủ tịch Mingyang Smart Energy, cho biết: “Trong lĩnh vực năng lượng sạch, việc đạt được khả năng chống bão cho tuabin gió cũng giống như thách thức ‘hạ cánh lên mặt trăng’ cần phải vượt qua những rào cản kỹ thuật rất khó khăn”.
Dựa trên dữ liệu hoạt động sâu rộng ở các vùng có bão, nhóm nghiên cứu và phát triển của công ty đã tiến hành phân tích chi tiết về tốc độ, hướng gió và độ nhiễu loạn gió. Ông Zhang giải thích: “Những hiểu biết sâu sắc này đã được tích hợp vào các thiết kế tuabin gió của chúng tôi, đảm bảo rằng những tuabin này có thể chịu đựng được bão trong khi tối đa hóa sản xuất năng lượng”.
Đến năm 2023, hơn 2.000 tuabin gió thông minh do công ty sản xuất đã được triển khai tại các khu vực thường xuyên bị bão ở Trung Quốc. Khi siêu bão Saola quét qua tỉnh Quảng Đông vào năm ngoái, tuabin gió ngoài khơi do công ty tự phát triển ở thành phố Chu Hải đã chống chọi thành công với sức gió vượt quá 17 độ richter khi tiếp tục hoạt động không bị gián đoạn.
Ngoài bão, Mingyang Smart Energy còn tiên phong trong các giải pháp sáng tạo để khai thác năng lượng gió trong những điều kiện khắc nghiệt. Những giải pháp này bao gồm các cánh quạt được phân đoạn dành cho tỉnh miền núi Quý Châu và các mẫu chuyên dụng để chống chịu bão cát ở Khu tự trị Nội Mông.
Mục tiêu của Trung Quốc là đạt đỉnh carbon vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060, nhấn mạnh vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ trong việc cân bằng tăng trưởng kinh tế với tính bền vững của môi trường.
Các công ty như Mingyang Smart Energy là minh chứng cho nỗ lực của nước này bằng cách tận dụng các công nghệ tiên tiến để đẩy mạnh các sáng kiến năng lượng sạch.
Tại huyện Fuyuan thuộc tỉnh Vân Nam phía tây nam Trung Quốc, số hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) đã cách mạng hóa hoạt động của các trang trại gió.
Hệ thống điều khiển tinh vi, tích hợp mô phỏng 3D và phân tích dữ liệu thời gian thực, cho phép giám sát từ xa và bảo trì chủ động 135 tuabin gió của Công ty TNHH Đầu tư Điện lực Quốc tế Vân Nam.
Peng Yiheng, nhân viên của trang trại gió, cho biết: “Trước đây, cần phải kiểm tra tại chỗ, nhưng hiện nay, hệ thống tự động phát ra cảnh báo về các vấn đề tiềm ẩn”.
Theo dữ liệu do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia công bố, trong thập kỷ qua, mức tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP và lượng khí thải CO2 của Trung Quốc đã giảm lần lượt là 26,2% và 34,4%. Công suất lắp đặt của điện gió, điện mặt trời và thủy điện đều đứng nhất trên thế giới, đánh dấu bước tiến lịch sử trong phát triển xanh, ít carbon và chất lượng cao.
Dựa trên những bước tiến đáng chú ý này trong việc giảm cường độ năng lượng, chính phủ Trung Quốc đã tiếp tục triển khai các biện pháp mới nhằm khuyến khích một số ngành công nghiệp trải qua quá trình chuyển đổi xanh và ít carbon. Các chuyên gia dự báo các biện pháp này sẽ kích hoạt một cuộc cách mạng khoa học công nghệ được đánh dấu bằng quá trình khử carbon và thúc đẩy một loạt đổi mới khoa học kỹ thuật lớn.
Theo Zhang Yongsheng, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn minh sinh thái, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, với những đột phá về công nghệ dữ liệu lớn và AI, Trung Quốc sẽ giải phóng triệt để tiềm năng to lớn của phát triển xanh và tiếp tục tạo nên những kỳ tích trong tăng trưởng xanh.
Zhang Jian, phó Chủ tịch Viện Biến đổi Khí hậu và Phát triển Bền vững, Đại học Thanh Hoa, cho biết: “Trung Quốc là một lực lượng quan trọng trong việc thúc đẩy năng lượng tái tạo”.
Ông Zhang nói thêm: “Với lợi thế về công nghệ, chi phí và quy mô, Trung Quốc có vị thế tốt để dẫn đầu các nỗ lực chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng trong tương lai”.
Nh.Thạch
Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/trung-quoc-nghien-cuu-kha-nang-chong-bao-cua-tuabin-dien-gio-ngoai-khoi-713359.html