Trao đổi kinh nghiệm về vận hành và nối lưới điện gió ngoài khơi

Trong khuôn khổ Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG), ngày 1/6, tại Hà Nội, Tổ chuyên gia đặc trách về Điện gió ngoài khơi phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội thảo về chủ đề Nối lưới, quản lý vận hành và các khía cạnh kỹ thuật của điện gió ngoài khơi.

Hội thảo do ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN và ông Sven Ernedal, tổ trưởng Tổ chuyên gia đặc trách về phát triển điện gió ngoài khơi (ĐGNK) trong khuôn khổ VEPG chủ trì.

Nội dung chính của hội thảo tập trung vào tiềm năng phát triển ĐGNK tại Việt Nam, cũng như hiện trạng, thách thức trong vấn đề vận hành, nối lưới ĐGNK.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu tổng công suất lắp đặt ĐGNK trên cả nước đạt 6 GW vào năm 2030 và 70 - 91 GW tới năm 2050. Mục tiêu này nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cũng như đáp ứng nhu cầu năng lương tăng cao trên cả nước, bắt kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

Hội thảo về chủ đề Nối lưới, quản lý vận hành và các khía cạnh kỹ thuật của điện gió ngoài khơi. (Ảnh: GIZ)

Theo thông lệ quốc tế, để đưa một dự án ĐGNK vào vận hành cần 8 đến 9 năm để chuẩn bị và thực hiện công tác đầu tư. Vì vậy, Việt Nam cần phải có quá trình chuẩn bị tích cực với các chính sách phù hợp để rút ngắn thời gian thực hiện.

Chia sẻ từ góc nhìn của EVN, cần sớm hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng và vận hành các dự án ĐGNK, đồng thời thu hút đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng như cảng biển, tàu biển, phương tiện phụ trợ hiện nay để đáp ứng được các yêu cầu về phát triển.

Là đơn vị hỗ trợ Bộ Công Thương triển khai dự án “Quy hoạch không gian biển” do Ngân hàng Thế giới tài trợ, đại diện công ty BVG Associates chia sẻ việc thiết lập các chính sách và mục tiêu rõ ràng sẽ tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư dài hạn, qua đó giảm chi phí sản xuất điện từ ĐGNK. Việc này cũng giúp giảm thiểu rủi ro và thu hút nguồn vốn vay chi phí thấp cho các nhà phát triển dự án, tạo điều kiện thực hiện những dự án khả thi về mặt tài chính.

Các chuyên gia quốc tế tham gia hội thảo cũng chia sẻ kinh nghiệm và góc nhìn trong quá trình phát triển thị trường ĐGNK tại châu Âu.

Tại hội thảo, Tổ chuyên trách về ĐGNK thuộc Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) cũng được giới thiệu. Tổ chuyên trách sẽ đóng vai trò duy trì diễn đàn đối thoại trao đổi kinh nghiệm, kiến thức giữa Việt Nam và các đối tác phát triển quốc tế về ĐGNK, nhằm xác định các thực tiễn tốt nhất và đưa ra những khuyến nghị chính sách cho những vấn đề then chốt của quá trình phát triển ĐGNK tại Việt Nam.

Tổ chuyên trách do các chuyên gia từ Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ phụ trách, với sự tham gia của các thành viên là đại diện từ Ngân hàng Thế giới, Đại sứ quán Đan Mạch, Đại sứ quán Anh, Đại sứ quán Na Uy… và chuyên gia năng lượng đến từ các quốc gia cũng như tổ chức quốc tế khác.

Cần thiết lập các chính sách và cơ chế ưu đãi khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng lưới điện cho ĐGNK

Phát biểu tại hội thảo, ông Sven Ernedal, tổ trưởng Tổ chuyên trách nêu ra 5 vấn đề trong phát triển ĐGNK cần được lưu ý gồm: 

Thứ nhất, thiết lập các chính sách và cơ chế ưu đãi khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng lưới điện cho ĐGNK, tìm kiếm các mô hình thành công từ các quốc gia khác có thể áp dụng cho Việt Nam.

Thứ hai, xây dựng và phê duyệt quy hoạch không gian biển, xác định các địa điểm phát triển ĐGNK.

Thứ ba, khuyến nghị đầu tư vào hoạt động khảo sát cho các dự án thí điểm bao gồm đo tốc độ gió, khảo sát địa vật lý và đánh giá tác động môi trường và xã hội.

Thứ tư, thiết lập một cơ chế chuyển dịch để phát triển 6 GW điện gió đầu tiên vào năm 2030 như đề ra trong Quy hoạch điện VIII.

Thứ năm, thách thức đến từ việc thiếu khung pháp lý và quy định về nối lưới ĐGNK tại Việt Nam, cho phép hoạt động đầu tư vào ĐGNK, hướng tới đạt được các mục tiêu đề ra trong Quy hoạch điện VIII.

Tổ chuyên gia đặc trách về ĐGNK được thành lập vào tháng 12 năm 2022 và trực thuộc nhóm Công tác kỹ thuật số 2 về Năng lượng tái tạo trong khuôn khổ VEPG. Tổ chuyên trách nhằm đảm bảo trao đổi cởi mở giữa các thành viên để tối ưu hóa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật hiện có, đảm bảo phổ biến thông tin nhanh chóng và minh bạch về những chủ đề liên quan, cũng như đưa ra các giải pháp tập trung và cụ thể, đạt hiệu quả về chi phí cho những thách thức và rào cản liên quan đến ĐGNK. Hàng tháng, Tổ chuyên trách tổ chức họp để cập nhật tiến độ nghiên cứu và các vấn đề liên quan đến ĐGNK.

Lan Anh

Nguồn:Trao đổi kinh nghiệm về vận hành và nối lưới điện gió ngoài khơi (nangluongsachvietnam.vn)