Trà Vinh, Gia Lai, Sóc Trăng xin lùi thời hạn giá FIT cho các dự án điện gió

Trong vòng 2 tuần qua, liên tiếp 3 tỉnh kiến nghị gia hạn thời gian áp dụng giá mua điện gió (giá FIT) đối với các dự án điện gió theo cơ chế giá điện cố định nhằm giúp nhà đầu tư trước nguy cơ chậm tiến độ.

Nhiều dự án điện gió quy mô lớn có nguy cơ chậm tiến độ để được hưởng giá FIT. Ảnh minh họa

Các tỉnh (Trà Vinh, Gia Lai, Sóc Trăng) đề xuất tới Thủ tướng và Bộ Công thương với nội dung cơ bản giống nhau xoay quanh khả năng các dự án điện gió trên địa bàn không kịp hoàn thành, vận hành thương mại trước tháng 11/2021 để hưởng mức giá ưu đãi 9,8 Uscent/kWh (theo Quyết định 39/2018 của Thủ tướng).

Lý do được đưa ra là do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn tới tiến độ cung cấp tuabin gió bị ảnh hưởng (nhà thầu cung cấp thiết bị ở nước ngoài chậm tiến độ tại nước sở tại, vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng gặp khó do giãn cách xã hội), hoạt động xuất nhập cảnh của chuyên gia và công nhân, xuất nhập khẩu hàng hóa bị gián đoạn, giá cả vật tư tăng cao bất thường…, nên rất nhiều dự án điện gió ở 4 tỉnh nêu trên đều đứng trước ngưỡng cửa chậm tiến độ vận hành.

Trước bối cảnh chỉ còn 3 tháng (đến hạn vận hành, đóng điện hưởng giá FIT), cùng với khối lượng công việc còn rất nhiều, các địa phương đã kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công thương xem xét, chấp thuận gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT đối với các dự án trực thuộc địa bàn.

Được biết, đến nay UBND tỉnh Trà Vinh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 8 dự án điện gió với tổng công suất 570MW.

Trong số này, ghi nhận 6 dự án đang được địa phương hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thi công, gồm: điện gió Trà Vinh – Hàn Quốc (giai đoạn 1) công suất 48MW, điện gió V1-2 (48MW), điện gió số 3 tại vị trí V1-3 (48MW), điện gió Duyên Hải (48MW), điện gió Hiệp Thạnh (78MW), điện gió Đông Hải 1 (100MW).

Qua theo dõi tình hình thực tế cùng với đánh giá của chính các nhà đầu tư thì khả năng nhiều dự án trễ hẹn vận hành thương mại vào trước 1/11/2021. Do đó, tỉnh Trà Vinh kiến nghị Thủ tướng chấp thuận gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT với các dự án điện gió trên địa bàn tới ít nhất là hết tháng 4/2022.

Tại tỉnh Sóc Trăng, có tổng cộng 20 dự án điện gió (tổng công suất 1.435MW) được duyệt vào quy hoạch phát triển điện gió của địa phương cũng như Quy hoạch điện VII. Hiện tại, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đối với 16 dự án (tổng công suất khoảng 1.095MW), trong đó 11 dự án đang thi công.

Với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn tới tình trạng chậm tiến độ thi công, khó đảm bảo vận hành kịp thời hạn hưởng giá FIT, UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ Công thương trình Thủ tướng gia hạn thời gian thực hiện cơ chế giá FIT đến hết 31/3/2022. 

Đối tượng được hưởng gia hạn là các dự án điện gió đang triển khai thi công (đã có hợp đồng mua bán điện ký kết, hợp đồng mua sắm thiết bị, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật…).

Trong số các dự án điện gió đang triển khai tại tỉnh Sóc Trăng, ghi nhận một số trường hợp có quy mô đáng chú ý như điện gió Sóc Trăng 4 công suất 350MW, tổng mức đầu tư khoảng 12.970 tỷ đồng với 80% vốn là đi vay, do Vietracimex thực hiện.

Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng do Công ty TNHH Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng đầu tư, tổng công suất 129MW, trị giá 5.300 tỷ đồng. 

Điện gió số 7 (tổng công suất thiết kế 120MW, xây dựng với 2 giai đoạn, trên tổng diện tích nghiên cứu khảo sát 3.100 ha, trong đó giai đoạn 1 - công suất 30MW với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng và giai đoạn 2 - công suất 90MW với tổng mức đầu tư gần 4.200 tỉ đồng. Dự kiến, giai đoạn 1 của dự án hoàn thành vào quý III/2021) do Công ty TNHH Xuân Cầu (Xuân Cầu Holdings) và Công ty CP Năng lượng Sóc Trăng thực hiện.

UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị mốc lùi thời hạn ngắn nhất là đến hết 31/12/2021. Tính tới thời điểm hiện tại, địa phương này đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 17 dự án điện gió (tổng công suất khoảng 1.242MW, đã được duyệt vào quy hoạch).

Danh mục các dự án điện gió tại tỉnh Gia Lai đã được bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh (theo văn bản 795 của Thủ tướng) gồm: Chơ Long (155MW), Yang Trung (145MW), Hưng Hải Gia Lai (100MW), Ia Le (100MW), Ia Pết Đắk Đoa (200MW), Nhơn Hòa 1,2 (100MW), điện gió phát triển miền núi (50MW), Ia Boòng - Chư Prông (50MW)…

Hơn một năm trước, Bộ Công thương đã từng có kiến nghị, đề xuất kéo dài cơ chế giá điện gió cố định tại Quyết định 39/2018.

Với nội dung giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.927 đồng/kWh (chưa gồm VAT) với điện gió trong đất liền, 2.223 đồng/kWh với điện gió trên biển (áp dụng cho các dự án điện gió vận hành một phần/toàn bộ trước 1/11/2021), Quyết định 39 đã tạo động lực thúc đẩy thị trường điện gió.

Theo Bộ Công thương đánh giá thời điểm đó, chỉ còn khoảng 18 tháng, không đủ thời gian để nhà đầu tư triển khai hoạt động và xây dựng dự án điện gió, đặc biệt đối với dự án điện gió trên biển và các trường hợp chưa được duyệt bổ sung quy hoạch. Cùng với việc nhận được báo cáo của 9 tỉnh về đề nghị xem xét gia hạn thời hạn áp dụng cơ chế giá điện gió cố định (do vướng mắc áp dụng Luật Quy hoạch, khó khăn trong đầu tư xây dựng…), Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng xem xét kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định tới hết 31/12/2023.