Tổng thầu IPC - Kinh nghiệm về đích đúng thời hạn giá FIT điện gió

Ngày 30/10/2021, Nhà máy điện gió Phước Hữu Duyên Hải 1, Nhà máy điện gió Chơ Long, Nhà máy điện gió Hòa Đông 2 chính thức được công nhận vận hành thương mại (COD). Đây là những dự án mới nhất, nối dài danh mục dự án thi công của Nhà thầu IPC E&C, tiếp tục khẳng định vị trí nhà thầu hàng đầu trong lĩnh vực EPC các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió.

Theo thông tin cập nhật của Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam (ngày 1/11/2021) cho biết: Tới ngày 31/10/2021 đã có 68/106 dự án điện gió với tổng công suất 3.605,83 MW đã được công nhận COD toàn bộ trước ngày 1/11/2021 để chính thức được hưởng giá ưu đãi cố định (giá FIT).


Đổ móng trụ tua bin điện gió dự án Nhà máy điện gió Hoà Đông 2 (72 MW), tỉnh Sóc Trăng.

Thời gian qua, các dự án điện gió đã được gấp rút xây dựng trong điều kiện khó khăn về đại dịch Covid-19, khi vừa đảm bảo an toàn chống dịch, đồng thời phải dốc sức chạy đua với tiến độ dự án. Trước khó khăn ‘kép’ như vậy, năng lực và quyết tâm của Nhà thầu chính là những yếu tố then chốt trong cuộc đua giữa mùa dịch để đạt được giá FIT của các dự án. Nổi lên trong cuộc đua COD đúng hạn đợt này là công ty CP IPC E&C (thuộc Tập đoàn IPC) - Tổng thầu EPC của nhiều dự án điện gió lớn được các chủ đầu tư, tư vấn giám sát, cũng như các đối tác đánh giá rất cao tính chuyên nghiệp và bài bản trong công tác tổ chức triển khai thi công.

Cụ thể, nhà thầu IPC E&C có 5 dự án đã được công nhận vận hành thương mại trước 31/10/2021, kịp hưởng tiến độ giá FIT. Đây đều là những dự án điện gió có quy mô, chạy dọc từ Tây Nguyên đến Đồng bằng sông Cửu Long, đó là Nhà máy điện gió Chơ Long (công suất 155 MW), Nhà máy Cửu An (công suất 46 MW) ở Gia Lai và Nhà máy điện gió Hoà Đông 2 (công suất 72 MW) ở Sóc Trăng. Ở Ninh Thuận có các Nhà máy điện gió Adani Phước Minh (công suất 27 MW) và Phước Hữu Duyên Hải 1 (công suất 30 MW).

Vượt qua rất nhiều khó khăn, IPC E&C đang từng bước khẳng định là đơn vị tiên phong của Việt Nam trong lĩnh vực EPC các nhà máy công nghiệp, đặc biệt là các nhà máy về năng lượng.

Đến thời điểm hiện tại, IPC E&C đã và đang là Tổng thầu EPC cho trên 1 GW dự án năng lượng tái tạo: 650 MW điện mặt trời trang trại, 50 MW điện mặt trời áp mái, 650 MW trang trại điện gió.

Với tổng doanh thu trung bình năm trên 12 nghìn tỷ đồng, IPC là một trong những tập đoàn xây dựng lớn nhất Việt Nam. IPC đứng thứ 82 trong bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam - VRN 500.


Cẩu lắp đặt trụ tua bin cuối cùng dự án Phước Hữu - Duyên Hải 1 (Ninh Thuận).

Chia sẻ về những yếu tố tiên quyết mà Tổng thầu EPC cần có để mang đến thành công cho chủ đầu tư và dự án về đích đúng thời hạn, ông Trần Đức Trung - Tổng Giám đốc Công ty IPC E&C cho biết:

Một là: Công tác chuẩn bị, khảo sát thực địa là tiền đề vững chắc để đảm bảo thành công của dự án. Đối với điện gió, công tác vận tải và lắp đặt thiết bị siêu trường, siêu trọng là hai yếu tố then chốt cần có sự tính toán, đầu tư và dự phòng từ trước. Với tầm nhìn đó, IPC E&C đã mạnh dạn đầu tư hơn 400 tỷ đồng mua sắm và trang bị 4 tổ cẩu hoàn chỉnh (bao gồm các cẩu 800T, 200T…) cùng đội ngũ công nhân vận hành cẩu lành nghề để đẩy nhanh tiến độ lắp dựng của các dự án và đã tránh được ảnh hưởng bởi sự tăng nóng của giá cẩu, cũng như sự thiếu hụt trầm trọng nhà thầu phụ lắp dựng tua bin trong giai đoạn vừa qua. Tiêu biểu là dự án Nhà máy điện gió Phước Hữu Duyên Hải 1 (Ninh Thuận) - một trong những dự án có cánh quạt tua bin dài nhất Việt Nam (77 mét), Nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ quá trình vận chuyển và lắp dựng tua bin chỉ trong vòng 2 tháng.

Hai là: Nghiên cứu và áp dụng các biện pháp thi công tiên tiến cùng với việc sử dụng các trang thiết bị hiện đại để có thể đào hố móng, lắp đặt hạ tầng đẩy nhanh tốc độ thi công. Đơn cử như dự án Nhà máy điện gió Chơ Long (Gia Lai), Nhà thầu IPC đã phá kỷ lục thi công ở Việt Nam khi trung bình 2 ngày đổ một móng tua bin, tổng thời gian hoàn thành lắp đặt và vận hành, thử nghiệm COD cho một tua bin chỉ còn 7 ngày.

Hơn nữa, với các dự án có địa hình hiểm trở nhiều đồi núi, dây điện như Gia Lai, Nhà thầu cũng phải tính toán, xây dựng phương án vận tải đặc biệt: Sử dụng thiết bị chuyên dụng hiện đại đầu tiên tại Việt Nam gồm tổ hợp xe vận chuyển có gắn thiết bị nâng cánh (Blade Adapter) thì mới có thể vận chuyển được những hàng hoá siêu trường, siêu trọng qua đèo đến được công trường một cách an toàn.

Ba là: Nhà thầu phải có kinh nghiệm và chiến lược điều phối sử dụng nhân sự tối ưu nhất để có không làm đứt quãng tiến độ thi công khi khu vực dự án bị cách ly, phong toả. Trong khi cả nước cả nước theo quy định chống dịch và Sóc Trăng nằm trong khu vực cách ly theo Chỉ thị 16 với những biện pháp hà khắc về kiểm soát dịch, bất xuất, bất nhập. Công tác vận chuyển, thi công của dự án Nhà máy điện gió Hoà Đông 2 (Sóc Trăng) có những giai đoạn bị đình trệ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án. Nhà thầu với những nhân lực hiện có, bằng bản lĩnh và tinh thần ‘thép’ đã nỗ lực hơn gấp nhiều lần, cần mẫn lao động ngày đêm, liên tục tăng ca bù giờ… vượt qua khó khăn để hoàn thành đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đủ điều kiện công nhận vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021.


Toàn cảnh dự án Nhà máy điện gió Chơ Long (155 MW). Vị trí: Xã Chơ Long, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai.

“Như vậy để có thể hoàn thành các dự án điện gió đảm bảo an toàn, tiến độ và chất lượng, đòi hỏi nhà thầu phải sở hữu tiềm năng mạnh về tài chính và có nền tảng trang thiết bị hiện đại, có đội ngũ nhân lực đủ kinh nghiệm, bản lĩnh thi công, có khả năng phân tích làm chủ công nghệ lắp đặt mới thì dự án mới có thể về đích thành công” - Ông Trần Đức Trung khẳng định./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM