Tham vọng lớn về điện gió ngoài khơi của châu Âu

Cuối tháng 4 vừa qua, 9 quốc gia châu Âu đã gặp nhau tại một hội nghị thượng đỉnh tổ chức ở thành phố ven biển Ostend (Bỉ). Những quốc gia này đã đặt ra tham vọng chung: Nâng công suất tuabin gió ở vùng Biển Bắc lên gấp 10 lần. Đây là một thách thức khổng lồ cho công nghiệp, vì mục đích đẩy nhanh quá trình khử carbon khỏi lục địa.

Tham vọng lớn về điện gió ngoài khơi của châu Âu

Lãnh đạo châu Âu đi thực tế trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh về điện gió, tổ chức ở thành phố ven biển Ostend

Sau khi hội nghị thượng đỉnh bế mạc, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nhấn mạnh: “Đó là ngày đánh dấu quyết định biến Biển Bắc thành nhà máy điện xanh lớn nhất trên toàn thế giới”.

Như vậy, 7 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Ireland, Đan Mạch, Luxembourg), cũng như Na Uy và Vương quốc Anh, đã cam kết cùng nhau nâng công suất năng lượng gió ở Biển Bắc từ 30 GW (công suất hiện tại) lên 120 GW vào năm 2030, và ít nhất là 300 GW vào năm 2050.

Giải pháp nâng công suất không chỉ bao gồm xây dựng thêm trang trại gió, mà sẽ gồm cả cơ sở hạ tầng kết nối, chuỗi công nghiệp, dự án hydro xanh... Ngoài quan hệ đối tác được nêu trong bản tuyên bố cuối cùng, 9 quốc gia này cũng muốn cùng điều phối chiến lược và tổ chức gọi thầu, nhằm củng cố dây chuyền sản xuất hoặc đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Vùng Biển Bắc, có độ sâu không đáng kể, giúp lắp đặt tuabin gió với số lượng lớn và gần bờ. Chưa kể, điều kiện gió vùng này giúp các nước châu Âu sản xuất điện với giá bán cạnh tranh.

Trên thực tế, họ đặt ra những mục tiêu rất tham vọng: Trong khi Vương quốc Anh đã có 14 GW điện gió ngoài khơi và Đức 8 GW, thì công suất của Đan Mạch, Bỉ và Hà Lan là từ 2 - 3 GW, còn của Pháp và Na Uy chỉ có khoảng 0,5 GW.

Trong tuyên bố, Pháp nhắm mục tiêu đạt ít nhất 2,1 GW vào năm 2030 và “từ 4,6 - 17 GW” vào năm 2050, đối với công suất lắp đặt điện gió tại Biển Bắc và eo biển Manche. Trước đó, Paris cho biết đang nhắm đến mục tiêu năm 2050 đạt được 40 GW điện gió ngoài khơi trên tất cả những bờ biển của Pháp.

Để hiện thực hóa tham vọng này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi Ostend “đảm bảo an toàn cho toàn bộ ngành công nghiệp này”.

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn có một ngành công nghiệp châu Âu chuyên về sản xuất tuabin gió và cơ sở hạ tầng, nhưng không được lặp lại những sai lầm mà chúng tôi đã mắc phải trong quá khứ - như việc nhập khẩu ồ ạt những linh kiện và vật liệu để triển khai ngành quang điện”.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cũng kêu gọi “đảm bảo nguồn cung” của những nguyên liệu quan trọng (nhất là đất hiếm), vì châu Âu vẫn còn lệ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu những nguyên liệu này từ nước khác, chủ yếu là từ Trung Quốc.

Luxembourg - quốc gia không giáp biển, thì muốn đóng góp tài chính. Thủ tướng Xavier Bettel đùa rằng: “Tôi mang theo tiền để mang về một chút năng lượng”.

Tham vọng lớn về điện gió ngoài khơi của châu Âu

Khoản đầu tư khổng lồ

Vào tháng 5/2022, 4 quốc gia đã tổ chứ cuộc họp đầu tiên ở Đan Mạch. Do đó, “hội nghị thượng đỉnh Biển Bắc” này chính là lần họp mặt thứ hai vì mục tiêu khí hậu của châu Âu, cũng như vì mong muốn giảm mạnh sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu trong thời chiến tranh Nga - Ukraine.

Gần đây, EU đã đặt mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng của năm 2030 lên gấp đôi (tức 42,5%), bằng cách đẩy nhanh tiến trình thủ tục cấp phép cho cơ sở hạ tầng. Vào giữa tháng 3, Brussels cũng đã đề xuất quy định cứu trợ cho những ngành công nghiệp xanh.

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đề ra ở Ostend, các nước nhận định rằng họ “cần phải có những khoản đầu tư lớn và mới vào năng lực sản xuất và cơ sở hạ tầng hỗ trợ. Trong một tuyên bố chung, hàng trăm công ty cho biết: “Nếu chỉ làm mỗi chính sách hoạch định thì nỗ lực sẽ không đủ".

Trao đổi với AFP, ông Pierre Tardieu của Liên đoàn Công nghiệp WindEurope cho biết: “Châu Âu dẫn đầu về công nghệ và công nghiệp, nhưng lại không sản xuất đủ một vài bộ phận tối quan trọng (vỏ bọc, cánh quạt, dây cáp). Rất nhiều nguồn tài trợ đã đổ vào hoạt động đổi mới, song thách thức nằm ở chỗ, đầu tư vào sản xuất hiện nay như thế nào để nâng gấp đôi, gấp ba công suất".

Do đó, trong vòng 5 năm tới, ngành công nghiệp châu Âu phải xây dựng những cơ sở mới, với tổng công suất lắp đặt tương đương với 20 GW sản xuất hàng năm từ tuabin gió ngoài khơi. Hiện nay, công suất chỉ là 7 GW, bên cạnh đó còn có là nguy cơ lắp đặt quá nhiều và tắc nghẽn hoạt động.

Ông Tardieu khẳng định: “Các nhà sản xuất tuabin hiện đang hoạt động thua lỗ, vì họ chịu ảnh hưởng nặng nề từ vấn đề bị gián đoạn hậu cần trong thời hậu COVID-19. Do đó, họ cần nhận được sự hỗ trợ”. Đồng thời, ông cho biết nhu cầu tuyển dụng và đào tạo sẽ lớn, vì điện gió ngoài khơi sẽ tạo ra 250.000 việc làm vào năm 2030, so với con số 80.000 hiện nay.

Tổng chi phí hứa hẹn sẽ rất lớn: Vào cuối năm 2020, Brussels ước tính nhu cầu đầu tư là 800 tỷ euro, để EU thật sự đạt được 300 GW điện gió ngoài khơi từ nay cho đến năm 2050.

Mặt khác, nhiều tổ chức phi chính phủ về môi trường kêu gọi châu Âu “đừng vội vàng trong việc nghiên cứu tác động đa dạng sinh học ở Biển Bắc. WindEurope cũng đã chỉ ra thêm những điểm hạn chế trong việc đánh bắt cá và vận chuyển. Dù vậy, ông Pierre Tardieu cũng nói thêm: “Để đạt được những mục tiêu về tuabin gió này, chúng ta cần 7 - 10% diện tích lưu vực biển.

 

Ngọc Duyên

Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tham-vong-lon-ve-dien-gio-ngoai-khoi-cua-chau-au-684077.html