Phát triển điện gió ngoài khơi, đảm bảo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Với đề xuất mục tiêu đạt 7 GW công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi vào năm 2030 trong dự thảo Quy hoạch điện VIII mới nhất, Việt Nam sẽ tiến gần hơn đến mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 của Chính phủ và loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Tiềm năng lớn trở thành trung tâm của Châu Á - Thái Bình Dương

Theo các chuyên gia nước ngoài, tiềm năng ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam chính là những cơ hội tuyệt vời để chuyển đổi các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng hóa thạch với chi phí cao, sang sử dụng năng lượng tái tạo, dựa trên nguồn gió ngoài khơi có chất lượng tốt, đặc biệt là ở phía nam Việt Nam. Bên cạnh đó, khu vực này có đáy biển tương đối nông cùng đáy biển có cấu trúc vững chắc để hỗ trợ việc xây dựng, lực lượng lao động có thể được nâng cao trình độ và cơ sở hạ tầng cảng có thể nâng cấp để sử dụng cho ngành điện gió ngoài khơi và kích thích chuỗi cung ứng. Và các khu vực Nam Trung Bộ như Bình Thuận, Ninh Thuận là nơi có tốc độ gió tốt nhất ở Việt Nam.

Tại Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, ban hành tháng 3/2016, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo mà Việt Nam đặt ra là đạt 850 MW điện mặt trời và 800 MW điện gió đến năm 2020. Tiếp đó, sẽ tăng lên 4.000 MW điện mặt trời và 2.000 MW điện gió vào năm 2025; còn tới năm 2030 sẽ đạt 12.000 MW điện mặt trời và 6.000 MW điện gió.

Tuy nhiên, với cơ chế ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm, thông qua các Quyết định 11/2017/QĐ-TTg; 13/2020/QĐ-TTg; 39/2018/QĐ-TTg cho năng lượng tái tạo, điện gió và điện mặt trời đã có sự bùng nổ về đầu tư trong thời gian ngắn với công suất lắp đặt tăng gấp nhiều lần so với quy hoạch đề ra.

Phát triển điện gió ngoài khơi, đảm bảo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 - Ảnh 1
 
Việt Nam có tiềm năng to lớn để trở thành trung tâm của Châu Á Thái Bình Dương về cả sản xuất và sử dụng tài nguyên gió ngoài khơi.

 

Ông Bùi Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho rằng: Việt Nam hiện nay vẫn còn là nước đang phát triển, kinh tế thu nhập thấp, cho nên việc huy động nguồn vốn rất lớn cho việc thực hiện Quy hoạch điện VIII là thách thức rất lớn. Đồng thời, hiện Việt Nam cũng chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như công nghệ để thực hiện phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió hiện nay Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn công nghệ của nước ngoài. Do đó, Việt Nam rất cần hỗ trợ của nước ngoài về vốn đầu tư và công nghệ, kinh nghiệm phát triển hệ thống năng lượng tái tạo, hệ thống lưới điện để đáp ứng cung cấp điện trong tương lai.

Cho rằng Việt Nam có nhiều khu vực "điểm sáng" để phát triển điện gió, Giám đốc Quốc gia của Copenhagen Offshore Partners - COP (đơn vị hiện đang quản lý, phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn tại Việt Nam) Stuart Livesey phân tích, các khu vực Nam Trung Bộ như Bình Thuận và Ninh Thuận là nơi có tốc độ gió tốt nhất ở Việt Nam, tuy nhiên khi xét về “điểm sáng” và “điểm tốt nhất”, sẽ có rất nhiều khía cạnh cần được đưa ra như nhu cầu năng lượng, khoảng cách đến lưới điện, cơ sở hạ tầng và truyền tải lưới điện hiện có/theo kế hoạch, độ sâu của nước, cơ sở cảng, các hạn chế về môi trường... Những khía cạnh này là lý do tại sao ngành điện gió ngoài khơi luôn rất cần chú trọng vào việc thu thập nhiều thông tin tại các vị trí trọng điểm của dự án.

“Việt Nam có tiềm năng to lớn để trở thành trung tâm của Châu Á Thái Bình Dương về cả sản xuất và sử dụng tài nguyên gió ngoài khơi, đồng thời tạo ra một chuỗi cung ứng và lực lượng lao động có thể hỗ trợ các quốc gia khác trong khu vực, và thậm chí xuất khẩu năng lượng được tạo ra nhờ nguồn tài nguyên gió dồi dào và vùng nước tương đối nông dọc theo bờ biển dài của Việt Nam.

Thu hút đầu tư nước ngoài 

Trong khuôn khổ Hội nghị Điện gió Việt Nam 2022 (Vietnam Wind Power 2022) vừa diễn ra, ông Mark Leybourne, Trưởng Chương trình điện gió ngoài khơi thuộc Ngân hàng Thế giới chia sẻ, theo kinh nghiệm của các nước, để phát triển dự án điện gió ngoài khơi, cần đấu thầu để trao quyền phát triển địa điểm/khu vực thực hiện dự án với tiêu chí rõ ràng. Các nhà đầu tư lựa chọn địa điểm và chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Nhà đầu tư thắng thầu độc quyền phát triển - đây là điều kiện quan trọng để “mở khóa” chi phí đầu tư cho việc khảo sát và các hoạt động phát triển dự án. Sau khi khảo sát, thiết kế, sẽ thực hiện đấu thầu về giá bán điện để trao hợp đồng mua bán điện lâu dài và có khả năng vay vốn ngân hàng.

Theo đề xuất của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), để đạt được mục tiêu 7GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030, Việt Nam cần có lộ trình chính sách một cách rõ ràng. Có thể thực hiện thí điểm phát triển các dự án đầu tiên với quy mô 4 - 5 GW trong 1 - 3 năm tới để đón thế hệ đầu tiên của điện gió ngoài khơi thông qua một cơ chế mua sắm đơn giản. Sau giai đoạn thí điểm, việc lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án điện gió ngoài khơi cần được thực hiện thông qua cơ chế đấu thầu.

Về vấn đề này, ông Hoàng Giang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV PE Việt Nam cho rằng, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển điện gió là cơ chế rõ ràng, minh bạch, tạo sự cạnh tranh công bằng cho các nhà đầu tư. Có nhiều nước trên thế giới đã thực hiện và thành công, song cơ chế này nên áp dụng với các dự án mới, còn những dự án đã và đang thực hiện nên áp dụng cơ chế chuyển tiếp.

Điểm khó là các quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án điện gió ngoài khơi hiện chưa đầy đủ. Việc triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án điện gió ngoài khơi có một số vướng mắc như: việc giao khu vực biển để khảo sát chưa rõ cơ chế; thiếu quy định cụ thể về đối tượng, trình tự khảo sát đối với điện gió ngoài khơi; thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; cơ chế xử lý đối với trường hợp nhà đầu tư thực hiện khảo sát nhưng không được lựa chọn thực hiện dự án…

Một số chuyên gia cho rằng, đây là thách thức, song cũng là cơ hội cho những quốc gia đi sau có thể học hỏi kinh nghiệm tốt của thế giới nhằm đón nhận các kịch bản đầu tư đối với điện gió ngoài khơi.

Trao đổi tại tọa đàm về nội địa hóa chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi trong khuôn khổ Hội nghị Điện gió Việt Nam 2022, các chuyên gia cho rằng, việc đề xuất mục tiêu đạt 7 GW công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi vào năm 2030 thể hiện trong bản dự thảo Quy hoạch điện VIII mới nhất, Việt Nam sẽ tiến gần hơn đến mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 của Chính phủ và loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Hiện tại, chỉ còn 8 năm để thực hiện mục tiêu đề xuất trên, vì vậy, có rất nhiều hạng mục công việc cần được tiến hành sớm nhất có thể.

Theo đó, các chuyên gia đã đưa ra các yếu tố chính cần được giải quyết bao gồm: Quy trình cấp phép rõ ràng, cần phối hợp liên ngành và sắp xếp hợp lý để đảm bảo các dự án có thể được thực hiện đúng thời hạn, cơ chế mua bán điện đơn giản và linh hoạt.

Bên cạnh đó, nhà nước cần có phương pháp tiếp cận quy hoạch không gian biển rõ ràng và cải thiện khả năng vay vốn trong Hợp đồng mua bán điện (PPA), nhằm tăng sự hấp dẫn với tổ chức tài chính và nhà đầu tư quốc tế.

Lan Anh

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/phat-trien-dien-gio-ngoai-khoi-dam-bao-muc-tieu-phat-thai-rong-bang-0-vao-nam-2050-74156.html