Những thách thức của nhà đầu tư điện gió và đề xuất chính sách phát triển cho Việt Nam

Hiện nay, các dự án điện gió trên cả nước đang chạy đua từng ngày, từng giờ để bảo đảm phát điện (trước ngày 1/11/2021) nhằm hưởng theo cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện gió của Chính phủ. Nhưng điều quan trọng hơn - theo nhìn nhận của chuyên gia Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Bên cạnh những lợi thế về điều kiện tự nhiên, sự hỗ trợ của Chính phủ, chúng ta cần tìm hiểu thêm những khó khăn, thách thức của các dự án điện gió hiện hữu, từ đó có thể đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn cho các chủ đầu tư, tạo điều kiện để một trong các nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng rất lớn được phát triển như mong muốn.

I. Tóm tắt các thách thức, khó khăn hiện nay của chủ đầu tư điện gió:

1. Một số vấn đề về công nghệ  - kỹ thuật:


Với xu thế công nghệ điện gió trên thế giới đang được cải tiến, phát triển rất nhanh trong thời gian gần đây, quy mô các tua bin gió ngày càng lớn nhằm tận dụng tối đa tiềm năng gió tự nhiên. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam mới tiếp cận loại hình công nghệ này, sự bỡ ngỡ, phụ thuộc nhiều vào lời giới thiệu mang tính quảng cáo của các nhà bán thiết bị là chuyện bình thường. Việc lựa chọn quy mô công suất tua bin gió, quy mô toàn bộ dự án điện gió, loại công nghệ, thiết bị có vai trò ảnh hưởng quyết định đến thành công của dự án. Những năm của thập kỷ trước, số lượng các dự án điện gió ở Việt Nam rất khiêm tốn, kích cỡ tua bin gió chỉ từ 1,5 - 2 MW/tua bin. Gần đây các doanh nghiệp đã lựa chọn quy mô tua bin gió lên đến trên 4 MW với các loại dự án điện gió trên bờ và gần bờ.

Hình dưới đây mô tả sự phát triển thị trường thế giới về quy mô các tua bin gió.


Thị trường quy mô công suất tua bin điện gió.

Với xu hướng phát triển công nghệ điện gió như hiện nay, gam công suất thương mại phổ biến trên thị trường được chia ra 2 dãy công suất phổ biến là dãy 2.5 - 3.0 MW và dãy trên 3.0 MW, như minh họa trong bảng sau:


Bảng thông số kỹ thuật chính của một số tua bin gió điển hình.

Với lựa chọn kích cỡ tua bin lớn, tương ứng là chiều cao cột (tower) và kích cỡ cánh gió (blades), thách thức kéo theo sẽ là:

- Khả năng nhận thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài (liên quan đến năng lực cảng biển).

- Khả năng vận chuyển vật tư, thiết bị đến công trường dự án (liên quan đến năng lực vận tải khối lượng hàng hóa lớn, siêu trường, siêu trọng với hạ tầng hiện có về đường sá của Việt Nam). Và cuối cùng:

- Vấn đề thi công lắp đặt thiết bị tại công trường (đòi hỏi năng lực về quản lý thi công, lực lượng nhân viên kỹ thuật, năng lực các thiết bị cần cẩu siêu trọng, an toàn lao động tại công trường…).

2. Thách thức về huy động vốn - tài chính cho các dự án điện gió:

Vấn đề tài chính luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư phát triển điện gió. Việc thu hút đầu tư, cũng như kêu gọi nguồn vốn, bảo lãnh tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo nói chung và dự án điện gió nói riêng còn gặp nhiều khó khăn. Các ngân hàng trong nước sẵn sàng cấp tín dụng bảo lãnh cho các dự án điện gió, nhưng với một tỷ lệ nhất định, chiếm từ 50% - 60% các khoản vay. Các bên cho vay vốn quốc tế thường yêu cầu các nhà đầu tư phải có bảo lãnh trong một số giai đoạn nhất định như: Giai đoạn khởi công, giai đoạn vận hành thử năm đầu tiên. Rủi ro tài chính của các dự án điện gió sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó, việc đưa dự án vào vận hành trước thời hạn hiệu lực của cơ chế FIT là quan trọng nhất, nhưng còn không ít các thách thức sẽ được nêu cụ thể hơn ở dưới.

Một số tham khảo về cơ cấu chi phí đầu tư của dự án điện gió các loại (hình 1-:- hình 4):


Hình 1. Tỉ lệ chi phí đầu tư theo 100 m chiều cao của tua bin gió.

 
Hình 2. Tỉ lệ chi phí đầu tư cho dự án điện gió trên đất liền.

Hình 3. Tỉ lệ chi phí đầu tư cho dự án điện gió trên biển.


Hình 4. So sánh tỉ lệ chi phí đầu tư dự án điện gió trên đất liền và trên biển.

3. Thách thức trong việc giao, đền bù và giải phóng mặt bằng:

Khi xây dựng các dự án điện gió ở Việt Nam, ngoài những điều khoản của hợp đồng mua bán điện (PPA) và bao tiêu điện, cơ sở hạ tầng là vấn đề rất lớn đối với việc đàm phán vay của các dự án điện gió. Quy trình về bồi thường và giải phóng mặt bằng của các dự án điện gió trên bờ có khá nhiều khó khăn, trong khi với các dự án điện gió ngoài khơi, vấn đề lại ở chỗ thiếu quy định về khoảng cách từ bờ tới vị trí dự án. Thủ tục giao khu vực biển của dự án cũng phức tạp.

Đối với dự án điện gió trên đất liền, chi phí liên quan đến bồi thường đất và làm đường có thể chiếm tới 3% tổng mức đầu tư dự toán. Theo các chủ đầu tư, giá đền bù, hỗ trợ đang được đẩy lên mức rất cao, vượt khả năng chi trả của họ. Hơn nữa, có nơi người dân yêu cầu chủ đầu tư phải mua nguyên thửa đất với số tiền chênh lệch rất lớn so với đơn giá được nhà nước quy định.

Với dự án điện gió trên biển, do Quy hoạch không gian biển của Việt Nam mới bắt đầu được nghiên cứu, các quy định hiện hành còn bất cập. Chưa có quy định về khoảng cách xa bờ trong các văn bản cụ thể để có thể phân biệt giữa dự án điện gió gần bờ và ngoài khơi. Thách thức còn ở vấn đề xin giao khu vực biển để triển khai các bước đầu tư (như khảo sát, mời thầu, xây dựng…).

Có thể lấy một ví dụ về dự án điện gió Duyên Hải - Trà Vinh: Dự án này được chủ đầu tư (Công ty TNHH Điện gió Duyên Hải) triển khai từ đầu năm 2019. Sau khi đã hoàn thiện các mốc quan trọng trong giai đoạn phát triển dự án như: Kết quả thẩm định TKCS của Bộ Công Thương, một số thoả thuận về đấu nối, hướng tuyến đường dây, khó khăn chính là khu vực biển để xây dựng dự án lại chưa được giao do những vướng mắc nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp.

Cụ thể, từ lần nộp hồ sơ đầu tiên vào ngày14/9/2019, sau 3 lần trình và điều chỉnh hồ sơ về xin cấp khu vực biển, trong đó có những điều chỉnh về thủ tục văn bản (như giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; điều chỉnh về giảm diện tích khu vực biển, rà soát ranh giới, tọa độ, độ sâu đáy biển…). Qua nhiều lần họp với các cơ quan thẩm định để được cấp phép, sau 2 năm, đến tháng 7/2021, Công ty TNHH Điện gió Duyên Hải vẫn chưa nhận được khu vực biển để triển khai xây dựng.

4. Công tác vận chuyển vật tư thiết bị:


Vận tải các vật tư, thiết bị điện gió đến công trường dự án có đặc điểm phần lớn là loại thiết bị siêu trường, siêu trọng. Trong điều kiện đường sá Việt Nam, công đoạn này còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt với các công trình trên Tây Nguyên và các tỉnh miền núi khu vực miền Trung (như Quảng Trị, Quảng Bình), vận chuyển thiết bị phải vượt đèo, núi, độ dốc lớn và các cung đường hẹp.

Mặt khác, với tua bin gió siêu trường, siêu trọng, việc nhập khẩu chỉ có thể qua các cảng biển. Kích thước các cánh quạt dài từ 60 đến 86 m, nặng khoảng 20 - 25 tấn; trụ tháp - máy phát dài từ 20 đến 30 m, nặng khoảng 49 đến 115 tấn; độ cao của các kiện hàng khi vận chuyển bằng đường bộ có chiều cao 6,5 m cho thấy những khó khăn, thách thức đặt ra cho công tác vận chuyển thiết bị.

Thực tế vừa qua đã có một vài sự cố lật xe, hỏng cánh quạt tua bin… khi thiết bị điện gió đang được vận chuyển tới công trường, gây tổn thất cho nhà thầu và chủ đầu tư, thậm chí có nguy cơ không thể hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị kịp tiến độ.

5. Về tác động tới vận hành hệ thống điện và rủi ro cắt giảm nguồn năng lượng tái tạo:  

Với sự bùng nổ của các nguồn điện mặt trời vào các năm 2019 và 2020 đã đưa tổng công suất đặt của nguồn điện tăng cao hơn dự báo, trong khi dịch bệnh Covid-19 tác động từ đầu năm 2020 đến nay khiến nhu cầu điện có chút chững lại. Cụ thể, năm 2020 công suất cực đại (Pmax) toàn hệ thống đạt 38.617 MW, chỉ tăng gần 400 MW so với năm 2019.

Theo quy trình, việc huy động nguồn điện được thực hiện theo thứ tự ưu tiên các nhà máy điện đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật (điện áp, ổn định, quán tính, dự phòng điều tần, công suất cao điểm) rồi đến các nguồn NLTT (điện gió, mặt trời...), sau đó là thứ tự ưu tiên theo chi phí sản xuất từ thấp đến cao với các tổ máy còn lại.

Hậu quả đó dẫn đến nhiều thời điểm vào quý 1/2021 tổng công suất nguồn điện cao hơn rất nhiều so với nhu cầu phụ tải. Ví dụ: 69.300 MW so với Pmax 35.308 MW lúc 18h30 vào ngày 4/3/2021, còn khi thấp điểm lúc 11h30 Pmax chỉ đạt 24.401 MW [1], tương đương 35,2% tổng công suất đặt hệ thống.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã buộc phải cắt giảm gần 470 triệu kWh điện NLTT (trong đó, đã cắt giảm 447,5 triệu kWh điện mặt trời trang trại, chiếm 13,3% khả năng phát của các nhà máy điện mặt trời và cắt giảm 19,7 triệu kWh điện gió, chiếm khoảng 4,8% khả năng phát của các nhà máy điện gió). Ngay cả thời điểm phụ tải cao nhất vừa qua (ngày 21/6/2021), Pmax đạt 42.482 MW, so với tổng công suất nguồn vẫn chỉ khoảng 61,3% - nghĩa là hệ số dự phòng thô cao (ở mức 38,7%).

Năm 2021, dù nguồn phát từ NLTT có tăng mạnh với tổng công suất đến trên 20.000 MW, chiếm tỷ trọng công suất trên 25%, nhưng sản lượng điện phát chỉ chiếm 12% tổng sản lượng. Do ưu tiên huy động nguồn năng lượng tái tạo mà trong 4 tháng đầu năm 2021 các nhà máy nhiệt điện đã phải tắt và khởi động lại tổ máy đến hơn 334 lần. Con số này vào nửa cuối năm 2019 (thời điểm bắt đầu huy động nguồn điện mặt trời vào hệ thống) chỉ là 74 lần, vào năm 2020 là 192 lần. Tất cả các lần huy động lại nguồn điện đều có thể dẫn đến tăng nguy cơ sự cố tổ máy.

Do đặc thù phụ thuộc lớn vào thời tiết của các nguồn điện gió và điện mặt trời, việc cắt giảm điện phát của chúng vào một số thời điểm là không thể tránh khỏi, ngay cả với hệ thống điện hiện đại của nhiều nước, tuy nhiên lượng cắt giảm thường nhỏ, chỉ 2 đến 4%. Nhưng khi phát triển các nguồn này quá ‘nóng’, trong lúc hạ tầng lưới điện chưa theo kịp và phụ tải tăng chậm lại, tác động của nguồn NLTT biến đổi đến vận hành hệ thống điện sẽ tăng thêm rủi ro về việc bị cắt giảm đáng kể lượng điện phát ra và không thể được giải quyết một sớm một chiều.  

6. Ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19:

Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến mọi ngành sản xuất, tiêu dùng và là nguyên nhân lớn khiến lượng điện tiêu thụ thời gian qua tăng chậm lại.

Xét theo 3 khu vực, khu vực ít chịu tác động nhất của đại dịch là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, với 7,5% lao động cho biết chịu tác động tiêu cực của đại dịch. Đứng thứ hai là khu vực công nghiệp và xây dựng, với 16,5% lao động bị ảnh hưởng. Còn lao động trong khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm tỷ lệ 20,4%.

Đối với các dự án điện gió, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến tiến độ của các dự án đang triển khai như:

Thứ nhất: Do thiết bị tua bin điện gió nhập khẩu 100% của nước ngoài, việc bảo mật công nghệ và lắp đặt phụ thuộc lớn vào việc hướng dẫn của chuyên gia, kỹ sư cao cấp do hãng cung cấp, điều động. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên đa số bộ phận chuyên gia, kỹ sư đến công trường chậm so với kế hoạch đề ra rất nhiều làm ảnh hưởng đến tiến độ lắp đặt chung của toàn bộ các dự án. Chuyên gia nước ngoài bị cách ly sau khi nhập cảnh. Trường hợp có người có kết quả dương tính tại công trường sẽ làm chậm toàn bộ quá trình thi công.

Thứ hai: Đối với các hạng mục xây dựng. Nhân lực thi công thiếu hụt do quy định hạn chế di chuyển giữa các địa phương; do dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp, một số địa phương đã thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ nên các hạng mục xây dựng sử dụng nhiều lao động trong nước bị thiếu hụt trầm trọng do phải cách ly (từ 14 đến 21 ngày) khi di chuyển qua nhiều địa phương khác nhau. Thực hiện “ba tại chỗ, một cung đường”, tuy nhiên do tâm lý người lao động bất an nên hiệu suất lao động giảm đáng kể, nguy cơ chậm tiến độ là hiện hữu.

Thứ ba: Việc cung cấp và giao thiết bị từ nước ngoài chậm trễ; tại nhiều dự án, thiết bị không về kịp do thủ tục hải quan, do cảng đóng cửa, do ngăn chặn kiểm tra trên đường.

Thứ tư:  Đối với việc vận chuyển tua bin điện gió (hàng siêu trường, siêu trọng, vật tư khác). Do đặc thù, nhiều tuyến đường phải đi qua nhiều địa phương nằm trong diện phải thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ trong khi đại dịch Covid-19 bùng phát liên tục nên việc huy động nhân lực, cũng như lên kế hoạch vận chuyển gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội và khó khăn do việc ngăn chặn kiểm tra trên đường. Có những trường hợp vận chuyển đã phải dừng kế hoạch vận chuyển do nhân viên đội ngũ lái xe siêu trường siêu trọng bị dương tính Covid-19, phải xử lý nhân lực thay thế. Vận chuyển vật tư thiết bị đến công trường bị cản trở đáng kể, có những điểm phải nâng chiều cao tĩnh không của đường dây tải điện đi qua, hoặc mở rộng bán kính cong của đường giao thông, nhất là các dự án điện gió tại vùng rừng núi…

Thứ năm: Giá cả vật tư thị trường trong những tháng đầu năm 2021 đến nay (như sắt, thép, xi măng, cát…) tăng cao bất thường và khan hiếm nguồn cung cấp nghiêm trọng do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, làm chậm trễ tiến độ chung.

Thứ sáu: Lưới điện đấu nối không hoàn thành đúng hạn (một phần do nguyên nhân của giãn cách xã hội để phòng chống dịch).

Thứ bảy: Công tác nghiệm thu, vận hành thử và thủ tục công nhận ngày vận hành thương mại của dự án bị kéo dài. Cá biệt có dự án hoàn thành thi công, mời thử nghiệm, nghiệm thu cũng không ai, không cơ quan nào đến được do điều kiện giãn cách xã hội tại khu vực dự án và các khu vực liên quan (các thủ tục ngăn chặn, phong toả, cách ly quá ngặt nghèo tại các địa phương để chống dịch)…

Theo thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam quy định: “Dịch Covid-19 là nguyên nhân bất khả kháng”, nên các chủ đầu tư không thể yêu cầu nhà thầu bồi thường, hoặc khắc phục một phần tổn thất, đặc biệt là các nhà thầu nước ngoài, nhà cung cấp thiết bị tua bin điện gió. Các chủ đầu tư dự án đã nỗ lực rất nhiều để đẩy nhanh toàn bộ các phần việc trong nước có thể hoàn thiện bằng việc tăng suất đầu tư, chấp nhận tăng giá vật tư, thiết bị để đưa về công trường sớm hơn kế hoạch ban đầu, tăng cường huy động nhân lực, làm ca, kíp… Với tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp, phát sinh chi phí dự án tăng cao dù lãi suất huy động vốn đã ấn định dự án rất khó có thể hoàn vốn và dẫn đến nguy cơ phá sản cao.

Vì vậy, hiện nay khá nhiều chủ đầu tư các dự án điện gió như đang ‘ngồi trên đống lửa’, đang ‘kêu trời’ và kiến nghị các cấp thẩm quyền cho giãn thời gian hiệu lực của cơ chế FIT, với mong muốn: Chính phủ xem xét gia hạn thời hạn giá FIT của điện gió thêm 6 tháng nhằm tránh việc hàng loạt các dự án điện gió bị phá sản. Các nhà đầu tư điện gió cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Chính phủ và các địa phương trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid 19. Cạnh đó, một số địa phương cũng kiến nghị Chính phủ gia hạn thêm thời gian cho các dự án điện gió (như UBND tỉnh Sóc Trăng, UBND tỉnh Gia Lai) với những lý do nêu trên.   

II. Kiến nghị giải pháp hỗ trợ cần thiết cho phát triển điện gió:

Với những thách thức, khó khăn lớn nêu trên, trong đó có những vấn đề “bất khả kháng” như tác động của dịch Covid-19, các tổ chức hiệp hội chuyên ngành, doanh nghiệp và một số địa phương đã có một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất: Quyết định 39/2018/QĐ-TTg “về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió tại Việt Nam” đưa ra thời hạn biểu giá FIT hiện tại chỉ tới trước 00:00 ngày 1/11/2021, còn sau thời điểm này chưa có cơ chế tiếp nối cho điện gió. Do đó, trước mắt Chính phủ với tinh thần “tương thân tương ái của người Việt” cần có chính sách điều chỉnh, giãn thêm thời hạn hiệu lực của FIT điện gió, chủ yếu do tác động bất khả kháng của dịch bệnh Covid-19. Kiến nghị gia hạn giá FIT thêm 6 tháng đối với các dự án điện gió đang xây dựng và xem xét gia hạn giá FIT thêm 12 tháng đối với dự án điện gió ngoài khơi đang xây dựng do dịch bệnh Covid-19 và do các thủ tục giao mặt nước của các cơ quan quản lý nhà nước chậm, không rõ ràng thẩm quyền.

Thứ hai: Sở Giao thông Vận tải các tỉnh và Cục Giao thông Đường bộ cần có chính sách hợp lý cho việc vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng để hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành dự án.

Thứ ba: UBND các tỉnh cần thiết hỗ trợ về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tránh trường hợp công trình xây lên nhưng đất chưa chuyển đổi từ đất nông nghiệp, hoặc lâm nghiệp sang đất dự án điện gió.

Thứ tư: Về các văn bản quy định, kiến nghị cần có chính sách rõ ràng cho điện gió ngoài khơi. Vì đến nay, Chính phủ đã có các văn bản pháp lý quan trọng, tạo khuôn khổ để phê duyệt phát triển các dự điện gió gần bờ, song chưa có chính sách phát triển dành cho dự án điện gió xa bờ.

Thứ năm: Cần có lộ trình chính sách điện gió dài hạn, tạo điều kiện để nhà đầu tư có thể chủ động nắm bắt và có kế hoạch cụ thể, huy động nguồn vốn, tài chính và nguồn nhân lực cho phù hợp, tránh lãng phí.

Những kiến nghị trên, theo chúng tôi là hết sức hợp lý. Do vậy, Chính phủ cần phải giải quyết khẩn trương kiến nghị về gia hạn thời gian áp dụng giá FIT (như đã nêu tại điểm kiến nghị thứ nhất) để thể hiện rõ sự “cảm thông tương ái” của Chính phủ đối với doanh nghiệp trong điều kiện bất khả kháng của dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp điện gió đảm bảo được hiệu quả của đầu tư.

Mặt khác, xem xét có chính sách dài hạn (như nêu tại kiến nghị thứ tư và thứ năm) nhằm góp phần thúc đẩy chính sách phát triển năng lượng tái tạo theo các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ./.

THS. NGUYỄN HỮU KHOA - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM; TRƯỜNG CAO ĐẲNG ĐIỆN LỰC TP. HỒ CHÍ MINH

https://nangluongvietnam.vn/nhung-thach-thuc-cua-nha-dau-tu-dien-gio-va-de-xuat-chinh-sach-phat-trien-cho-viet-nam-27099.html