Đánh thức tiềm năng vùng ven biển
Cùng với quy hoạch điện gió được phê duyệt, hạ tầng truyền tải lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Cà Mau đến năm 2025, có xét đến năm 2035, đủ đảm bảo giải phóng công suất cho các dự án nhà máy điện gió đầu tư trên địa bàn tỉnh hoạt động.
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đánh giá cao tiềm năng của Cà Mau. Ông Anh cho biết, tổng quy mô công suất hệ thống điện của Việt Nam hiện là 77.000 MW, trong đó nguồn từ điện gió khoảng 4.000 MW.
Theo tính toán, đến năm 2045, nguồn điện từ năng lượng tái tạo, trong đó phần lớn là từ điện gió chiếm khoảng 75% tổng công suất điện, như vậy mức tăng trưởng trong thời gian tới phải từ 8-10%/năm, nghĩa là mỗi năm điện gió đóng góp vào nguồn điện từ 5.000-7.000 MW.
Ông Nguyễn Tài Anh nhấn mạnh: “Cà Mau còn rất nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo, cần tiếp tục phát triển, góp phần xứng đáng vào nguồn năng lượng quốc gia. Điều này không những đảm bảo an ninh năng lượng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đang tăng tốc rất nhanh, mà còn thể hiện cam kết tăng trưởng xanh của đất nước, cũng như khẳng định chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam.
Tương lai gần, Cà Mau sẽ tiếp tục có thêm nhiều công trình điện gió được triển khai dọc ven biển từ Đông sang Tây”.
Nhà máy điện gió Tân Thuận đưa vào vận hành
Hiện tỉnh có 3 nhà máy điện gió đã vận hành 100 MW thương mại. Tháng 4/2022, Công ty Cổ phần năng lượng tái tạo tỉnh Cà Mau (CMC) tổ chức Lễ khánh thành Dự án nhà máy điện gió Tân Thuận 75MW (tại ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi).
Dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp chủ trương đầu tư giai đoạn 1 ngày 20/6/2018 với công suất 25MW, giai đoạn 2 ngày 01/10/2019 với công suất 50MW, tổng mức đầu tư trên 3.800 tỷ đồng, thực hiện trên địa bàn ấp Lưu Thanh Hoa, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi.
Dự án có tổng cộng 18 trụ điện gió trên biển (trụ xa nhất cách bờ đến 5,3km), mỗi trụ tua bin gió có công suất 4MW, tuyến đường dây 22 kV hỗn hợp gồm 5 mạch cáp ngầm xuyên biển, nối các trụ tua bin gió; nhà điều hành, trạm biến áp 110 kV.
Hiện có vài dự án chậm tiến độ do thiết bị thiếu ảnh hưởng dịch Covid-19
Theo chủ đầu tư, dự án thi công trên các địa hình khác nhau, với nhiều hạng mục có tính chất phức tạp cao, trong đó 18 trụ điện gió nằm trên biển (với trụ xa nhất cách bờ đến 5,3 km), tuyến đường dây 22 kV hỗn hợp gồm 5 mạch cáp ngầm xuyên biển nối 18 trụ tua bin gió, cùng tuyến đường dây trên không nối từ trụ T1 cho tới trạm biến áp 110 kV nằm trên khu vực cửa sông, nên gặp rất nhiều khó khăn khi thời tiết trên biển biến động.
Dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận đưa vào vận hành sẽ bổ sung cho hệ thống điện quốc gia khoảng 225 triệu kWh/năm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương huyện Đầm Dơi nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung; tạo công ăn việc làm cho người lao động và nguồn thu ổn định cho ngân sách tỉnh Cà Mau khoảng 45 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, Dự án điện gió Tân Ân (huyện Ngọc Hiển) cũng đã vận hành thương mại, đưa tổng công suất phát điện từ hệ thống điện gió của tỉnh đến nay đạt 100 MW.
Điểm nhấn đáng tự hào
Theo Quy hoạch phát triển điện gió được phê duyệt, thời gian qua tỉnh đã tích cực mời gọi đầu tư và được nhiều nhà đầu tư đăng ký, nghiên cứu, tiếp cận, khảo sát, thực hiện trình tự theo quy định của pháp luật.
Đến nay, toàn tỉnh có 14 dự án điện gió được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất 800 MW, trong đó, 03 dự án đã vận hành thương mại, 07 dự án đang triển khai thi công, 04 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư, xây dựng để chuẩn bị thi công; ngoài ra có 02 dự án đã được nhà đầu tư đề xuất, tỉnh đang xin ý kiến các bộ, ngành trung ương làm cơ sở phê duyệt chủ trương đầu tư.
Hiện nhiều dự án đang thi công
Trong các dự án thi công có Dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1A, 1B, 1C và 1D vừa được khởi công xây dựng (tại ấp Mai Hoa, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), với vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.
Nhà máy điện gió Cà Mau 1 – giai đoạn 1 có công suất 350 MW. Theo dự kiến, ở giai đoạn 1, chủ đầu tư là Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng (WTO) sẽ xây dựng 83 tuabin trên biển thuộc xã Tân Tiến, xã Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi) và xã Tam Giang Đông (huyện Năm Căn), với công suất thiết kế 4,5 MW/tuabin, tổng công suất phát điện của dự án đạt 1,1 triệu MWh/năm.
1 dự án hoàn thành nhưng chờ giá điện để đấu nối còn lại là chậm tiến độ do dịch Covid-19 thiếu thiết bị, vật tư và chờ giá điện. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục trình Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII) tổng cộng 34 dự án, tổng công suất 23.014 MW, trong đó có 21 dự án điện gió, tổng công suất 9.468 MW và 03 dự án nhà máy điện gió ngoài khơi, tổng công suất 2.550 MW.
Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết, với vị trí địa lý là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km, có vùng biển và thêm lục địa với diện tích trên 70.000 km2, nên có lợi thế và tiềm năng rất lớn để khai thác năng lượng gió trên biển.
Phát triển năng lượng tái tạo đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm, ưu tiên và khuyến khích mời gọi đầu tư, nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tác động xấu đến môi trường sinh thái, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau cho rằng: “Phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương thuận ý Đảng, hợp lòng dân, theo xu thế phát triển của thế giới. Tại mảnh đất cực Nam Tổ quốc, từ khai thác lợi thế, Cà Mau đã hình thành nên những nhà máy điện gió đầu tiên, ghi tên lên bản đồ điện lưới quốc gia từ nguồn năng lượng tái tạo, tạo điểm nhấn đáng tự hào”.
Đăng Khoa/ congan.com.vn
Nguồn: https://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/nhung-dot-phat-kinh-te-sau-dai-dich-o-ca-mau-canh-dong-dien-gio-mien-cuoi-dat_139059.html