Những cánh đồng điện gió trên miền đất khó

Phát triển năng lượng tái tạo đang là xu thế chung của thế giới. Đối với Việt Nam, việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo được xác định là hành động nhằm cụ thể hóa cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26. Khu vực Bắc Trung Bộ, nhất là hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị nhiều nắng gió, được đánh giá có tiềm năng dồi dào phát triển năng lượng tái tạo.

Cánh đồng điện gió tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

Bằng những giải pháp hợp lý, hai tỉnh đã tập trung thu hút đầu tư, hướng tới trở thành khu vực năng lượng sạch của cả nước. Nắng nóng và gió phơn tây nam, nguồn năng lượng vô tận ở khu vực được biến thành nguyên liệu “đầu vào” sản xuất điện năng, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tạo nguồn thu bền vững cho các địa phương.

Tiềm năng dồi dào

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Bình Nguyễn Việt Hà, nằm trong vành đai nhiệt đới bắc bán cầu, chế độ nhiệt của Quảng Bình thể hiện tính chất nhiệt đới gió mùa, với nền nhiệt độ cao và phân bố khá đồng đều quanh năm.

Theo kết quả đo gió một số khu vực của tỉnh cho thấy, nhiều khu vực có tốc độ gió bình quân 5-6 m/giây ở độ cao 80 m, vùng ven biển tốc độ gió đạt tới 6-8 m/giây ở độ cao hơn 100 m. Qua khảo sát, nghiên cứu, tiềm năng kỹ thuật điện gió tại Quảng Bình khoảng hơn 6.000 MW, bao gồm điện gió trên bờ và gần bờ.

Đối với điện mặt trời, tổng lượng bức xạ ở Quảng Bình từ 1.163 kWh/m2/năm đến 1.549 kWh/m2/năm và có xu hướng tăng dần về phía đông. Số giờ nắng trung bình là 1.650-1.820 giờ/năm, cường độ bức xạ trung bình khoảng 4,03 kWh/m2/ngày. Tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời qua khảo sát, nghiên cứu khoảng 13.000 MW, bao gồm điện mặt trời mặt đất và điện mặt trời nổi (trên ao, hồ).

Về điện sinh khối, Quảng Bình hiện có độ che phủ của rừng đứng thứ hai cả nước nên khối lượng gỗ rừng trồng và các phế phẩm của rừng trồng như cành, ngọn cây; các loại tre, nứa rất lớn, là điều kiện để phát triển điện sinh khối. Hiện, các nhà đầu tư đang quan tâm khảo sát để đầu tư các dự án điện sinh khối với tổng công suất 318 MW.

Tương tự, tỉnh Quảng Trị cũng có nhiều dư địa để phát triển năng lượng nói chung, năng lượng tái tạo nói riêng. Qua khảo sát của các ngành chức năng cho thấy, tiềm năng phát triển năng lượng trên địa bàn đạt công suất hơn 14.000 MW, trong đó lĩnh vực tiềm năng nhất là điện gió và điện mặt trời. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng, khí hậu ở địa phương là nắng to, gió lớn thường xuyên đã làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân, song trước đây tỉnh chưa biết phát huy mặt tích cực của đặc thù khí hậu này.

Gần đây, nắm bắt được xu hướng phát triển năng lượng tái tạo có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, Quảng Trị đã tạo nên bước ngoặt khi mạnh dạn kêu gọi đầu tư, phát huy tiềm năng “nắng to, gió lớn” trở thành năng lượng sạch. Tỉnh hạ quyết tâm phấn đấu đến năm 2025, sẽ hoàn thành và phát điện thương mại 2.500-3.000 MW và đến năm 2030 khoảng 9.500 MW.

Bám sát Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thời gian qua, Đảng bộ hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đều xác định phát triển tối đa nguồn điện từ năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Từ đó, hai tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, kêu gọi, cho phép nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu, khảo sát, lập các dự án năng lượng tái tạo.

Biến “nắng to, gió lớn” thành nguồn thu

Tại Quảng Bình hiện có 25 nhà đầu tư thực hiện khảo sát, đo gió và các dự án điện gió đã được Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất bổ sung Quy hoạch điện VIII với tổng công suất 6.159 MW. Ngoài ra, 10 dự án điện mặt trời có tổng công suất 1.230 MW cũng được Ủy ban nhân dân tỉnh xin bổ sung vào Quy hoạch điện VIII.

Nhà máy điện mặt trời Dowha ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

Theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, hiện nay tỉnh Quảng Bình đã cơ bản hành thành toàn bộ các dự án đã được phê duyệt như Cụm trang trại điện gió B&T, Nhà máy điện mặt trời Dowha-Lệ Thủy, thuộc Tập đoàn Dohwa (Hàn Quốc).

Phát triển ấn tượng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Quảng Bình trong giai đoạn bị ảnh hưởng của đại dịch và khó khăn do suy thoái kinh tế là dự án Cụm trang trại điện gió B&T. Cụm gồm hai trang trại điện gió BT1 và BT2, tổng công suất 252 MW, tổng vốn đầu tư hơn 8.113 tỷ đồng, gồm 60 turbin, mỗi turbin có công suất 4,2 MW.

Tại một turbin gió cao 145 m, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư AMI Renewables Quảng Bình - chủ đầu tư Cụm trang trại điện gió B&T Nguyễn Nam Thắng cho biết: Dự án Cụm trang trại điện gió B&T đã hoàn thành và phát điện thương mại vào cuối tháng 10/2021, hằng năm cung cấp gần 600 triệu kW giờ điện, nộp ngân sách hơn 120 tỷ đồng/năm. Điều quan trọng là mỗi năm, dự án năng lượng sạch này góp phần giảm 581 nghìn tấn CO2.

Cũng theo ông Nguyễn Nam Thắng, trong Quy hoạch điện VIII vừa phê duyệt, có nội dung ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi khu vực Bắc Trung Bộ. Nắm bắt xu thế này, Công ty cổ phần đầu tư AMI Renewables Quảng Bình đang tiến hành khảo sát, lắp đặt cột đo gió ngoài khơi gần đảo Hòn La của tỉnh Quảng Bình để lập dự án cho giai đoạn 2025-2030. Còn từ nay đến năm 2025, công ty triển khai dự án xây dựng Nhà máy điện gió AMI Savannakhet. Với quy mô công suất 1.220 MW, dự án Nhà máy điện gió AMI Savannakhet có tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ USD, là dự án về năng lượng lớn nhất của Việt Nam đầu tư tại Lào đến thời điểm này.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Trị Lê Tiến Dũng cho biết, những năm gần đây, “bức tranh” công nghiệp năng lượng Quảng Trị bước đầu hình thành nhờ khai thác từ những tiềm năng sẵn có. Điều đó minh chứng những nỗ lực, hướng đi của tỉnh trong việc xác định công nghiệp năng lượng là một trong ba trụ cột kinh tế của địa phương, là lĩnh vực đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Đến nay, Quảng Trị có 19 dự án điện gió với tổng công suất đạt 714 MW (đã đưa vào vận hành thương mại 671 MW) và ba dự án điện mặt trời, tổng công suất 127 MW cũng đã vận hành thương mại. Ngoài ra, còn có 104 MW hệ thống điện mặt trời áp mái nhà. Ngoài việc đóng góp vào ngân sách địa phương, làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn miền núi, các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh còn góp phần đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông với khoảng 100 km đường cấp phối, tạo việc làm cho hơn 680 lao động tại chỗ.

Theo Quy hoạch điện VIII vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Nhà nước ưu tiên phát triển mạnh nguồn điện từ năng lượng tái tạo và nguồn điện này sẽ đạt tỷ lệ từ 30 đến 39% vào năm 2030. Dưới góc độ của địa phương có nhiều dư địa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết, với tiềm năng điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi và điện mặt trời, Quảng Bình xác định phát triển năng lượng tái tạo là một trong những ngành kinh tế trọng tâm của tỉnh.

Việc xây dựng dự án điện mặt trời, điện gió, đặc biệt là các dự án quy mô công nghiệp là một trong những nỗ lực trong thu hút đầu tư của tỉnh nhằm giảm nhẹ sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, bảo vệ môi trường, góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng bền vững.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho rằng, để khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo, sớm đưa địa phương trở thành trung tâm năng lượng của miền trung, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ chủ động cập nhật các dự án điện gió, điện mặt trời và những đề xuất, kiến nghị của tỉnh vào kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII để làm cơ sở pháp lý và hành lang tổ chức thực hiện các dự án năng lượng đã quy hoạch.

Tuy nhiên, trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII tới đây, các bộ, ngành cần bổ sung thêm những dự án truyền tải để tạo ra sự đồng bộ, liên hoàn trong các dự án nguồn và truyền tải, kết nối và tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư.

Giờ đây, những triền cát trắng khô cằn ven biển Quảng Bình đang dần trở thành những “cánh đồng năng lượng” trải dài tít tắp. Còn vùng miền núi phía tây Quảng Trị cũng trở thành “thủ phủ” điện gió của khu vực Bắc Trung Bộ. Nắng và gió trên vùng đất khó đang mang lại nguồn thu lớn và bền vững cho các tỉnh nghèo. Không chỉ vậy, những “cánh đồng điện gió” với hệ thống quạt turbin với các cánh quạt khổng lồ vươn mình đón gió giữa mênh mông cát trắng hay trên đồi hoang đã tạo nên khung cảnh hùng vĩ, thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm.

NGUYỄN VĂN HAI, HƯƠNG GIANG

Nguồn:https://nhandan.vn/nhung-canh-dong-dien-gio-tren-mien-dat-kho-post769098.html