“Chúng tôi cần biết được những tiêu chí Việt Nam lựa chọn các nhà đầu tư
cho dự án điện gió ngoài khơi (ĐGNK). Các tiêu chí bao gồm năng lực kỹ
thuật, tài chính, kinh nghiệm,… Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn có được
những cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm giữa nhà đầu tư quốc tế và trong
nước nhằm phát triển chuỗi cung ứng, cũng như ngành công nghiệp ĐGNK tại
Việt Nam”. Đây là một trong những đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài với
việc tham gia vào lĩnh vực ĐGNK tại Việt Nam.
Cơ hội và thách thức với nhà đầu tư nước ngoài
Theo
Ngân hàng thế giới, tổng tiềm năng kỹ thuật ĐGNK ở nước ta lên đến 600
GW. Với tiềm năng hấp dẫn, cùng với những mục tiêu cụ thể được đề ra
trong Quy hoạch điện VIII, các nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ mong muốn
tham gia khởi tạo và phát triển lĩnh vực ĐGNK tại Việt Nam.
Lĩnh vực điện gió ngoài khơi đang thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài
Các
nhà đầu tư quốc tế đánh giá, Việt Nam có tiềm năng ĐGNK rất tốt, đặc
biệt là ở khu vực phía nam; đồng thời có những điều kiện thuận lợi để
phát triển ĐGNK trên cơ sở dịch vụ, chuỗi cung ứng hiện có. Quy hoạch
điện VIII được thông qua vừa qua đã đặt ra mục tiêu rất cụ thể cho ĐGNK
(không bao gồm xuất khẩu), đạt công suất 6 GW vào năm 2030 hoặc hơn,
chiếm 4% tổng cơ cấu nguồn điện và có thể đạt công suất 70 – 91,5 GW vào
năm 2050, chiếm 14,3 – 16% tổng cơ cấu nguồn điện. Bên cạnh đó, Việt
Nam còn có mục tiêu phát triển ĐGNK kết hợp với các loại hình năng lượng
tái tạo khác để sản xuất năng lượng mới hydro, amoniac xanh, cũng như
xuất khẩu ĐGNK sang các nước khác. Đây là những cơ hội mở ra cho các nhà
đầu tư quốc tế tham gia vào lĩnh vực này.
Để
đạt được mục tiêu 6 GW ĐGNK vào 2030, các nhà đầu tư quốc tế cho rằng,
Việt Nam cần có cơ chế để đẩy nhanh phát triển ĐGNK và những cơ chế này
cần cụ thể, minh bạch. Do cần 7 – 10 năm cho việc thực hiện một dự án
ĐGNK nên sức ép lên Quy hoạch điện VIII là rất lớn, trong khi đó, các
vấn đề về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này hiện vẫn chưa có hoặc
đang trong quá trình xem xét như, quy trình lựa chọn nhà đầu tư cho các
dự án ĐGNK vẫn chưa được thống nhất; Thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu
tư vẫn chưa được quy định rõ ràng; chưa có cơ chế giá mua điện cho các
dự án ĐGNK;…
Cần có cơ chế cho các dự án tiên phong
Ông
Stuart Livesey – Tổng Giám đốc COP Việt Nam & Điện gió La Gan chia
sẻ: “Đối với một nhà phát triển quốc tế trong triển khai ĐGNK, chúng tôi
cần thấy một lộ trình rõ ràng để tiếp cận thị trường. Lộ trình đấy bao
gồm các cơ chế pháp lý, cơ chế thương mại, cũng như những cơ chế đảm bảo
dự án được thực hiện đúng tiến độ. Tương tự như các dự án năng lượng
tái tạo khác, việc phát triển ĐGNK rất cần hợp đồng mua bán điện với lộ
trình rõ ràng và minh bạch cùng với việc phát triển lưới để đảm bảo sản
lượng điện được hấp thụ. Khi nhìn vào thị trường Việt Nam cũng như các
thị trường khác trên thế giới, chúng tôi nhìn ở bài toán chi phí, đi kèm
với rủi ro. Để nhà đầu tư nước ngoài có thể giảm thiểu được chi phí,
rủi ro, chúng tôi cần có sự hỗ trợ của Chính phủ qua các cơ chế trong
triển khai thực hiện”.
Ông Stuart
Livesey cho biết thêm, các nhà đầu tư quốc tế cần biết được các tiêu
chí mà Việt Nam lựa chọn những nhà đầu tư cho dự án ĐGNK. Trong đó, Việt
Nam cần thiết lập bộ tiêu chí rõ ràng để sàng lọc nhà đầu tư cũng nhằm
đảm bảo các dự án được triển khai đúng thời hạn, đúng kỹ thuật với chi
phí thực tế nhưng không kém phần cạnh tranh. Các tiêu chí có thể bao
gồm: kế hoạch triển khai dự án, năng lực kỹ thuật, điều kiện phát triển,
đội ngũ chuyên gia, năng lực tài chính, kinh nghiệm,... và có yêu cầu
minh chứng những năng lực cũng như kế hoạch triển khai.
Ông Jacques – Etienne MICHEL: Việt Nam có chuỗi cung ứng dầu khí đã phát
triển nên tận dụng cho phát triển ĐGNK. Cũng như rất nhiều công ty, tập
đoàn dầu khí lớn trên thế giới, với những lợi thế và điểm tương đồng,
Equinor cũng đi từ dầu khí đến với năng lượng tái tạo, trong đó đặc biệt
là ĐGNK có thể tận dụng kinh nghiệm và nguồn lực sẵn có.
Ông Jacques – Etienne MICHEL - Giám đốc
đại diện quốc gia của Equinor tại Việt Nam chia sẻ “Khi đến đầu tư tại
một đất nước chúng tôi nhìn vào triển vọng xa. Điều đầu tiên, chúng tôi
nhìn vào là khung pháp lý và chính sách, cần sự hỗ trợ chính trị rất
mạnh mẽ. Bên cạnh đó, quy mô dự án phải đủ lớn để đầu tư, phải có chuỗi
cung ứng, nhà cung cấp để đảm bảo dự án tiến hành, có sự phối hợp tốt
của các cơ quan địa phương và cần một nhu cầu thị trường lớn sẵn sàng để
có thể đầu tư”.
Equinor cũng như
các nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ, sẵn sàng sẻ kinh nghiệm trong đầu tư,
xây dựng ngoài khơi, phát triển chuỗi cung ứng, cũng như nhiều công
nghệ ĐGNK đã được công nhận, đồng thời có thể huy động các công ty khác
trên thế giới tham gia nhằm phát triển công nghiệp ĐGNK tại Việt Nam.
Về
vấn đề chuỗi cung ứng, với kinh nghiệm của mình, ông Jacques –Etienne
MICHEL cho rằng, Việt Nam có chuỗi cung ứng dầu khí đã phát triển nên
tận dụng cho phát triển ĐGNK. Cũng như rất nhiều công ty, tập đoàn dầu
khí lớn trên thế giới, với những lợi thế và điểm tương đồng, Equinor
cũng đi từ dầu khí đến với năng lượng tái tạo, trong đó đặc biệt là ĐGNK
có thể tận dụng kinh nghiệm và nguồn lực sẵn có.
Có
thể tận dụng cơ sở hạ tầng, năng lực, kinh nghiệm, chuỗi cung ứng trong
ngành Dầu khí cho phát triển lĩnh vực điện gió ngoài khơi
Cơ
chế thí điểm cho các dự án tiên phong cũng là vấn đề nhiều nhà đầu tư
nước ngoài đề xuất với yêu cầu có quy trình cho các dự án đầu tiên được
triển khai nhanh. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn có cơ
chế giá áp dụng cho các dự án đầu tiên vì doanh thu là điều kiện then
chốt, phải có hợp đồng mua bán điện đủ điều kiện tiếp cận với nguồn vốn
quốc tế có lãi suất thấp. Trong đó, có thể xem xét một cơ chế giá đặc
biệt trong giai đoạn trước mắt song song đó xây dựng cơ chế giá trong
tương lai như việc tiến đến hợp đồng mua bán điện trực tiếp.
Với
việc triển khai các dự án thí điểm, ông Stuart Livesey – Tổng Giám đốc
COP Việt Nam & Điện gió La Gan cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước
có kinh nghiệm, năng lực có thể thúc đẩy trong lĩnh vực ĐGNK cũng như
lĩnh vực điện như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam
nên tham gia vào quá trình này để học hỏi và dẫn dắt toàn ngành; đồng
thời khuyến khích các nhà đầu tư, nhà phát triển dự án tư nhân giàu kinh
nghiệm tham gia để đảm bảo cung cấp kiến thức và vốn cho quá trình thực
hiện.
Với kinh nghiệm trên toàn
cầu, các nhà đầu tư nước ngoài đưa ra 4 khuyến nghị quan tâm chính: Đầu
tiên là việc cấp phép khảo sát ngoài khơi và hướng dẫn khảo sát ngoài
khơi cho các nhà đầu tư phát triển dự án; thứ hai cần xem xét cơ chế thí
điểm điện gió ngoài khơi; thứ ba cần có quy định rõ ràng trong lựa chọn
nhà đầu tư; và thứ tư cần có một hợp đồng mua bán điện có thể huy động
vốn quốc tế và đảm bảo với mỗi dự án. Các công tác này giúp cho nhà đầu
tư yên tâm để sẵn sàng đầu tư hàng tỷ đô la cho việc khảo sát và phát
triển dự án.
Dựa trên kinh nghiệm trên toàn cầu, các nhà đầu tư quốc tế khuyến nghị 4 điểm chính trong tham gia vào lĩnh vực ĐGNK:
1.
Trao khu vực khảo sát phát triển dự án: Quy hoạch không gian biển đang
được xây dựng sẽ là cơ sở để lựa chọn các khu vực dự án. Các dự án đầu
tiên cần được gấp rút trao khu vực khảo sát thông qua cơ chế đặc thù;
Cập nhật các quy định và trao quyền cấp phép khảo sát (Nghị định 11).
2.
Áp dụng cơ chế thí điểm: Kết hợp cả doanh nghiệp nhà nước và nhà phát
triển dự án tư nhân; mục tiêu đề xuất là thí điểm 3 GW (kết hợp các dự
án 500 MW và 1 GW), 3 GW còn lại triển khai dưới dạng đấu thầu cạnh
tranh.
3. Quy trình lựa chọn nhà đầu tư rõ ràng: Đưa quy
trình chắc chắn, rõ ràng hơn để tháo gỡ các nút thắt cho nhà đầu tư,
nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng biển và hiểu rõ thẩm quyền của các bộ ngành
liên quan. Một cơ chế hỗ trợ ổn định sẽ khuyến khích phát triển ổn định.
4.
Hợp đồng mua bán điện có thể huy động vốn quốc tế với sự đảm bảo về khả
năng đấu nối của dự án. Mục đích đảm bảo dự án có khả năng huy động vốn
và đảm bảo cho các khoản đầu tư lớn (2 – 3 tỷ USD cho một dự án 500
MW).
|
TS.
Hoàng Xuân Quốc, Giám đốc năng lượng Tập đoàn VinaCapital, Thành viên
độc lập HĐQT Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC):
Đặc thù của ĐGNK là phải đầu tư lớn mới hiệu quả. Các dự án ĐGNK thông
thường phải từ 1 GW trở lên. Do đó, tôi nghĩ vai trò của nhà đầu tư nước
ngoài trong lĩnh vực này rất quan trọng. Vì đầu tư ĐGNK cần vốn rất
lớn, các dự án hầu như đều cần hàng tỷ USD. Như vậy việc thu xếp được
nguồn vốn lớn, đặc biệt là vốn nước ngoài với chi phí vốn hợp lý là rất
cần thiết.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài có kinh
nghiệm trong vận hành, khai thác, bảo trì, sửa chữa những cụm ĐGNK, lựa
chọn những công nghệ phù hợp nhất và quản trị rủi ro trong quá trình
thực hiện các dự án. Do đó, tôi nghĩ Việt Nam cần có chính sách phù hợp
để thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ĐGNK. Nhiều công ty
lớn và quỹ đầu tư hiện đang rất quan tâm tới phát triển năng lượng tái
tạo nói chung, ĐGNK tại Việt Nam nói riêng.
|
Mai Phương
Nguồn:https://petrovietnam.petrotimes.vn/nha-dau-tu-quoc-te-muon-tham-gia-khoi-tao-cac-du-an-dien-gio-ngoai-khoi-tai-viet-nam-693405.html