Quy hoạch điện VIII chưa được ban hành, chưa có quy hoạch không gian biển, các chính sách chưa rõ ràng khiến dự tính có 7.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 đối mặt với nhiều thách thức.
Lựa chọn nhà đầu tư không qua đấu thầu được cho là giải pháp để có thể hiện thực hóa mục tiêu có 7.000 MW điện gió ngoài khơi
Nhà đầu tư muốn giá FIT khi chính sách chưa đủ
Ông Mark Hutchison, đại diện Hiệp hội Gió toàn cầu (GWEC) cho hay, nếu Việt Nam chuyển thẳng sang đấu thầu chọn nhà đầu tư phát triển dự án điện gió ngoài khơi, thì phải tới năm 2030 dự án đầu tiên mới có thể triển khai được. Như vậy sẽ khó đáp ứng được mục tiêu có 7.000 MW điện gió ngoài khơi vận hành được vào năm 2030.
Nhận xét trên có phần dựa vào thực tế các cơ chế, chính sách liên quan đến điện gió ngoài khơi hiện chưa rõ ràng hoặc chưa được ban hành. Đơn cử, Quy hoạch Điện VIII chưa được ban hành, nhưng ngay cả khi đã có, thì Bộ Công thương còn phải xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch làm cơ sở để xác định quy mô công suất các dự án phân theo từng địa phương, tiếp đó mới đến công tác lựa chọn nhà đầu tư.
Ngoài ra, hiện cũng chưa có quy hoạch không gian biển, việc đo đạc khảo sát, thăm dò biển cũng đang chờ Nghị định mới do Nghị định 11/2021/NĐ-CP về việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển hiện nay chưa phù hợp với sự xuất hiện của các dự án điện gió ngoài khơi trong vòng một năm trở lại đây.
Trước thực tế nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách cho điện gió ngoài khơi hiện chưa có, việc lựa chọn nhà đầu tư không qua đấu thầu song song với quá trình xây dựng cơ chế đấu thầu chọn nhà phát triển điện gió ngoài khơi ở thời điểm hiện nay được các nhà đầu tư cho là giải pháp để có thể hiện thực hóa việc có 7.000 MW điện gió ngoài khơi.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group nhận xét, nên xem xét, thực hiện giai đoạn chuyển tiếp trước khi thực hiện chính sách đấu thầu, đấu giá. Giai đoạn chuyển tiếp là thực hiện theo biểu giá điện cố định (FIT) phù hợp với điều kiện của Việt Nam và áp dụng cho 7.000 MW đầu tiên thực hiện trong giai đoạn đến năm 2030.
“Đây là giai đoạn đầu khởi động, định hình phát triển một ngành công nghiệp mới, hiện đại ở Việt Nam. Do vậy, Chính phủ có thể xem xét bắt đầu bằng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư (không qua đấu thầu), trên cơ sở phải đáp ứng được các tiêu chí rõ ràng, chứng minh được về năng lực, kinh nghiệm, tài chính..., đảm bảo rút ngắn giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư, các dự án có thể sớm được triển khai, vận hành trước năm 2030”, bà Bình nói.
Kiến nghị của các nhà đầu tư không phải là không có cơ sở, bởi dự án điện gió ngoài khơi giai đoạn đầu có quy mô khoảng 1.000 MW sẽ phải mất 6-8 năm từ khi chuẩn bị đầu tư tới vận hành thương mại và hiện đã là giữa năm 2022.
19 rủi ro: vẫn chưa đủ
Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam được ông Nguyễn Việt Long, Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam công bố mới đây đã liệt kê 19 rủi ro cần lưu ý trong quá trình triển khai dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Cụ thể, các nhà đầu tư đang chịu cả 19 rủi ro, bên cho vay chịu 14 rủi ro, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu 5 rủi ro và Chính phủ cũng có 2 rủi ro.
Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, nghiên cứu cho rằng, Chính phủ đóng một vai trò vô cùng quan trọng và việc hành động nên tập trung vào 4 nhóm vấn đề. Đó là cải thiện khả năng huy động vốn của hợp đồng mua bán điện bằng việc xây dựng cơ chế phân bổ rủi ro được chấp nhận bởi thông lệ quốc tế (trên cơ sở tham chiếu kinh nghiệm của Vương quốc Anh).
Tiếp đó là xây dựng một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ và minh bạch. Hai vấn đề còn lại là phát triển chuỗi cung ứng trong nước để hỗ trợ lĩnh vực điện gió ngoài khơi; tăng cường kế hoạch gia cố lưới điện và Quy hoạch điện VIII để hỗ trợ lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Từ góc nhìn thực tế của người đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo gồm cả điện mặt trời và điện gió, ông Bùi Vạn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận cho rằng, chưa thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm” cho điện gió ngoài khơi. Ngoài việc “cần một dự án thử nghiệm bởi qua đó sẽ đưa ra các thông tin vô cùng quan trọng để hoàn thiện chính sách cho điện gió ngoài khơi”, ông Thịnh cũng rất thẳng thắn khi nhận xét, điểm nghẽn hiện nay nằm ở lưới điện truyền tải và giá điện.
Châu Âu hay Bắc Mỹ có sự liên kết lưới điện rộng khắp các nước trong khu vực cũng như có múi giờ khác nhau, nên tận dụng được lợi thế các nguồn điện, phát huy được năng lượng tái tạo. Nhưng lưới điện của Việt Nam gần như độc lập với các nước xung quanh, nên không thể truyền tải đi thế mạnh của năng lượng tái tạo đang có công suất đặt lớn.
“Lưới điện Việt Nam đang ‘bội thực’ về năng lượng tái tạo. Nhà máy của chúng tôi ở Ninh Thuận cũng được thông báo là phải dừng hoàn toàn vì lưới không tải được trong một số thời điểm. Khi bội thực thì cần có thời gian để tiêu hoá hết cái hiện nay trước khi ăn món mới, chứ chưa nói gì tới món mới có giá cao”, ông Thịnh nhận xét.
Trước thực tế muốn giải quyết vấn đề lưới điện quá tải thì cần có đầu tư mới, ông Thịnh cũng nhắc tới hiện trạng “giá mua năng lượng tái tạo đã có đa phần cao hơn giá bán lẻ điện bình quân mà EVN được Nhà nước cho phép, nên EVN biết lấy đâu tiền để đầu tư”. Để giải quyết vòng luẩn quẩn này, ông Thịnh cho rằng, GWEC và Viện Năng lượng nên thẳng thắn trao đổi, tư vấn với các cơ quan nhà nước về các thực tế này.
Vị chuyên gia trên cũng cảnh báo, các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân phải có kế hoạch rất rõ ràng, chi tiết, cụ thể từ tên tàu bè, nhân sự, thiết bị, thời gian làm ở các khu vực để nộp cho cơ quan chức năng trong quá trình nghiên cứu, khảo sát biển nếu được chấp thuận.
“Trước nay, các công trình trên biển về dầu khí do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) thực hiện hoặc kéo cáp ngầm, trồng cột điện để kéo điện ra đảo xa là EVN làm. Nay nói tới điện gió ngoài khơi chỉ thấy toàn doanh nghiệp nước ngoài và nhà đầu tư tư nhân là cực kỳ nhạy cảm và sẽ được kiểm soát chặt chẽ”, ông Thịnh chia sẻ.
Ông Thịnh cũng cho biết thêm, những câu chuyện về an ninh quốc phòng, đường phòng thủ bờ biển hay tua-bin gió ngoài khơi có ảnh hưởng tới tầm hoạt động của rada ra sao… chắc chắn được các cơ quan liên quan nghiên cứu rất kỹ lưỡng.
Trước năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ nhận được 2 đề xuất đo đạc, khảo sát liên quan đến điện gió trên biển với khoảng cách ngoài 6 hải lý. Nhưng từ năm 2020 và trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượng đề xuất đã tăng lên thành 35. Đặc biệt, khu vực tỉnh Bình Thuận có 10 đề xuất.
Các doanh nghiệp trong nước có T&T Group, Xuân Thiện, Bitexco, Thái Bình Dương và một số doanh nghiệp thuộc các công ty nước ngoài làm về điện gió ngoài khơi. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chấp thuận cho 3 đơn vị để khảo sát, nghiên cứu tại các vùng biển thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre và Bình Thuận.
- Ông Nguyễn Thanh Huyên, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý sử dụng biển và hải đảo (Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường)
https://baodautu.vn/mong-manh-dien-gio-ngoai-khoi-d167777.html