Theo dữ liệu của tổ chức tư vấn năng
lượng European Electrical Review, vào năm 2022, năng lượng gió và mặt
trời đáp ứng gần 1/4 (tức 22%) tổng lượng điện tiêu thụ tại Liên minh
Châu Âu, nhiều hơn nhiều so với điện nhiệt than (16%). Thậm chí, đây là
lần đầu tiên điện gió và mặt trời vượt qua cả “điện sản xuất từ khí đốt
tự nhiên (20%)”.
Một thông cáo
báo chí đã trích dẫn lời của ông Dave Jones - người đứng đầu bộ phận
Phân tích dữ liệu tại Ember, như sau: “Châu Âu đã tránh được viễn cảnh
tồi tệ nhất giữa cuộc khủng hoảng năng lượng. Cú sốc năm 2022 đã khiến
điện nhiệt than hồi phục nhẹ, nhưng lại tạo ra làn sóng ủng hộ mạnh mẽ
cho năng lượng tái tạo. Mọi lo ngại về nguy cơ trở về với điện than, giờ
đã qua đi”.
Sản lượng năng lượng
tái tạo gia tăng chủ yếu nhờ vào năng lượng mặt trời. Trong năm 2022,
sản lượng điện mặt trời đã tăng thêm 39 TWh (+24%) so với năm 2021 - một
kỷ lục. Để so sánh quy mô, các nhà máy điện hạt nhân của Pháp sản xuất
279 TWh vào năm 2022.
Sau khi
cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra và các đường ống chuyên dẫn khí đốt từ
Nga đóng cửa dần dần, châu Âu đã ồ ạt đi nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa
lỏng (LNG), được vận chuyển bằng tàu thủy, và khởi động trở lại các nhà
máy nhiệt điện than. Dù vậy, theo các nhà phân tích, nếu không có năng
lượng mặt trời và năng lượng gió, thì châu Âu đã phải sử dụng nhiều than
hơn.
Cụ thể, từ năm 2021 đến năm
2022, sản lượng điện nhiệt than đã tăng 7% (+28 TWh). Nhưng trên thực
tế, nhu cầu sử dụng các nhà máy nhiệt điện than đã giảm trong 4 tháng
cuối năm. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ điện của châu Âu cũng giảm mạnh
(-7,9%) trong quý IV/2022 so với năm 2021. Điều này đã hỗ trợ rất nhiều
vào việc loại bỏ than đá.
Đối với
Ember, điện gió và mặt trời có tính hữu ích cao trong việc khắc phục
tình hình khủng hoảng khí đốt và khủng hoảng năng lượng. Hai vấn đề này
đã xảy ra cùng lúc tại châu Âu, vì nhiều lò phản ứng hạt nhân ở Pháp đã
bị đóng cửa. Thêm vào đó, nạn hạn hán đã làm giảm mực nước của hồ thủy
điện.
Báo cáo kết luận: “Mức tăng
trưởng kỷ lục trong ngành năng lượng mặt trời và năng lượng gió đã góp
phần bù đắp được cho sự thiếu hụt về năng lượng hạt nhân và thủy điện”.
Ngọc Duyên
Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/lan-dau-tien-o-chau-au-dien-gio-va-mat-troi-soan-ngoi-dien-khi-trong-nam-2022-677349.html