Làm gì để điện gió ngoài khơi “gần bờ” hơn?

Theo báo cáo "Lộ trình điện gió ngoài khơi tại Việt Nam" của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tiềm năng đạt được công suất gió ngoài khơi từ 11GW đến 25GW đến năm 2035, có thể tạo ra tới 700.000 việc làm mỗi năm và giảm thiểu 217 triệu tấn khí thải CO2. Nhờ vậy, điện gió ngoài khơi đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm phát triển và đầu tư vào các dự án.

 

Thực tế, Việt Nam đã có những định hướng chiến lược cho việc phát triển và tận dụng nguồn năng lượng biển này như Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Quy hoạch phát triển điện VIII. Trong đó, đặt mục tiêu đạt 6 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và 70-91 GW vào năm 2050.

Tuy nhiên, thực tế triển khai lại gặp rất nhiều khó khăn. Một số nhà đầu tư cho biết, hiện việc chấp thuận chủ trương và lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực điện gió còn nhiều vướng mắc và chưa thống nhất giữa các văn bản quản lý pháp luật hiện hành. Điều này đã khiến một số nhà đầu tư điện gió ngoài khơi quốc tế "rút lui" khỏi Việt Nam trong sự tiếc nuối.

TS. Trần Văn Bình, thành viên Hội đồng Năng lượng tái tạo thế giới cho rằng, điện gió ngoài khơi của Việt Nam đã và đang bị phủ một "gam màu ảm đạm" rất đáng tiếc. Việt Nam có tiềm năng về gió, nhưng do chưa có khung pháp lý rõ ràng, chính sách chậm ban hành, và sự phân công chưa rõ ràng đã dẫn đến hậu quả là thu hút đầu tư vào điện gió ngoài khơi bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều chuyên gia và các tập đoàn năng lượng tái tạo lớn háo hức đến Việt Nam đặt văn phòng, khảo sát với mục đích nghiêm túc và lâu dài. Không ai muốn đến vui chơi rồi rời đi.

Cùng chung nhận định này, một chuyên gia phân tích rằng Việt Nam đang đứng trước một đại dương rộng lớn có năng lượng gió ngoài khơi, nhưng để đưa chúng ra khơi, chúng ta cần những "con tàu" vững chắc. Đó chính là hành lang pháp lý đầy đủ và rõ ràng. Do đó, cần quy định rõ về quy hoạch, cấp phép, đấu thầu, mua bán điện, quản lý môi trường, an toàn hàng hải và các vấn đề liên quan khác; thiết lập cơ chế chính sách hỗ trợ như ưu đãi về thuế, tín dụng, bảo hiểm, đơn giản hóa thủ tục hành chính... để thu hút đầu tư. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm và thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý và phát triển điện gió ngoài khơi.

Trong bối cảnh chưa có hành lang pháp lý cụ thể đối với điện gió ngoài khơi, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Trưởng Ban Điện và Năng lượng Tái tạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng, việc ban hành một nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là điều nên nghĩ tới để mở cửa cho điện gió ngoài khơi thí điểm tại Việt Nam. PVN đề xuất đưa một điều khoản/điều luật vào dự thảo Luật Điện lực cho phép đối tác nước ngoài đồng hành cùng PVN hoặc EVN thực hiện dự án. Đồng thời, mở rộng thành phần nhà đầu tư trong nước theo hướng không nhất thiết phải 100% vốn nhà nước như PVN hay EVN, mà có thể là các công ty thành viên có phần vốn chi phối của EVN hay PVN là đủ.

Đồng tình với việc cần sớm ban hành Nghị quyết Quốc hội thí điểm phát triển dự án điện gió ngoài khơi (2024 - 2025), TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học Môi trường Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, đây là cơ sở cho việc ban hành Luật Điện gió ngoài khơi sau năm 2030; cần lồng ghép chương về điện gió ngoài khơi vào Luật Điện lực sửa đổi. Ông cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung vào Luật Tài nguyên - Môi trường biển và hải đảo các quy định về không gian biển kỹ thuật cho điện gió, hướng dẫn đánh giá tác động môi trường - xã hội, và quy định về cấp phép khảo sát cho các tổ chức trong nước và nước ngoài với nguồn vốn ngoài ngân sách; quy hoạch không gian phát triển điện gió ngoài khơi cho các dự án cụ thể gắn với kế hoạch thực hiện và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Võ Giang

Theo Thời báo Ngân hàng 

https://thoibaonganhang.vn/lam-gi-de-dien-gio-ngoai-khoi-gan-bo-hon-156048.html