Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ điện
của miền Bắc hiện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn
bình quân cả nước.
Năm 2022, nguồn điện ở miền Bắc dự kiến đưa vào vận hành rất ít, các
nguồn điện mới bổ sung ở miền Trung và miền Nam (chủ yếu là năng lượng tái tạo)
vài năm gần đây cũng chỉ hỗ trợ được một phần cho miền Bắc, do công
suất truyền tải qua đường dây 500kV bị giới hạn về kỹ thuật.
Trong khi đó, tình hình cung cấp than cho sản xuất điện gặp rất nhiều
khó khăn, hệ thống điện miền Bắc tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục thiếu công
suất đỉnh trong các tháng nắng nóng. Chính vì vậy, EVN
đề xuất đến năm 2025, cần đưa vào vận hành thêm khoảng 5.500MW các
nguồn điện tái tạo, gồm 4.000MW điện gió ngoài khơi và khoảng 1.500MW
điện Mặt Trời kèm theo hệ thống lưu trữ phù hợp.
Bà Cao Thị Thu Yến, chuyên gia năng lượng tái tạo và môi trường Công
ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1 (EVNPECC1), cho biết nhu cầu năng
lượng của Việt Nam ngày càng tăng, trong khi các nguồn năng lượng truyền
thống đã gần đạt tới ngưỡng phát triển.
Việc EVN phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là đi đầu
triển khai điện gió ngoài khơi sẽ vừa phù hợp về chuyên môn kỹ thuật,
vừa định hướng về đầu tư, đồng thời bảo đảm lợi ích và chủ quyền quốc
gia ở khu vực vịnh Bắc Bộ.
Theo nghiên cứu của nhiều tổ chức gồm cả EVNPECC1, tiềm năng gió ở vịnh Bắc Bộ được đánh giá khá tốt, phù hợp phát triển điện gió ngoài khơi. Ở độ cao 100m tốc độ gió khu vực này đạt trung bình khoảng 7,5- 8,5m/s.
Đánh giá của Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) cho thấy, tiềm năng kỹ
thuật điện gió ngoài khơi ở khu vực này khoảng 18GW. Hiện một số tỉnh
như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đã trình đề xuất phát
triển nguồn điện gió ngoài khơi.
Chia sẻ về tiềm năng để phát triển điện gió của Việt Nam, ông Phạm
Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công
Thương) cho hay, với đường bờ biển dài, Việt Nam có tiềm năng phát triển
năng lượng gió vô cùng lớn.
Theo dự thảo Quy hoạch điện 8 đang được Bộ Công Thương rà soát, hoàn
thiện, Việt Nam dự kiến nâng tổng công suất điện gió từ khoảng gần
4.000MW năm 2022 lên đến khoảng 16.121MW điện gió trên bờ và gần bờ và
khoảng 7.000MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030.
Tuy nhiên, để phát triển điện gió ngoài khơi, đại diện Cục Điện lực
và Năng lượng tái tạo cho rằng Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những
thách thức không hề nhỏ.
Điển hình, khung pháp lý cho lĩnh vực này vẫn còn vướng, vì ngoài
việc giá trị đầu tư vốn lớn, còn liên quan đến các ngành như dầu khí,
hàng hải, thủy sản và đặc biệt là an ninh quốc phòng…
Trên thực tế, Bộ TN&MT cho biết, đã nhận được nhiều đề xuất khảo
sát điện gió ngoài khơi. Tới cuối tháng 8, đã có 55 đề xuất khảo sát
điện gió ngoài khơi, chủ yếu đến từ nhà đầu tư trong nước (65,5%). Tuy
nhiên, mới chỉ có một đề xuất được chấp thuận, của Tre, Tập đoàn Năng
lượng tái tạo Mainstream và đối tác Việt Nam là AIT để lắp trạm Lidar
với tổng vốn đầu tư 1,4 tỉ USD, phục vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi
dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Bến Tre.
Ngoài ra có 19 đề xuất đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên biển
đã được bộ đưa ra lấy ý kiến. Ngoài ra, theo thống kê từ các địa phương,
có khoảng 40 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi 100% của nhà đầu tư
trong nước, có phạm vi vùng biển từ 6 hải lý trở vào thuộc thẩm quyền
quyết định, chấp thuận của UBND cấp tỉnh.
Mặc dù có nhiều đề xuất, song hiện còn nhiều ý kiến khác nhau của các
bộ ngành. Đơn cử như yêu cầu điều chỉnh quy mô, diện tích khu vực khảo
sát chồng lấn với khu vực dành cho các hoạt động quốc phòng, luồng hàng
hải, lưu ý các vấn đề an toàn hàng hải, quản lý người, phương tiện nước
ngoài trong vùng biển nước ta; không cấp phép với một số khu vực biển
chồng lấn với luồng hàng hải quốc gia; không được xâm phạm các khu vực
bảo tồn, nuôi trồng thủy sản hiện hữu....
Từ những ý kiến còn khác nhau, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng
hiện còn vướng mắc về pháp lý, cách hiểu khác nhau về cho phép hoặc
không cho phép với hoạt động này. Chưa có quy định về hồ sơ, trình tự
thủ tục, thời gian giải quyết việc chấp thuận đo đạc, quan trắc, điều
tra khảo sát, đánh giá tài nguyên biển, cũng như các vướng mắc về kỹ
thuật….
Vì thế, trong văn bản vừa gửi Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường
cho hay đang gấp rút hoàn thành dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một
số điều nghị định 40/2016 quy định chi tiết một số điều Luật tài nguyên,
môi trường biển và hải đảo cùng các quy định liên quan.
Trong thời gian chờ quy định ban hành, bộ đề nghị Chính phủ cho phép
tạm dừng thẩm định, chấp thuận phê duyệt về vị trí, ranh giới, diện
tích, tọa độ, độ sâu, thời gian sử dụng khu vực biển.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng cho
biết:” Với loại hình nguồn điện gió ngoài khơi, Việt Nam chưa có kinh
nghiệm phát triển. Do tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ, quy
trình và thủ tục đầu tư, quy mô đầu tư lớn, nên việc thực hiện công suất
theo quy hoạch lên tới 7.000MW vào năm 2030 thực sự là một thách thức
lớn”.
Nguồn:https://moitruong.net.vn/evn-de-xuat-phat-trien-dien-gio-ngoai-khoi-vinh-bac-bo-55756.html