Điều quan trọng giúp kích hoạt điện gió ngoài khơi

Để khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi, các ý kiến cho rằng Việt Nam hiện nay cần cho phép các dự án thí điểm, ban hành khung pháp lý rõ ràng, và tạo điều kiện cho nhà đầu tư.

Thuận lợi phát triển điện gió ngoài khơi

Việt Nam được đánh giá có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, như có đường bờ biển dài, nguồn gió dồi dào và vùng đáy biển tương đối nông phù hợp cho việc dựng hệ thống móng cố định.

Việt Nam cũng có chuỗi cung ứng được thiết lập tốt, có thể sử dụng gần như ngay lập tức hoặc chuyển đổi nhanh chóng, để hỗ trợ thực hiện nhiều công đoạn trong quá trình xây dựng hoặc thiết lập hệ thống hạ tầng cần thiết, khi phát triển và xây dựng một trang trại gió ngoài khơi.

Với khả năng cung cấp một lượng điện sạch khổng lồ với mức giá hấp dẫn, đồng thời tạo ra nhiều việc làm mới và thu hút đầu tư, điện gió ngoài khơi được đánh giá sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu năng lượng tương lai của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo về phát triển điện gió ngoài khơi mới đây, Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz nhấn mạnh điện gió ngoài khơi là cơ hội kép tuyệt vời cho Việt Nam.

Đây vừa là cơ hội cung cấp một nguồn năng lượng xanh và có chi phí hiệu quả cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước, lại vừa hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết tại Hội nghị COP26 với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài việc Việt Nam chuyển đổi sang ngành năng lượng xanh và bền vững, Đan Mạch mong đợi Chính phủ Việt Nam sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và nhất quán – điều cần thiết cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, bắt đầu bằng việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII, và quyền khảo sát ngoài khơi độc quyền”, vị đại sứ cho biết thêm.

Đan Mạch là quốc gia tiên phong và dẫn đầu thế giới về năng lượng gió ngoài khơi kể từ năm 1991, khi quốc gia này vận hành trang trại năng lượng gió ngoài khơi đầu tiên trên thế giới.

Hiện nay, Đan Mạch cũng đang đi đầu trong việc cắt giảm chi phí sản xuất để biến điện gió ngoài khơi thành một trong những loại năng lượng tái tạo cạnh tranh nhất.

Điều quan trọng giúp kích hoạt điện gió ngoài khơi

Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới trong báo cáo về lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam khuyến nghị rằng Việt Nam nên cho phép triển khai một vài dự án thí điểm trên quy mô lớn theo giai đoạn để kích hoạt ngành công nghiệp này.

Báo cáo đánh giá hiện nay là thời điểm chín muồi để chính phủ có các hành động mạnh mẽ, nếu muốn đạt được mục tiêu phát triển 7GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 như đề ra trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Ông Henrik Scheinemann, Đồng giám đốc điều hành của tập đoàn Copenhagen Offshore Partners (COP), bổ sung: “Điều quan trọng là Việt Nam nên tập trung vào việc khởi động ngành năng lượng tái tạo – một ngành công nghiệp đã được chứng minh là có hiệu quả cao, đồng thời, học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường đã phát triển và có thành tích tốt để chọn một mô hình điện gió ngoài khơi phù hợp với nhu cầu và kỹ năng của đất nước”.

Theo ông, Việt Nam có khả năng và sẽ thành lập ngành công nghiệp này. Hiện nay là lúc thúc đẩy và cho phép thực hiện các dự án thí điểm, ban hành khung pháp lý rõ ràng, cũng như tạo điều kiện để các nhà đầu tư và phát triển dự án chia sẻ bài học trong việc xây dựng chuỗi cung ứng địa phương, và giải quyết cơn khát năng lượng xanh ngày càng tăng của Việt Nam.

Kiều Mai

Nguồn:https://theleader.vn/dieu-quan-trong-giup-kich-hoat-dien-gio-ngoai-khoi-1679026181016.htm