Điện gió ngoài khơi sẽ trở thành trụ cột của quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu?

 Trong một báo cáo gần đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính sản lượng điện gió ngoài khơi sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong hai thập kỷ tới.

Hình minh họa


Năm 2018, các tuabin gió được lắp đặt ở ngoài khơi đã tạo ra hơn 67 TWh điện tái tạo 100%, tương đương 0,3% sản lượng điện toàn cầu. Theo các tác giả của báo cáo này, điện gió ngoài khơi dù chỉ mới ở giai đoạn sơ khai nhưng có thể trở thành nguồn sản xuất điện lớn nhất trong 20 năm tới.

Công suất điện gió ngoài khơi dự kiến sẽ tăng gấp 15 lần vào năm 2040, biến điện gió ngoài khơi trở thành nền tảng của hệ thống năng lượng toàn cầu và là giải pháp cho vấn đề nóng lên toàn cầu.

Tiềm năng gần như vô hạn

“Tại sao phải tốn nhiều công sức cho một báo cáo về điện gió ngoài khơi, một công nghệ mà ngày nay chỉ cung cấp 0,3% điện năng toàn cầu?”, Fatih Birol, giám đốc IEA hỏi và trả lời, “đơn giản vì tiềm năng của ngành này gần như vô hạn”.

Để chứng minh, giám đốc IEA dựa vào một trong những nghiên cứu toàn diện nhất về năng lượng gió ngoài khơi được công bố cho đến nay.

Báo cáo Offshore Wind Outlook trên thực tế là một tài liệu tổng hợp kết hợp phân tích không gian địa lý (bản đồ gió, dữ liệu vệ tinh), phân tích tiến bộ công nghệ, dự báo thương mại vàchính sách hỗ trợ từ các quốc gia.

Và kết luận chính của báo cáo này rất đơn giản: Công suấtđiện gió ngoài khơi sẽ tăng gấp 15 lần vào năm 2040. Nhờ khoản đầu tư tích lũy 1.000 tỷ USD trong 20 năm tới, công suất của trang trại điện gió ngoài khơi toàn cầu có thể tăng lên tới 562 GW.

Tầm quan trọng của tiến bộ công nghệ


Năng lượng gió ngoài khơi là một công nghệ có tiềm năng lớn. Dựa trên phân tích chi tiết của các nhà nghiên cứu tại Imperial College London, các tác giả của báo cáo IEA ước tính tiềm năng kỹ thuật của điện gió ngoài khơi ở mức 420.000 TWh điện sạch mỗi năm trên toàn thế giới, gấp 11 lần dự báo nhu cầu điện toàn cầu vào năm 2040.

“Những địa điểm tốt nhất cho điện gió ngoài khơi có thể cung cấp nhiều điện hơn so với nhu cầu hiện nay của thế giới”, theo báo cáo Offshore Wind Outlook.

Tiến bộ công nghệ là một yếu tố quan trọng cần được tính đến trong ngành điện gió ngoài khơi: Một số tiến bộ công nghệ đáng chú ý, chẳng hạn như tuabin lớn và bệ nổi, sẽ giúp khai thác tối đa tiềm năng của điện gió ngoài khơi, đồng thời cho phép giảm chi phí sản xuất.

“Trong thập kỷ qua, hai lĩnh vực đổi mới công nghệ lớn đã làm thay đổi hệ thống năng lượng bằng cách giảm đáng kể chi phí: Cuộc cách mạng đá phiến và sự phát triển của điện mặt trời. Điện gió ngoài khơi có tiềm năng gia nhập hàng ngũ nàyđể giảm chi phí”, giám đốc AIE cho biết.

Chính sách hỗ trợ điện gió ngoài khơi

Châu Âu, nơi tiên phong trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, nhờ vào các khu vựcBiển Bắc, sẽ tiếp tục dẫn đầuvề tăng trưởng điện gió ngoài khơi toàn cầu. Hiện tại,lục địa này có tổng công suất tích lũy là 20 GW: Con số này sẽ tăng lên 130 GW vào năm 2040 nếu các chính sách ủng hộ năng lượng tái tạo tiếp tục được duy trì.

Các tác giả của báo cáo cho biết: “Một tầm nhìn thậm chí còn tham vọng hơn, trong đó các chính sách dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu về hydro sạch được sản xuất từ điện gió ngoài khơi, có thể làm tăng đáng kể công suất ngành nàyở châu Âu”.

Trung Quốc cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng này: Công nghệ tái tạo có thể cho phép chính phủ Trung Quốc đạt được tham vọng trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí. IEA ước tính công suất điện gió ngoài khơi Trung Quốc có thể tăng từ 4 GW hiện nay lên 110 GW vào năm 2040.

Điện gió ngoài khơi là một công nghệ đặc biệt hấp dẫn đối với Trung Quốc: Các trang trại điện gió ngoài khơi có thể được xây dựng gần các trung tâm dân cư lớnở miền Đông và Nam nước này. Đến năm 2025, Trung Quốc dự kiến sẽ có đội tuabin gió ngoài khơi lớn nhất, vượt qua Anh.

IEA kêu gọi các chính phủ châu Âu mở đường cho sự phát triển của điện gió ngoài khơi thông qua các chính sách năng lượng đầy tham vọng nhằm khuyến khích đầu tư lớn vào lĩnh vực tái tạo này trong tương lai. Điều này bao gồm thiết kế thị trường tỉ mỉ, đảm bảo nguồn chi phí thấp và các quy định công nhận việc phát triển cơ sở hạ tầng trên bờ (lưới điện) là cần thiết để tích hợp hiệu quả sản xuất của điện gió ngoài khơi.

Nh.Thạch

Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/dien-gio-ngoai-khoi-se-tro-thanh-tru-cot-cua-qua-trinh-chuyen-doi-nang-luong-toan-cau-713042.html