Trên thế giới, ngành năng lượng tái tạo đã được chứng minh tạo ra nguồn việc làm đáng kể nhờ vào chuỗi cung ứng lâu dài và công phu. Theo tính toán, trong suốt thời gian hoạt động, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn có thể đóng góp khoảng 4,4 tỷ đô la Mỹ và tạo ra hơn 45.000 việc làm trực tiếp cho nền kinh tế Việt Nam. Trong số các công việc được tạo ra trong các giai đoạn khác nhau, giai đoạn vận hành và bảo trì (O&M) sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra giá trị lâu dài cho cộng đồng địa phương tỉnh Bình Thuận. Mỗi năm, dự án La Gàn được dự kiến sẽ tạo ra hơn 1.000 việc làm trực tiếp khi đi vào hoạt động hoàn chỉnh.
Theo một nghiên cứu việc làm toàn cầu: “Đo lường kinh tế xã hội của quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo: Tập trung vào vấn đề việc làm” - (tên tiếng Anh “Measuring the socio-economics of transition: Focus on jobs”) do Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) thực hiện, các công việc trong lĩnh vực tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả được dự báo sẽ vượt qua các công việc trong lĩnh vực năng lượng truyền thống vào năm 2050 trên toàn cầu. Hơn nữa, việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo có thể đạt mức tăng trưởng đáng kể nhất khi cán mốc 42 triệu người làm việc trong lĩnh vực này vào năm 2050 nếu chính phủ các nước thực hiện các chính sách chủ động hơn trong việc chuyển đổi năng lượng, như thể hiện trong biểu đồ dưới đây.
Toàn cảnh việc làm toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng (2017 và 2050). Nguồn: “Đo lường kinh tế xã hội của quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo: Tập trung vào vấn đề việc làm”, do Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) thực hiện.
Là một trong những nguồn năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh chóng, điện gió ngoài khơi không chỉ cung cấp một nguồn năng lượng sạch và đáng tin cậy cho Việt Nam mà còn mang lại nhiều lợi ích cụ thể cho cộng đồng trong nước, bao gồm cả việc tạo ra những việc làm lâu dài.
Tỉnh Bình Thuận là một trong những khu vực có nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở Việt Nam, hiện đang thu hút nhiều dự án điện gió ngoài khơi với quy mô đầu tư lên đến hàng tỷ đô la. Đầu năm 2021, BVG Associates (chuyên gia tư vấn cho Ngân hàng Thế giới) đã tiến hành một nghiên cứu về những lợi ích kinh tế tiềm năng của Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với công suất 3,5 GW, do công ty phát triển năng lượng tái tạo từ Đan Mạch là Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) đầu tư và phát triển.
BVG Associates tính toán rằng: Trong suốt thời gian hoạt động, dự án La Gàn có thể đóng góp khoảng 4,4 tỷ đô la Mỹ và tạo ra hơn 45.000 việc làm trực tiếp cho nền kinh tế Việt Nam. Trong số các công việc được tạo ra trong các giai đoạn khác nhau, giai đoạn vận hành và bảo trì (O&M) sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra giá trị lâu dài cho cộng đồng địa phương tỉnh Bình Thuận. Mỗi năm, dự án La Gàn được dự kiến sẽ tạo ra hơn 1.000 việc làm trực tiếp khi đi vào hoạt động hoàn chỉnh.
Vận hành và bảo trì dự án điện gió ngoài khơi:
O&M cho dự án điện gió ngoài khơi là một quá trình phức tạp, đòi hỏi trình độ, kỹ năng khác nhau và cam kết lâu dài từ công ty vận hành dự án. Quá trình này bao gồm một loạt các dịch vụ liên quan để đảm bảo tính toàn vẹn cho các bộ phận chính yếu như tua bin gió ngoài khơi, móng trụ, hệ thống truyền tải điện ngoài khơi và trên bờ. Công ty vận hành dự án sẽ cần thành lập các văn phòng tại địa phương, cũng như một bộ máy tổ chức để đảm nhận việc vận hành, bảo trì và quản lý tài sản của dự án 24/7 trong suốt thời gian hoạt động của dự án, thường là khoảng 25 năm.
Tổng quan về hoạt động vận hành và bảo trì dự án điện gió ngoài khơi. (Nguồn: Theo “Hướng dẫn vận hành và bảo trì dự án điện gió ngoài khơi Vương quốc Anh” do Doanh nghiệp Scotland và The Crown Estate xuất bản).
Thông thường, để quản lý các hoạt động vận hành và bảo trì hàng ngày, công ty vận hành dự án sẽ xây dựng một cơ sở vận hành, bảo trì tại địa phương với đầy đủ chức năng, thực hiện việc lưu trữ và bảo trì, có trung tâm kiểm soát và khu vực cho nhóm kỹ thuật viên. Cơ sở vận hành và bảo trì cần được xây dựng gần địa điểm của dự án điện gió với lối vào cảng gần bờ biển để xử lý các hoạt động hàng ngày một cách nhanh chóng.
Cơ sở vận hành và bảo trì sẽ xử lý việc kiểm tra khu vực dự án điện gió ngoài khơi hàng ngày, giám sát hiệu suất vận hành của nhà máy, thực hiện bảo trì phòng ngừa và bảo trì sửa chữa, điều phối hàng hải, quản lý HSE (sức khỏe - an toàn - môi trường), các hoạt động tuân thủ, cũng như phối hợp làm việc với các cơ quan chức năng. Thông thường, đơn vị vận hành dự án điện gió sử dụng tàu vận chuyển đoàn kỹ thuật viên (CTV - viết tắt của “Crew-Transfer-Vessel”) hoặc tàu vận hành dịch vụ (SOV - viết tắt của “Service Operation Vessel”) để thực hiện các công việc hàng ngày ở khu vực ngoài khơi tùy thuộc vào khoảng cách từ bờ biển. Trong một số trường hợp nhất định, máy bay trực thăng cũng được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động ngoài khơi.
Tổng quan về tàu vận chuyển kỹ thuật viên và tàu vận hành dịch vụ được sử dụng trong vận hành và bảo trì của dự án điện gió ngoài khơi.
Ý nghĩa với cộng đồng địa phương ở Bình Thuận:
Các hoạt động vận hành và bảo trì rất quan trong trong việc đảm bảo năng suất và thành công của dự án điện gió ngoài khơi. Một dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn như dự án La Gàn không thể hoạt động nếu không có một nhóm lớn nguồn nhân lực với các kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp. Do đó, việc công ty vận hành dự án điện gió tận dụng nhiều tài năng trong nước nhất có thể và chia sẻ các lợi ích với cộng đồng địa phương là hoàn toàn hợp lý.
Vận hành và bảo trì dự án điện gió ngoài khơi yêu cầu một loạt các kỹ năng để thực hiện các hoạt động này, chẳng hạn như quản trị văn phòng, nhân sự, quản lý hợp đồng, quản lý HSE, quản lý thương mại và pháp lý. Ngoài ra, nhiều kỹ năng khác cũng được yêu cầu để thực hiện các công việc kỹ thuật, chẳng hạn như kỹ thuật điện và kết cấu, giao thông vận tải hàng hải và kỹ thuật phần mềm.
Các chương trình đào tạo và tu nghiệp “Nhân lực cổ xanh” cho các cộng đồng địa phương (Nguồn: Các dự án của CIP tại Đài Loan).
Để nuôi dưỡng nguồn nhân lực tại địa phương với các kỹ năng cần thiết trong giai đoạn vận hành, bảo trì, các đơn vị phát triển dự án điện gió ngoài khơi có động lực để chủ động thực hiện các phương pháp tiếp cận thông qua việc khuyến khích sự hợp tác giữa các học viện trong nước và quốc tế cho các khóa học về công nghiệp và đề khởi các chương trình đào tạo “Nhân lực cổ xanh” (nói về những người làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến môi trường, kể cả năng lượng xanh) tại các cộng đồng địa phương.
Ngoài ra, lực lượng lao động trong các lĩnh vực như đóng tàu, hoặc dầu khí cũng có cơ hội lớn điều chỉnh các kỹ năng và kinh nghiệm của họ để thích ứng với lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Về lâu dài, việc vận hành và bảo trì dự án điện gió ngoài khơi sẽ mang lại cơ hội mới cho các doanh nghiệp trong nước, cũng như cộng đồng địa phương tỉnh Bình Thuận. Một nguồn lực mới gồm các nhân lực tại địa phương có tay nghề cao về vận hành và bảo trì dự án điện gió ngoài khơi cũng sẽ có cơ hội phát triển mạnh trong ngành công nghiệp toàn cầu này trong những thập kỷ tới./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM