Địa phương vừa ký hợp tác đầu tư dự án điện gió hơn 4,6 tỷ USD với Đức có tiềm năng gì đặc biệt?

Mới đây, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Phòng Công nghiệp và thương mại Đức tại Việt Nam tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Đức. Tại sự kiện này, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã ký kết ghi nhớ hợp tác với Công ty PNE AG (Đức) triển khai dự án điện gió ngoài khơi với tổng vốn hơn 4,6 tỷ USD.

Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ của Việt Nam, là một trong năm tỉnh của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. So với các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Bình Định có lợi thế vượt trội, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên và vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế biển.

Dữ liệu Cục Thống kê địa phương cho biết, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,92% so với cùng kỳ, cao hơn tăng trưởng bình quân cả nước (GDP cả nước tăng 8,83%), xếp thứ 7 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và xếp thứ 3 trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. 

Theo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tỉnh Bình Định đứng thứ 11/63 tỉnh, thành và đứng thứ 3/12 địa phương thuộc khu vực Duyên hải miền Trung của Việt Nam.

Về tình hình đầu tư, toàn tỉnh Bình Định hiện có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,1 tỷ USD; trong đó có 38 dự án trong khu kinh tế và khu công nghiệp, với tổng vốn đăng ký 854,88 triệu USD; và 48 dự án ngoài khu kinh tế và khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 245,62 triệu USD.

Tính riêng 10 tháng đầu năm 2022, Bình Định có 1 dự án đăng ký cấp mới với vốn dăng ký cấp mới khoảng 49 triệu đồng; 2 trường hợp điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn điều chỉnh tăng 15,15 triệu USD.

Bình Định là tỉnh có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 7 dự án điện mặt trời, tổng công suất 529,5 MWp (đã vận hành phát điện 415,5 MWp) và 4 dự án điện gió, tổng công suất 111MW (đã vận hành phát điện 81 MW). UBND tỉnh Bình Định đang kiến nghị bổ sung vào quy hoạch 18 dự án điện mặt trời (1.169MWp) và 11 dự án điện gió (6.174,5MW).

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022 cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2022 tăng 7,02% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 20,66%. Năm 2022, lượng nước các hồ thủy điện tích trữ tốt đảm bảo cho hoạt động sản xuất và phân phối điện. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất điện năng lượng mặt trời, năng lượng gió chính thức đi vào hoạt động, góp phần làm tăng giá trị sản xuất của ngành điện. Trong đó, sản lượng điện sản xuất tăng 30,28% và sản lượng điện thương phẩm tăng 3,25%.

Toàn tỉnh Bình Định hiện có 6 nhà máy điện năng lượng mặt trời và điện gió đang hoạt động gồm: Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp (huyện Phù Cát); Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ, Nhà máy điện mặt trời Mỹ Hiệp, Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ); Nhà máy điện mặt trời Fujiwara Bình Định, Nhà máy phong điện Phương Mai 3 (khu kinh tế Nhơn Hội). 

Trong đó, hiện các dự án điện mặt trời đã đưa vào vận hành phát điện với tổng công suất 415,5  MW (điện mặt trời được quy hoạch là 529,5 MWp) và các dự án điện gió đã đưa vào vận hành phát điện với tổng công suất là 77,4 MW (điện gió được quy hoạch là 112,1 MW). 

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký nghiên cứu, khảo sát, đầu tư các dự án điện gió và điện mặt trời. Tỉnh Bình Định rất quan tâm đến việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo, nhất là các dự án có quy mô lớn để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. UBND tỉnh đã có nhiều văn bản đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Thực hiện chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015, trong thời gian qua, để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, UBND tỉnh Bình Định đã quy hoạch khu vực phong điện nằm trong khu kinh tế Nhơn Hội và đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Nhà máy phong điện Phương Mai 3 (6 trụ tuabin gió, Pmax: 21MW), tổng mức đầu tư của dự án là 996 tỷ đồng; Nhà máy phong điện Phương Mai 1 (12 trụ tuabin gió, Pmax: 26,4MW), tổng mức đầu tư 1.076 tỷ đồng; Nhà máy điện gió Nhơn Hội 1 (6 trụ tuabin gió, Pmax: 30MW), tổng mức đầu tư là 1.321 tỷ đồng; Nhà máy điện gió Nhơn Hội 2 (6 trụ tuabin gió, Pmax: 30MW), tổng mức đầu tư là 1.340 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo Đề án quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh tỉnh Bình Định đến năm 2030, sẽ có 40 dự án điện mặt trời với tổng công suất trên 2.280 MWp, điều này phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn năng lượng này trong cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ Công Thương sớm xem xét thẩm định, phê duyệt hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời và điện gió trên địa bàn tỉnh vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030; nếu được phê duyệt tỉnh Bình Định sẽ là một trung tâm năng lượng tái tạo lớn của khu vực miền Trung.

Giang Anh

https://toquoc.vn/dia-phuong-vua-ky-hop-tac-dau-tu-du-an-dien-gio-hon-46-ty-usd-voi-duc-co-tiem-nang-gi-dac-biet-20221123154543851.htm