Chia sẻ cơ hội hợp tác và phát triển điện gió tại Việt Nam

Ngày 1/12, Hội nghị điện gió Việt Nam năm 2022 diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị do Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu và Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 4 (EVNPECC4) đồng tổ chức.

Hội nghị điện gió Việt Nam diễn ra trong hai ngày 1 và 2/12 với sự tham dự của đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam như: Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Đức, Anh… cùng các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề liên quan, chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế cùng đại diện những địa phương có tiềm năng về phát triển điện gió tại Việt Nam.

Hội nghị được tổ chức nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, tạo điều kiện để chính phủ và ngành điện gió thảo luận về các vấn đề cấp bách xung quanh việc phát triển năng lượng gió ở Việt Nam. Đây được xem là diễn đàn quan trọng và hiệu quả để ngành công nghiệp điện gió Việt Nam nhận được nhiều đóng góp quý báu, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển chuỗi cung ứng, tăng cường nội địa hóa và nhiều vấn đề khác, nhằm thúc đẩy hiện thực hóa lộ trình phát triển điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Đồng thời các bên liên quan ngành công nghiệp điện gió gặp nhau trực tiếp, kết nối và mở ra khả năng hợp tác, đặc biệt giữa các công ty nước ngoài và các công ty Việt Nam.

Hội nghị điện gió Việt Nam tạo diễn đàn chia sẻ cơ hội hợp tác và phát triển điện gió

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: Thực tiễn phát triển năng lượng, phát triển điện tại Việt Nam thời gian vừa qua đã cho thấy mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, các nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước thiếu hụt và bắt đầu phải nhập khẩu năng lượng.

Đứng trước các khó khăn về đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng thì việc chú trọng tới chuyển dịch năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững, đáp ứng các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu được xác định là mục tiêu then chốt và xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu: Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Ưu tiên phát triển điện gió và điện mặt trời phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều giải pháp về chính sách, cơ chế nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt khoảng 20,7 GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện, trong đó điện gió khoảng 4 GW. Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực về gia tăng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo.

Là nước nhiệt đới với bờ biển dài hơn 3.200 km, tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng điện gió và điện gió ngoài khơi rất lớn. Trên thế giới, công nghệ năng lượng tái tạo đang phát triển vượt bậc, chi phí công nghệ đang giảm nhanh, các giải pháp công nghệ về truyền tải, lưu trữ điện đang có những tiến bộ mới.

Nhiều ý kiến cho rằng, đối với điện gió ngoài khơi, cơ hội rất nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn

Thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, đối với điện gió ngoài khơi, cơ hội rất nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn. Nguồn điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đến năm 2030 vẫn là nguồn điện có chi phí đầu tư xây dựng cao. Bên cạnh đó, phát triển điện gió ngoài khơi đòi hỏi cao về hạ tầng đồng bộ, tăng cường khả năng vận hành của hệ thống và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với tính phức hợp của dự án điện gió ngoài khơi (gồm cả công trình trên bờ và trên biển), cần thiết phải hoàn thiện các văn bản luật và dưới luật, hoàn chỉnh các quy định về khảo sát dự án, giao khu vực biển, đánh giá tác động môi trường…

Hội nghị điện gió Việt Nam năm 2022 diễn ra trong 2 ngày. Nhiều nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận tại hội nghị như: chính sách năng lượng và phát triển điện gió; vai trò của hợp tác quốc tế đối với phát triển gió tại diễn đàn Việt Nam; quan điểm trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của điện gió Việt Nam; chiến lược và thực tiễn tốt nhất về phát triển chuỗi cung ứng điện gió trên bờ của Việt Nam; chiến lược vận hành và bảo trì trên bờ...

Bên cạnh đó là một loạt các phiên thảo luận và phiên họp liên quan đến các nội dung: hợp đồng mua bán điện trực tiếp; cấp giấy phép cho điện gió ngoài khơi; đấu giá và cơ chế khác cho hỗ trợ điện gió ngoài khơi tại Việt Nam; các thách thức về tài chính trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi; công nghệ, lưu trữ điện gió nổi và hydro xanh; chứng nhận, đào tạo và an toàn cho phát triển điện gió; bảo hiểm và quản lý rủi ro; chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng; thu hút đầu tư tư nhân trong việc phát triển lưới điện...

Lan Anh

Nguồn:https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Chia-se-co-hoi-hop-tac-va-phat-trien-dien-gio-tai-Viet-Nam-6-164-18931