Theo lộ trình đến năm 2030, điện gió và điện mặt trời sẽ chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện. Điều này là phù hợp bởi hơn 39% lãnh thổ của Việt Nam có tốc độ gió hơn 6m/s tại độ cao 65 m. Đặc biệt, khoảng 8% diện tích lãnh thổ Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển năng lượng gió lên tới 112 GW.
Hướng tới những trang trại năng lượng gió ngoài khơi
Quy hoạch điện VIII vừa được thông qua sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi. Theo lộ trình đến năm 2030, công suất điện gió trên bờ đạt 21.880 MW. Phát huy tối đa tiềm năng kĩ thuật điện gió ngoài khơi (khoảng 600.000 MW) để sản xuất điện và năng lượng mới.
Quy hoạch điện VIII nêu rõ việc phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác để sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Các nguồn điện năng lượng tái tạo, sản xuất năng lượng mới phải mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một ngành kinh tế mới của đất nước.
Ước tính, công suất nguồn điện gió ngoài khơi để sản xuất năng lượng mới khoảng 15.000 MW đến năm 2035 và khoảng 240.000 MW đến năm 2050.
Khơi thông cơ chế giá
Trao đổi với Lao Động, ông Phan Công Tiến - chuyên gia năng lượng và thị trường điện - cho rằng, cần có chính sách cụ thể để phát triển điện gió mới có thể phát triển bền vững. Chính sách nên được xem xét từ nhiều khía cạnh, xuất phát từ luật tới các nghị định.
Về giá điện gió, ông Tiến đánh giá rất khó để đưa ra mức giá chuẩn xác. "Đưa ra mức giá cố định rất khó bởi cần qua đấu thầu, minh bạch và có số dư thì giá mới tiệm cận với thị trường. Do đó chính sách đấu thầu rất quan trọng" - ông nói.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia khác cũng chỉ ra các vấn đề lớn cần phải giải quyết và làm rõ về điện gió ngoài khơi. Trong đó bao gồm quy hoạch, cơ chế chính sách đầu tư xây dựng, quy định cấp phép, quy chuẩn tiêu chuẩn, quy định vận hành cơ chế giá điện và hợp đồng bán mua bán điện, quy định về vận hành hệ thống điện, hệ thống cảng biển phát triển chuỗi cung ứng…
Bên cạnh đó, TS Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh - đánh giá các dự án điện gió được xây dựng, triển khai trong thời gian qua có công suất rất lớn. Tuy nhiên thực tế thống kê điện năng phát thực sự của các nguồn này tính ổn định không cao, phụ thuộc nhiều yếu tố. Điện gió phụ thuộc vào đặc thù từng khu vực mà dự án được xây dựng.
Hiện nay, năng lực phát điện của nguồn này giai đoạn tháng 4, tháng 5 chỉ đạt khoảng 10 - 20% công suất. "Nhìn vào đó có thể thấy, sản lượng cung ứng thực tế của các nguồn điện gió rất hạn chế và rất khó để dựa vào, đáp ứng nhu cầu tăng cao mùa nắng nóng" - ông Sơn cho hay.
Đức Mạnh
Nguồn:Cần thêm chính sách để phát triển điện gió bền vững (laodong.vn)