Bộ Công thương nhận định rất khó khả thi đạt được 6GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 theo quy hoạch điện VIII.
Nhiều khả năng nhà đầu tư ngoại sẽ phải chờ đợi thêm 6-8 năm nếu muốn làm điện gió ngoài khơi. Ảnh minh họa: Hoàng Anh)
Bộ Công thương vừa có văn bản dự thảo gửi Thủ tướng Chính phủ về xây dựng đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi.
Căn cứ chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà hồi tháng 2 vừa qua, Bộ Công thương vừa hoàn thành, xin ý kiến các bộ, cơ quan, địa phương về dự thảo đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam cũng như nghị quyết của Quốc hội trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ Công thương, điện gió ngoài khơi (ĐGNK) là lĩnh vực rất mới tại Việt Nam và hiện chưa có kinh nghiệm trong đầu tư, có liên quan đến an ninh, chủ quyền biển đảo. Đồng thời, do vướng mắc của pháp luật về loại hình này liên quan đến chức năng nhiệm vụ của nhiều bộ, cơ quan nên chưa thể đánh giá đầy đủ các vấn đề bất cập.
Việc này sẽ được Bộ Công thương tiếp tục thực hiện sau khi nhận được ý kiến của Thường trực Chính phủ và ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan liên quan. Do vậy, đề án cần được nghiên cứu khoa học, kỹ lưỡng, thận trọng và cần đầu tư cả về thời gian, chất lượng.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng cho rằng cần làm rõ mục tiêu của việc ban hành nghị quyết của Quốc hội cho phép thí điểm phát triển ĐGNK.
Nguyên nhân, nếu năm nay Quốc hội ban hành nghị quyết, thì đến 2030 dự án thí điểm rất khó khả thi để đi vào vận hành. Bởi theo nhận định của nhiều chuyên gia, thời gian thực hiện dự án ĐGNK cần từ 6 - 8 năm kể từ khi bắt đầu khảo sát, cùng với đó suất đầu tư rất lớn khoảng 2,5 - 3 tỷ USD/GW.
Việc đạt được 6GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 theo quy hoạch điện VIII là rất khó khả thi, Bộ Công thương nhấn mạnh.
Thêm nữa, trên thực tế, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội cần được thực hiện theo trình tự, quy định pháp luật và cần thời gian để tổng kết, lấy ý kiến bộ, ngành, thẩm định, trình Chính phủ cho ý kiến. Do đó, việc trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 năm nay, theo Bộ Công thương là không khả thi.
Năm 2030 sẽ hoàn thiện quy định pháp luật
Bên cạnh các mục tiêu chung như phát triển ĐGNK theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” theo Nghị quyết 81 của Quốc hội, đề án cũng xác lập một số mục tiêu cụ thể.
Trong đó, đáng chú ý, mục tiêu đến năm 2030, hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến phát triển ĐGNK (như điện lực, xây dựng, biển và hải đảo); đến 2032 hoàn thành đầu tư một dự án thí điểm.
Đặc biệt, về đối tượng, đề án giai đoạn đầu tập trung giao tập đoàn kinh tế nhà nước làm dự án thí điểm, tạo tiền đề để hoàn thiện quy định pháp luật. Sau khi toàn bộ hệ thống pháp luật đã hoàn thiện mới tính tới giao nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tư nhân.
Nằm trong ba đối tượng được Phó thủ tướng giao Bộ Công thương nghiên cứu trao trọng trách, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đưa ra một số vấn đề xoay quanh ĐGNK thời điểm hiện tại.
Điển hình là thực tế hiện tại chưa có giá bán điện cho dự án ĐGNK. Giá bán điện các nhà máy ĐGNK khá cao, khoảng 11-13 UScent/kWh, so với chi phí biên dài hạn của hệ thống.
Đồng thời, hiện chưa có nhà đầu tư (gồm cả tư nhân lẫn nhà đầu tư nước ngoài) đầu tư dự án ĐGNK nên chưa rõ yêu cầu của nhà đầu tư liên quan đến cam kết sản lượng hợp đồng mua bán điện, việc chuyển đổi ngoại tệ và các yêu cầu về tài chính liên quan.
Một vấn đề khác, EVN cũng đề cập đến khả năng nhà tài trợ/chủ đầu tư yêu cầu điều chỉnh giá bán điện theo tỷ giá USD/VND, tỷ suất sinh lợi của dự án/vốn chủ sở hữu, bảo lãnh của Chính phủ đối với một số nội dung của hợp đồng mua bán điện.
Nguyễn Cảnh
Nguồn:https://theleader.vn/6gw-dien-gio-ngoai-khoi-den-2030-rat-kho-kha-thi-1714492527547.htm