Năm 2030, các nước Nam bán cầu phải cần tới 2.000 tỷ USD/năm để cứu khí hậu

Chủ tịch COP ước tính các quốc gia miền Nam sẽ cần hơn 2.000 USD mỗi năm vào năm 2030 để tài trợ cho hành động cứu khí hậu
 

Cần bước đột phá trong tài chính khí hậu

Công bố tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc COP27 tại Ai Cập, hôm nay (8/11), Chủ tịch COP ước tính các quốc gia miền Nam sẽ cần hơn 2.000 USD/năm vào năm 2030 để tài trợ cho hành động cứu khí hậu và một nửa số tiền này phải đến từ nguồn tài trợ bên ngoài, gồm các nhà đầu tư, các nước phát triển và các tổ chức đa phương.

Các khoản đầu tư này sẽ dành cho các quốc gia mới nổi và các nước đang phát triển, được sử dụng để giảm lượng khí thải, xây dựng khả năng phục hồi, giải quyết tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu cũng như khôi phục đất đai và thiên nhiên. Tổng số tiền cần thiết cho các mục tiêu này sẽ vào khoảng 2,4 nghìn tỷ đô la hàng năm vào năm 2030.

Trong số này, 1.000 tỷ USD phải đến từ nguồn tài trợ bên ngoài nhờ các nhà đầu tư, các nước phát triển và các tổ chức đa phương. Phần còn lại sẽ đến từ nguồn tài chính của các quốc gia này, tư nhân hoặc công cộng.

Năm 2030, các nước Nam bán cầu phải cần tới 2.000 tỷ USD/năm để cứu khí hậu - Ảnh 1

Chủ tịch COP ước tính các quốc gia miền Nam sẽ cần hơn 2.000 USD/năm vào năm 2030.

"Để đảm bảo nguồn tài trợ từ bên ngoài, thế giới cần một bước đột phá và một lộ trình mới cho tài chính khí hậu”, đánh giá chung từ Vera Songwe, Nicholas Stern và Amar Bhattacharya, các nhà kinh tế học và khí hậu học.

Báo cáo đưa ra các hướng đi cụ thể như tổ chức lại các ngân hàng phát triển đa phương hoặc tăng các khoản vay lãi suất thấp hoặc bằng không từ các nước phát triển.

Vấn đề tài chính là trọng tâm của COP27. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi xem xét lại hoạt động của hệ thống tài chính quốc tế để giúp đỡ nhiều hơn một số quốc gia là nạn nhân của thảm họa như Pakistan, bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt lịch sử.

Lời hứa năm 2020 vẫn chưa thể thực hiện

Một báo cáo của Liên hợp quốc công bố tuần trước cho thấy lượng khí thải toàn cầu đang trên đà tăng 10,6% vào năm 2030 so với năm 2010. Các nhà khoa học cho biết lượng khí thải đó phải giảm 43% vào năm 2030 để kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp như mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015.

Các quốc gia giàu có cũng chưa thực hiện đầy đủ lời hứa cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm từ năm 2020 để giúp các nước đang phát triển cắt giảm lượng khí thải CO2 và thích ứng với biến đổi khí hậu, ví dụ như việc xây dựng cơ sở hạ tầng để bảo vệ nguồn cung cấp nước uống khỏi nước biển dâng.

Và nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ và các thành viên của EU, lại đang kêu gọi tăng cường sử dụng nhiên liệu hóa thạch để giúp hạ giá năng lượng tiêu dùng, một xu hướng có nguy cơ trì hoãn quá trình chuyển dịch toàn cầu sang năng lượng sạch hơn.

Thêm vào đó, COP27 cũng phải đối mặt với khó khăn trong việc huy động tiền mặt, trong tình cảnh ngân sách của các chính phủ phương Tây cạn kiệt do phải chi tiêu nhiều để bảo vệ công dân của họ khỏi suy thoái kinh tế.

Cho đến nay, chỉ có hai quốc gia nhỏ cung cấp tài trợ cho vấn đề tổn thất và thiệt hại. Đan Mạch cam kết 100 triệu tiền Đan Mạch và Scotland cam kết 2 triệu bảng Anh (2,28 triệu USD).

Để so sánh, một số nghiên cứu cho thấy thiệt hại liên quan đến khí hậu có thể lên tới 580 tỷ USD/ năm vào năm 2030.

Trong khi đó, để đạt được bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần có sự chấp thuận nhất trí của tất cả các nước và tiến độ có thể rất chậm chạp.

Alex Scott, chuyên gia về ngoại giao khí hậu tại nhóm tham vấn E3G, cho biết: "Giải pháp cần thiết là kết hợp các phương pháp tiếp cận", trong đó có việc khắc phục vấn đề của các quỹ khí hậu hiện tại thuộc Liên hợp quốc. Các quỹ này nhiều năm qua còn tương đối chậm chạp trong việc phân bổ tài chính và các quy trình giải quyết phức tạp đã khiến một số nước nghèo không thể tiếp cận hỗ trợ.

Hà Lan/ kinhtemoitruong.vn

Nguồn:  https://kinhtemoitruong.vn/nam-2030-cac-nuoc-nam-ban-cau-phai-can-toi-2000-ty-usdnam-de-cuu-khi-hau-73174.html